Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Làm giàu từ nuôi dúi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Mô hình nuôi dúi của anh Đào Anh Tuấn (xã Hà Đông, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) mang lại thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Nhờ vậy, từ hộ có hoàn cảnh khó khăn trong xã, gia đình anh Tuấn có cuộc sống ngày càng khấm khá hơn.

Vợ chồng anh Đào Anh Tuấn bắt đầu nuôi dúi từ năm 2014. Anh Tuấn nhớ lại: “Trước đây, vợ chồng tôi suốt ngày lăn lưng ngoài rẫy để trồng trọt nhưng thu nhập chẳng đáng là bao. Cuộc sống gia đình chồng chất khó khăn. Qua đài báo, tôi thấy mô hình nuôi dúi cho hiệu quả kinh tế cao. Mặt khác, ở những cánh rừng quanh xã có rất nhiều dúi sinh sống. Từ đó tôi nung nấu ý định nuôi dúi và quyết định đi học tập kinh nghiệm nuôi từ một số gia đình trong và ngoài tỉnh. Đầu năm 2014, tôi chính thức tập tành nuôi dúi”.

 Anh Đào Anh Tuấn và dúi do mình nuôi. Ảnh: Thiêu Di
Anh Đào Anh Tuấn và con dúi do mình nuôi. Ảnh: Thiên Di


Với 10 triệu đồng, anh Tuấn mua vật liệu về xây dựng chuồng nuôi dúi. Đó là một chuồng nuôi nhỏ vài mét vuông theo kiểu nhà tầng. Tiếp đó, anh Tuấn vào rừng đào bắt dúi về nuôi. “Tôi nhờ người dân bản địa đi cùng để chỉ cho cách bắt dúi. Sau mấy hôm ngủ rừng thì chúng tôi mới bắt được 2 cặp. Tiếc là do thiếu kinh nghiệm nuôi nên chết mất 2 con”-anh Tuấn bộc bạch.

Xác định nguyên nhân dúi chết là do sốc nhiệt, anh Tuấn nghĩ ra cách điều hòa nhiệt độ chuồng nuôi. Anh dùng máy phun nước làm mát khi trời nóng và phủ rơm che kín khi nhiệt độ xuống thấp. Nhờ đó mà cặp dúi sinh sôi nảy nở. Đến đầu năm 2015, gia đình anh Tuấn đã có đàn dúi hơn 40 con. Có tiền bán dúi, anh Tuấn không chỉ trả được nợ mà còn mua sắm thêm thiết bị điện tử phục vụ sinh hoạt hàng ngày.

Nhận thấy nuôi dúi mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh Tuấn mạnh dạn vay vốn ngân hàng để xây thêm chuồng nuôi. Ngoài ra, Phòng Dân tộc huyện Đak Đoa cũng hỗ trợ kinh phí để phát triển mô hình nuôi dúi duy nhất ở xã Hà Đông. Từ các nguồn, anh Tuấn xây dựng thêm 200 chuồng loại lớn để nhân đàn dúi. Mặt khác, anh Tuấn cũng mua thêm máy xay cám để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi. “Con dúi dễ nuôi. Thức ăn của nó là mía, bắp, tre, xương bò, heo nên cũng dễ tìm. Mỗi ngày chỉ cho ăn 1 lần vào chiều tối. Mỗi năm đẻ 3-4 lứa và mỗi lứa 3-5 con. Một tháng sau sinh thì tách con với mẹ ra để nuôi thương phẩm. Chuồng nuôi dúi phải kín gió, ít tiếng động và không bị ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào”-anh Tuấn chia sẻ.

Từ 1 cặp dúi rừng, sau 7 năm, gia đình anh Tuấn hiện có đàn dúi gồm 200 con. Trong đó, có 150 dúi cái và 50 con đực. Nông dân trẻ ở xã nghèo Hà Đông thông tin thêm: “Dúi thương phẩm nuôi khoảng 7 tháng đạt trọng lượng chừng 1,2 kg/con sẽ có giá bán 400-600 ngàn đồng. Còn dúi giống có giá khoảng 1 triệu đồng/con. Tôi thường bán cho các nhà hàng ở TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai. Thịt dúi ăn rất ngon nên mọi người đặt mua nhiều lắm, nhà tôi cũng không đủ hàng để cung cấp. Bình quân mỗi năm, gia đình tôi có thu nhập hơn 100 triệu đồng từ bán dúi”.

Ảnh: Thiêu Di
Nhận thấy nuôi dúi mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh Đào Anh Tuấn mạnh dạn vay vốn ngân hàng để xây thêm chuồng nuôi. Ảnh: Thiên Di
 


Có cuộc sống khấm khá từ nuôi dúi, gia đình anh Tuấn không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ dân trong xã, nhất là hộ người dân tộc Bahnar có hoàn cảnh khó khăn. Anh Tuấn dự định hợp tác với những người cùng chí hướng để mở rộng quy mô nuôi.

Trao đổi với chúng tôi, bà Choắt-Phó Chủ tịch UBND xã Hà Đông-cho biết: “Anh Tuấn là người tiên phong nuôi dúi ở xã. Mô hình nuôi dúi này cho lại hiệu quả kinh tế cao. Vì thế mà điều kiện kinh tế của nhà anh Tuấn ngày càng khấm khá. Anh ấy cũng không ngại chia sẻ cách nuôi dúi cho bà con trong xã. Anh Tuấn cũng nhận lời đứng lớp chia sẻ kinh nghiệm nuôi dúi cho các hộ dân khác trong xã nhằm giúp nâng cao thu nhập, xóa bớt hộ nghèo”.

 

 THIÊN DI

Có thể bạn quan tâm