Du lịch

Làm gì để du lịch Bắc Tây Nguyên "cất cánh"?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tây Nguyên được thiên nhiên ưu đãi nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, giá trị đa dạng sinh học cao, tài nguyên du lịch đa dạng và cũng là nơi có khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm, phù hợp cho việc nghỉ dưỡng của con người. Tuy nhiên, du lịch của từng địa phương trong khu vực phát triển không đồng đều, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có, nhất là các tỉnh Bắc Tây Nguyên. 
Những giá trị tài nguyên du lịch vùng Tây Nguyên đã được xác định trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, là 1 trong 7 vùng du lịch trọng điểm của cả nước, tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam có thể cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế. Thời điểm chưa có dịch Covid-19 bùng phát, các tỉnh trong khu vực phấn đấu đưa du lịch thành ngành mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Lượng du khách hàng năm đến với các tỉnh Tây Nguyên đều tăng trưởng, trong đó lượng khách đến với du lịch Lâm Đồng chiếm khoảng 2/3 số lượng khách trong vùng; số lượng khách du lịch đến 4 tỉnh còn lại khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của các địa phương. Nguyên nhân của tình trạng này là do các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đak Lak, Đak Nông đều xa các trung tâm lớn như: TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Nam Bộ, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc… Trong khi đó, hạ tầng giao thông chưa thật đồng bộ thông suốt và thuận tiện; các quốc lộ huyết mạch như: quốc lộ 14, 19, 20, 24, 25, 26, 27 chất lượng giao thông chưa đáp ứng đủ yêu cầu phát triển của du lịch, chưa có đường cao tốc để rút ngắn thời gian di chuyển đường bộ và an toàn; các sân bay quy mô không lớn, tần suất chuyến bay không cao, thiếu nhiều tuyến kết nối với các địa phương khác.
Bên cạnh đó, sự thu hút đầu tư vào khai thác tài nguyên để phát triển du lịch còn thiếu hấp dẫn, chưa có nhiều dự án khả thi được triển khai đầu tư, đặc biệt là các dự án có quy mô lớn. Hiệu quả thu nhập từ du lịch còn thấp trong cơ cấu kinh tế, chưa trở thành ngành kinh tế thật sự quan trọng nên chưa được sự quan tâm ưu tiên nguồn vốn đầu tư ngân sách cho kết cấu hạ tầng du lịch của các địa phương. Các sản phẩm du lịch chưa tạo ra sự khác biệt, phù hợp với đặc trưng lợi thế của từng địa phương và có thương hiệu riêng dưới sự bảo trợ của thương hiệu chung Tây Nguyên để hấp dẫn du khách nên sản phẩm còn bị trùng lắp, chồng chéo giữa các địa phương Tây Nguyên với nhau; thiếu sự liên kết phối hợp tập trung giải quyết để có hiệu quả hơn giữa các địa phương. Nhiều loại hình đặc thù địa hình miền núi chưa được hình thành phát huy lợi thế tài nguyên (golf, các loại thể thao mạo hiểm…). Việc khai thác tài nguyên du lịch chưa thực sự quan tâm gắn với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa, giá trị tự nhiên…
Biểu diễn cồng chiêng trong ngày hội. Ảnh: N.L.V.Q
Biểu diễn cồng chiêng trong ngày hội. Ảnh: N.L.V.Q
Tình trạng đó dẫn đến du lịch của từng địa phương ở Tây Nguyên phát triển không đồng đều, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có. Để du lịch toàn vùng nói chung, Bắc Tây Nguyên nói riêng có điều kiện phát triển ổn định và bền vững, các tỉnh cần có liên kết phối hợp với nhau để tạo nên sự thống nhất cao trong việc xây dựng sản phẩm bổ sung cho nhau nhằm phát huy thế mạnh sản phẩm của từng địa phương, tránh trùng lắp, chồng chéo làm giảm giá trị sản phẩm đặc thù vốn là lợi thế so sánh. Mở rộng liên kết, hợp tác với các vùng, khu vực khác trong cả nước và quốc tế có liên quan thiết thực, chú trọng mối quan hệ với các tỉnh trong vùng duyên hải Trung Bộ, đặc biệt là với các tỉnh trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam nhằm liên kết tạo ra nhiều sản phẩm du lịch liên tuyến đặc thù phong phú có chất lượng cao, tăng sức hấp dẫn thu hút khách du lịch nội địa và quốc tế về cho mình (từ Pleiku có thể mở tour du lịch sang Ratanakiri, Stung treng của Campuchia và vòng qua Champasak, Attapeu của Lào rồi về Kon Tum hoặc ngược lại). Để tạo bệ phóng cho du lịch Bắc Tây Nguyên phát triển, cần triển khai kế hoạch nâng cấp, mở rộng đầu tư các tuyến giao thông đường bộ huyết mạch; nâng cấp, mở rộng các sân bay Pleiku, Buôn Ma Thuột phục vụ lượng khách nhiều hơn và tăng tần suất chuyến bay, mở thêm nhiều tuyến bay mới với các địa phương có nhu cầu thị trường cần thiết…
Mặt khác, các tỉnh Bắc Tây Nguyên cũng chưa có nhiều công trình du lịch quy mô lớn, hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch còn thiếu nhiều tiện ích để phục vụ các đối tượng khách du lịch cao cấp, tổ chức phục vụ các sự kiện quy mô khi du lịch Tây Nguyên mở cửa phát triển. Phải chăng chính sách kêu gọi đầu tư hiện hành chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư? Các tỉnh Tây Nguyên nên xem xét lại các cơ chế chính sách hiện có để bổ sung, điều chỉnh phù hợp nhằm khuyến khích thu hút các nhà đầu tư mạnh dạn thực hiện.
Đó là những hạn chế cơ bản trong phát triển du lịch khu vực Bắc Tây Nguyên thời gian qua. Giải quyết được những vấn đề này sẽ góp phần phát triển kinh tế từng địa phương, nâng cao ý thức trách nhiệm của mọi tầng lớp về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa, lịch sử Tây Nguyên. Mới đây, ngày 24-4-2022, UBND tỉnh Kon Tum phối hợp với Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) cùng nhiều cơ quan liên quan tổ chức diễn đàn về du lịch. Rồi đến hạ tuần tháng 5-2022, Gia Lai cũng tổ chức Tuần lễ các sự kiện chào mừng 90 năm Ngày thành lập tỉnh (24-5) với hàng loạt hoạt động nhằm kết nối, xúc tiến đầu tư, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Đây sẽ là những “cú hích” giúp các tỉnh khu vực Bắc Tây Nguyên phát huy tiềm năng, phát triển mạnh mẽ ngành du lịch mang lại nhiều kết quả góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh Bắc Tây Nguyên.
THANH PHONG

Có thể bạn quan tâm