Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Làm giàu từ trồng nấm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương, gia đình chị Trần Thị Dơn (thôn Lương Hà, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) đã phát triển nghề trồng nấm và thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Theo giới thiệu của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Ia Blứ, chúng tôi ghé thăm trại nấm của gia đình chị Trần Thị Dơn. Vừa kiểm tra nhiệt độ và độ ẩm của khu trồng nấm linh chi, chị Dơn vừa chia sẻ: “Ngày trước, chỗ này là đất trồng hồ tiêu. Khi hồ tiêu chết, gia đình tôi đã chuyển sang nuôi dế, tắc kè, chim bồ câu... Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm trong chăn nuôi nên thu nhập không cao. Xem trên ti vi thấy người ta trồng nấm mang lại hiệu quả kinh tế cao, nguồn nguyên liệu lại đơn giản, dễ tìm nên năm 2013, vợ chồng tôi quyết định chuyển sang trồng nấm với diện tích 5 sào”.

 

Chị Dơn đang thu hoạch nấm rơm.        Ảnh: L.T
Chị Dơn đang thu hoạch nấm rơm. Ảnh: L.T

Khởi nghiệp từ 20 triệu đồng, vợ chồng chị mua 10.000 bịch phôi giống bào ngư về trồng. Chị Dơn cho biết: “Trồng nấm không khó nhưng đòi hỏi người trồng phải nắm vững kỹ thuật. Lúc đầu, gia đình tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Chưa biết cách sản xuất phôi nấm, vợ chồng tôi phải nhập hoàn toàn từ nơi khác về nên nhiều phôi nấm bị hỏng. Do vậy, năm đầu gia đình tôi chỉ thu lời được 70 triệu đồng”-chị Dơn chia sẻ.

Rút kinh nghiệm qua những lần chưa thành công, từ chỗ chỉ sản xuất nấm bào ngư, đến nay, gia đình chị đã mở rộng trồng thêm nấm linh chi, nấm mèo (mộc nhĩ) và nấm rơm. Hiện trang trại có 50.000 bịch nấm bào ngư, 30.000 bịch nấm linh chi, 30.000 bịch nấm mèo và 50 tấn nguyên liệu để làm nấm rơm. Gia đình chị Dơn cũng là hộ đầu tiên trên địa bàn xã Ia Blứ triển khai mô hình trồng nấm với số lượng lớn.

Chị Dơn cho biết, mỗi loại nấm có kỹ thuật trồng và chăm sóc khác nhau, nhưng để nấm đạt chất lượng cao thì quan trọng nhất là khâu chọn giống, sau đó là cách ủ nguồn nguyên liệu. Nguyên liệu phải được lựa chọn kỹ càng, loại bỏ hết các tạp chất, thanh trùng sạch sẽ thì nấm mới đạt chất lượng, cho năng suất cao. Bên cạnh đó, cần cung cấp đủ nước, độ ẩm nhà nấm phải phù hợp và bảo đảm đúng kỹ thuật. Đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của khách hàng, gia đình chị sản xuất nấm hoàn toàn theo phương thức hữu cơ bằng cách dùng các nguyên liệu như mùn cưa, rơm, cùi bắp, sau đó mua bánh ép dầu đậu nành, đậu phộng để phối trộn vào. “Theo phương thức này, nấm của gia đình tôi vẫn phát triển tốt, ít bị bệnh, cho năng suất cao mà không cần dùng phân hóa học. Nhờ đó, nấm ngọt hơn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng”-chị Dơn cho hay.

 

Bà Bùi Thị Khánh Linh-Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Blứ: “Vừa qua, mô hình trồng nấm của chị Dơn đã được giới thiệu tại “Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp năm 2018” do Hội LHPN tỉnh tổ chức. Thời gian tới, Hội LHPN xã tiếp tục khuyến khích các hội viên, phụ nữ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những diện tích hồ tiêu bị chết; đồng thời phối hợp với các ngành chức năng phổ biến những thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, từ đó giúp chị em xây dựng mô hình kinh tế mang lại hiệu quả”.

Hiện nay, ngoài bán nấm thương phẩm, chị Dơn còn tự sản xuất phôi nấm giống để bán cho các hộ trồng nấm khác. Với mô hình cung cấp phôi giống và bán nấm thương phẩm, mỗi năm gia đình chị thu lãi trên 500 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Bên cạnh đó, mô hình này đã giúp giải quyết việc làm cho 7-10 lao động tại địa phương.

Trang Lê

Có thể bạn quan tâm