Kinh tế

Làm gì để phát triển bền vững ngành cao su?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đặt câu hỏi đó có nghĩa là ngành cao su Việt Nam trong nhiều năm qua chưa phát triển bền vững. Có rất nhiều yếu tố tạo nên sự thiếu bền vững này, từ khâu phát triển vùng trồng cao su thiếu khoa học, sản phẩm không đạt chuẩn, xuất khẩu thô, phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc… Phải nhìn nhận hết những hạn chế ấy, trước khi có chương trình mục tiêu phát triển bền vững.

Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được ký kết giữa 11 quốc gia, trong đó nhiều quốc gia có nền kinh tế lớn, là động lực cho ngành cao su Việt Nam phát triển bằng việc xây dựng thương hiệu, tăng cường khả năng cạnh tranh trong điều kiện những quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên đứng trong Hiệp định cũng tăng tốc để đón những cơ hội, nhất là khi thuế suất nhập khẩu về mức 0%.

 

Ảnh internet

Cho tới khi CPTPP chính thức có hiệu lực, thời gian cũng không còn nhiều nữa. Với Việt Nam, ngành cao su sẽ được hưởng lợi từ hiệp định này, vì thế, chuẩn bị rốt ráo ngay từ bây giờ những điều kiện để tham gia một cách sòng phẳng vào “sân chơi lớn” là việc không thể chậm trễ. Sẽ không ai chờ mình cả và sẽ không có một sự chiếu cố hay ân huệ nào cả. Thị trường cạnh tranh bình đẳng nhưng lạnh lùng, không có chỗ cho mọi sơ sót hay yếu kém, không có ưu tiên, ưu đãi gì cho nước phát triển chậm.

Ngoài CPTPP, Việt Nam còn ký kết rất nhiều hiệp định thương mại đa phương và song phương khác mà trong đó, ngành cao su có thể xuất khẩu sản phẩm của mình cho nhiều thị trường. Mở rộng biên độ thị trường xuất khẩu, đồng nghĩa với việc phải xây dựng xuất xứ sản phẩm, phải làm thương hiệu, phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định quốc tế về hàng hóa. Thời của xuất khẩu thô sắp qua, thời của kinh tế thị trường chuyên nghiệp với những sản phẩm đạt chuẩn quốc tế sẽ tới, vì thế, ngay từ giờ, nếu không chuẩn bị theo những yêu cầu của thị trường CPTPP và của các hiệp định thương mại khác thì cơ hội sẽ có nhưng thành công thì không.

Cao su là mặt hàng đã có mặt tại Việt Nam hơn 100 năm nay, nhưng tốc độ phát triển về công nghệ, về thương hiệu và chất lượng sản phẩm thì tiến triển rất chậm, nhiều khi còn thụt lùi. Có một thời kỳ người ta tưởng cao su là ngành hái ra tiền nên tổ chức trồng cao su một cách tràn lan, thiếu khoa học, nhất là cao su trồng ở miền Trung, khiến nông dân điêu đứng. Những điều đó tuyệt đối không được lặp lại khi CPTPP mở ra vì sự kiểm định chất lượng sẽ ngày càng nghiêm ngặt. Những quy định ở đây là rất rõ ràng và yêu cầu phải thực hiện đúng 100%, không có sự giảm trừ nào.    

Hãy học tập một “đối thủ” quan trọng nhất về sản xuất cao su ở ngay khu vực ASEAN là Malaysia. Bởi lẽ, chữ “bền vững” nói ra thì dễ nhưng để thực hiện được nó trong cả một chiến lược thì rất khó. Không hiểu Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã sẵn sàng cho chiến lược phát triển bền vững này chưa? Cây cao su vốn mau lớn nhưng dễ gãy khi có gió to bão lớn, chiến lược về cây cao su cũng cần lưu ý về tốc độ tăng trưởng và khả năng “dễ gãy” này, để tránh những thất bại khi hoàn toàn có thể tránh được.

Không phải chỗ nào cũng trồng được cao su. Loại cây này phụ thuộc rất nhiều vào thổ nhưỡng, khí hậu, trước khi phụ thuộc vào quy trình chăm sóc, vì vậy, cần rất thận trọng khi phát triển vùng nguyên liệu.

Cây cao su cũng là cây “đường dài” vì có tuổi thọ khá cao nên phải tính được đầu ra ổn định cho sản phẩm cao su. Gỗ cao su cũng là mặt hàng chiến lược, vì vậy, cần tính đồng bộ cho “toàn thể” cây cao su, chứ không riêng mủ cao su.

Và công nghệ chế biến cao su thiên nhiên sẽ trở thành quan trọng nhất khi CPTPP thực sự vận hành.

Thanh Thảo

Có thể bạn quan tâm