Bạn đọc

Làm rõ trách nhiệm trong việc lấn chiếm, phá rừng thông trái phép tại xã Đak Djrăng (huyện Mang Yang)

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cho phép giữ nguyên các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp, đồng thời kiểm tra rà soát thực tế diện tích các hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời để tiến hành cấp đổi, cấp lại và chỉ đạo các ngành chức năng của huyện lập cam kết với các hộ dân không lấn chiếm thêm diện tích đất và bảo vệ diện tích rừng thông còn lại- Đó là nội dung kiến nghị của UBND huyện Mang Yang trong Báo cáo số 214/BC-UBND, ngày 1-10-2014 về tình hình phá rừng, lấn chiếm đất trái phép tại địa bàn xã Đak Djrăng.

Theo kết quả kiểm tra của UBND huyện Mang Yang trong vụ việc người dân phá rừng thông, lấn chiếm đất lâm nghiệp: tại tiểu khu 496, 499 với diện tích lấn chiếm đo đạc được là 129,3 ha (trong đó tiểu khu 496 là 109,1 ha), có 204 thửa đất bị chiếm và được phân chia, đã xác định được tên của 115 hộ lấn chiếm, trong số 110 hộ lấn chiếm đất tại tiểu khu 496 xác định được tên của 60 hộ là đồng bào Bahnar, trú tại các làng Đê Rơn (xã Đak Djrăng); Đê Roa, Đê Kôp, Đê Ktu (thị trấn Kon Dơng). Tiểu khu 496, 499 do Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đak Đoa quản lý, qua nhiều thời kỳ, nhiều thế hệ lãnh đạo, hiện nay chủ rừng không xác định ranh giới, người lấn chiếm, thời gian lấn chiếm, việc để mất rừng và trồng rừng mới Ban Quản lý không báo cho UBND huyện, Hạt Kiểm lâm huyện để theo dõi, chỉ đạo xử lý.

Ảnh: Nguyễn Giác
Ảnh: Nguyễn Giác

Tuy nhiên, về mặt quản lý nhà nước, UBND xã Đak Djrăng còn buông lỏng để một bộ phận người dân địa phương và dân ở nơi khác đến xâm canh, chặt phá rừng nhưng không có biện pháp giải quyết triệt để; về diện tích, ranh giới của 128,18 ha đất rừng bị phá trong vụ án năm 2005 và việc lấn chiếm đất rừng từ năm 2005 đến nay Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đak Đoa không xác định được vị trí, ranh giới nên tổ công tác của huyện không có cơ sở để xác định, bóc tách cụ thể diện tích cũng như thời gian lấn chiếm nên không có cơ sở để đề nghị giải quyết, bên cạnh đó các hộ dân lấn chiếm đất cố tình không phối hợp khi có người đến xác minh…

Ngoài những ý kiến được đưa ra để giải thích trong vụ việc người dân chặt phá rừng thông, lấn chiếm đất lâm nghiệp trồng hoa màu tại các tiểu khu 496, 499 và 501, thì phía UBND huyện Mang Yang còn đề xuất: Xin giữ nguyên các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 50 hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2003, trong đó có một phần nằm trên diện tích đất rừng theo quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Gia Lai; đồng thời tiến hành kiểm điểm, thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch UBND xã Đak Djrăng; kỷ luật cảnh cáo đối với Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch UBND xã Đak Djrăng. Riêng các cá nhân là cán bộ công chức tại Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện hiện đã chuyển công tác về tỉnh nên không đưa ra hình thức xử lý. Cách xử lý trong vụ người dân chặt, phá rừng thông và các cá nhân liên quan đang chờ quyết định cuối cùng của UBND tỉnh Gia Lai.

Làm gì để giải quyết dứt điểm tình trạng người dân chặt phá rừng, lấn chiếm đất trồng cây nông nghiệp và rừng thông nguyên liệu, ông Nguyễn Như Phi-Chủ tịch UBND huyện cho rằng: Với tiểu khu 501, nên phân cấp rõ ràng diện tích rừng về Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đak Đoa bởi diện tích này chưa có chủ rừng. Rừng thông tại các tiểu khu trên địa bàn huyện sẽ tăng cường công tác tuyên truyền bảo vệ tài nguyên rừng, nếu người dân không chấp hành sẽ xử lý hành chính, xử lý hình sự đối với người vi phạm; đề xuất tỉnh nên tạo công ăn việc làm qua việc giao đất thu tiền.

Trong lúc các tiểu khu 496, 499 và 501 đang được điều tra để làm rõ các sai phạm của cá nhân, tổ chức thì tại một số nơi trên địa bàn huyện Mang Yang, Đak Pơ, thị xã An Khê vẫn đang diễn ra tình trạng phá rừng tại khu vực đồi núi, kể cả khu vực tại đèo Mang Yang. Để không tái diễn các vụ phá rừng có quy mô lớn, thì các ngành chức năng, chính quyền địa phương sớm vào cuộc là điều không muộn.

Nguyễn Giác

Có thể bạn quan tâm