Sống trẻ - Sống đẹp

Làm giàu từ cây thảo quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Số tiền tích góp 4 năm đi xuất khẩu lao động tại Malaysia, Ma Văn Anh (31 tuổi, dân tộc Tày, quê Thái Nguyên) đem mua cây giống trồng thảo quả - một loại cây thảo dược mọc hoang trên các đỉnh núi cao có giá trị xuất khẩu lớn.

Vừa làm, vừa gây giống, diện tích trồng thảo quả nay đã lên tới 10 ha. Dù đường lên xã biên giới, đi lại khó khăn nhưng thương lái dưới xuôi “lùng” đến tận nơi mua thảo quả. Mỗi ký thảo quả tươi từ 75.000 - 80.000 đồng/kg, còn để khô bán cũng được giá 600.000 đồng/kg.

 

Ma Văn Anh.
Ma Văn Anh.

Năm 2016, số tiền gia đình Ma Văn Anh thu về từ trồng thảo quả cũng hơn 200 triệu đồng. Chàng trai người Tày phấn khởi cho biết: “Ở Thèn Chu Phìn, trước đây đồng bào Mông chủ yếu trồng ngô, trồng lúa, đời sống khó khăn nên nhiều gia đình bỏ đi di cư. Thấy mình phát triển mô hình trồng thảo quả mang lại hiệu quả kinh tế, bà con bắt đầu làm theo. Mình hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây, dần dần phong trào trồng thảo quả lan ra cả xã, nhiều người ở lại bám đất bám biên không bỏ đi di cư nữa”.

Không dừng lại trồng thảo quả, chàng trai người Tày còn nhân giống thành công cây mận máu (tên địa phương là Chí kháy là), lê lùn... Đây là những giống cây ăn quả bản địa, nhà nào cũng trồng trong vườn, làm bờ rào lấy quả “ăn chơi”.

“Đặc điểm khí hậu của vùng cao Hoàng Su Phì thích hợp với trồng các loại cây ôn đới như lê, mận… Khách du lịch lên vùng cao rất thích ăn những loại quả này vị ngọt, thanh mát, mình nhìn thấy cơ hội phát triển thành vùng cây đặc sản có giá trị kinh tế cao nên đã áp dụng khoa học kỹ thuật, nhân giống, ghép cây được hơn 2.000 gốc mận và lê. Mùa mận năm rồi, không đủ để cung cấp dưới xuôi. Nếu thời tiết thuận lợi, chỉ 3 năm nữa có thể thu hoạch mận và lê”, Ma Văn Anh nói. Anh còn có một trang trại nuôi 200 con gà, lợn và 20 con trâu. Chỉ riêng tiền bán trâu mỗi năm thu về 96 triệu đồng.

Vừa lao động sản xuất, phát triển kinh tế, Ma Văn Anh vừa tham gia tích cực các hoạt động của địa phương. Hiện anh là chủ nhiệm HXT sản xuất đồ thủ công truyền thống xuất khẩu đi nước ngoài.

Ma Văn Anh chia sẻ: “Nhiều người dân vùng cao trước đây bị phụ thuộc vào hỗ trợ của nhà nước và lòng hảo tâm của các tổ chức từ thiện nên có phần trì trệ, lười lao động. Tôi chỉ muốn bà con thấy rằng, nếu chịu khó làm ăn, ai cũng có thể thoát nghèo, có của ăn, của để và làm giàu mà không cần phải bỏ xứ ra đi. Trong tương lai, tôi sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất quy mô lớn hơn. Tôi mong muốn được học hỏi thêm nhiều kỹ thuật mới, góp sức đưa nhiều giống cây đặc sản quý và cây dược liệu trở thành thương hiệu của Hoàng Su Phì, đem lại cuộc sống bền vững cho bà con nơi đây”.

Thu Hằng/thanhnien

Có thể bạn quan tâm