Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Làm giàu từ mô hình trồng dưa lưới sạch

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Tốt nghiệp ĐH Công nghiệp TPHCM với chuyên ngành Môi trường, song anh Nguyễn Minh Bảo, sinh năm 1990, ở thôn Bình Tân Tây, xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) lại quyết định về quê lập nghiệp với mô hình dưa lưới sạch.

 

Anh Nguyễn Minh Bảo ở xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) chăm sóc vườn dưa lưới của mình. Ảnh: Trương Định
Anh Nguyễn Minh Bảo ở xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) chăm sóc vườn dưa lưới của mình. Ảnh: Trương Định



Những ngày đầu lập nghiệp là chuỗi ngày khó khăn với chàng thanh niên trẻ Nguyễn Minh Bảo. “Gia đình vốn làm nghề nông nên tôi muốn tìm một mô hình phù hợp để phát triển kinh tế. Trước giờ gia đình trồng các loại dưa như: Dưa lê, dưa hấu… nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Sau khi tìm hiểu, nhận thấy mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng đang phát triển mạnh, lại cho hiệu quả kinh tế cao nên tôi quyết định phát triển mô hình này”, anh Bảo nói.

Năm 2018, với số vốn vay mượn gần 500 triệu đồng, anh đầu tư xây dựng nhà màng trên diện tích hơn 1.000m2 và được trang bị đầy đủ hệ thống tưới phun sương, hệ thống tưới xoay nước và hệ thống nhỏ giọt tự động. Mô hình trồng dưa lưới của anh Bảo áp dụng phương thức tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Công nghệ tưới này giúp chất dinh dưỡng từ phân bón, lượng nước cung cấp cho cây đến tận gốc, đáp ứng từng giai đoạn sinh trưởng của cây và không bị lãng phí. Việc trồng dưa lưới trong nhà màng có nhiều ưu điểm như: Giúp che mưa và ngăn côn trùng xâm nhập, giảm chi phí do ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo sản phẩm sạch, bảo vệ sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng.

Tuy nhiên, anh Bảo cho biết, người trồng phải biết áp dụng khoa học-kỹ thuật vào chăm sóc mới cho hiệu quả cao. “Sau khi gieo trồng phải theo dõi diễn biến thời tiết hàng ngày và thăm vườn thường xuyên để điều chỉnh các biện pháp kỹ thuật, chăm bón cho phù hợp nhu cầu về nước và chất dinh dưỡng cho cây. Ở vườn, tôi cho áp dụng kỹ thuật thụ phấn bằng ong. Các thùng ong mật được chuẩn bị trước, đến giai đoạn hoa nở rộ thì tập trung thả ong ra trong vài ngày là đảm bảo thụ phấn toàn bộ diện tích, đạt chất lượng cao. Mỗi cây dưa lưới thường đậu 4-5 quả, tuy nhiên chỉ giữ lại 1 quả để cho phát triển tốt nhất”, anh Bảo chia sẻ.

Nhờ áp dụng khoa học, kỹ thuật vào quá trình chăm sóc, vườn dưa lưới của anh Bảo cho năng suất từ 2,5 đến 3 tấn/vụ, sau khi trừ chi phí mang lại thu nhập từ 50 - 60 triệu đồng/vụ. Một tin vui đến với anh Bảo gần đây là mô hình dưa lưới của anh được một công ty ký hợp đồng và đảm bảo đầu ra.

Ngoài việc trồng dưa lưới, anh Bảo còn tự nghiên cứu, tìm tòi để ươm và lai tạo nhiều giống cây khác như: Ớt, bầu, bí, dưa leo và cà ghép... Hiện, anh tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động địa phương với mức thu nhập từ 3-4 triệu đồng/tháng.


 

Anh Võ Tuấn Hưởng, Bí thư Đoàn xã Mỹ Hiệp cho biết, mô hình trồng dưa lưới sạch của anh Bảo không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình mà còn giải quyết việc làm cho một số lao động địa phương. Đây là một trong những thanh niên điển hình có mô hình khởi nghiệp hay, góp phần tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm. Tinh thần không ngại khó, dám nghĩ dám làm của anh Bảo đã mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân ở địa phương trong việc tạo ra nông sản có giá trị kinh tế cao.


https://www.tienphong.vn/gioi-tre/lam-giau-tu-mo-hinh-trong-dua-luoi-sach-1726820.tpo

Theo TRƯƠNG ĐỊNH (TPO)

Có thể bạn quan tâm