Sống trẻ - Sống đẹp

Thế giới trẻ

Làm sao thi khi con chưa thuộc bài?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Nói thật là “không” chứ chẳng phải “chưa” thuộc bài.

Bạn đọc hỏi vì sao?

Không gì khác là kiến thức ôn tập quá tải so với lớp của cháu, tuổi của cháu. Số lượng môn thi đã nhiều mà yêu cầu kiến thức từng môn cũng nhiều. Lại bố trí ôn tập chỉ trong 1 tuần, thi gói gọn trong vài ba ngày, thời gian rõ là gấp gáp. Ví dụ, tại tài liệu ôn tập Ngữ văn học kỳ II lớp 6 có 3 phần: Văn bản, Tiếng Việt và làm văn. Phần văn bản chia làm 2 loại: văn xuôi (truyện và ký) và thơ. Phần văn xuôi yêu cầu học sinh phải tóm tắt được nội dung (hoàn chỉnh hoặc trích đoạn), nêu giá trị nghệ thuật và ý nghĩa. Phần thơ có 3 bài với yêu cầu nêu đại ý (nội dung), nghệ thuật và ý nghĩa.

 

Nhiều học sinh đang bị quá tải kiến thức trước mùa thi (ảnh minh họa).
Nhiều học sinh đang bị quá tải kiến thức trước mùa thi (ảnh minh họa).

Chỉ riêng 3 bài thơ yêu cầu học thuộc để cảm nhận và vận dụng làm bài tôi đã thấy choáng. Choáng vì nhiều lẽ. Trước tiên là cả 3 bài thơ đều dài, rất dài. Bài “Lượm” của Tố Hữu có 55 câu, trong sách giáo khoa dài đến hơn 2 trang. Bài “Mưa” của Trần Đăng Khoa có 63 hàng (tác giả dụng ý tách câu), dài hơn 3 trang. Còn bài “Đêm nay Bác không ngủ” của Minh Huệ có tổng cộng 64 câu và dài đến 3 trang. Đặc biệt, bài “Đêm nay Bác không ngủ” học rất khó thuộc, một số đoạn có sự lặp lại nhưng không hiệp vần.

Đây là bài thơ khiến cậu con tôi lúng túng, mất rất nhiều thời gian (từng là giáo viên Văn nhưng cũng phải hơn 10 phút xem lại tôi mới đọc thuộc lòng 2 bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ” và “Lượm” để chứng minh với con). Thầy giáo dạy kèm phải làm cái việc bất đắc dĩ là ngắt từng đoạn ra, chỉ cho cách nhận diện, phân biệt các khổ thơ lặp và giống nhau chỗ nào, cả cách cuối cùng là học thuộc từng đoạn rồi ráp lại toàn bài, muốn thuộc phải kết hợp đọc to và viết ra trên giấy, muốn không bị quên phải học “nhuyễn như cháo” và còn phải đọc đi đọc lại nhiều lần... Cả thầy lẫn trò vật lộn với từng con chữ, xống áo cởi hết cả ra, mồ hôi mồ kê nhễ nhại nhưng cuối cùng cậu con tôi cũng chỉ lõm bõm, chỗ thuộc chỗ không, lẫn lộn chỗ này chỗ khác, kiểu râu ông nọ cắm cằm bà kia.

Nhưng đâu chỉ môn Ngữ văn mà còn bao nhiêu môn học khác: Toán, Vật lý, Ngoại ngữ, Sinh học… Với chương trình này, cách học này, ôn tập và thi cử kiểu này, tôi đồ rằng, không chỉ trẻ con mà phụ huynh cũng không khỏi “tẩu hỏa nhập ma” và còn bức bối, áp lực dài dài. Đành rằng thi là để kiểm tra kiến thức học sinh đã học ở một mức độ nhất định, nhưng nội dung thi/kiểm tra, hình thức thi/kiểm tra, giới hạn kiến thức cần phải cải tiến, nhanh chóng cải tiến. Đừng có yêu cầu, nhồi nhét lấy được. Không biết người lớn thấy sao chứ đầu óc học sinh lớp 6 bây giờ chưa là gì để cảm nhận và hiểu đầy đủ giá trị nội dung, nghệ thuật bài thơ dài đến 64 câu như “Đêm nay Bác không ngủ”. Chỉ chọn một trích đoạn tiêu biểu để dạy, để thi/kiểm tra có phải phù hợp hơn không?

Tôi chắc 100% rằng, học hành kiểu này học sinh chẳng thể có một kết quả tốt. Tôi đã từng đi dạy và bây giờ tôi cũng như nhiều thầy cô, phụ huynh càng lúng túng, khổ sở mà chẳng biết phải làm sao. Chuyện học hành áp lực, phụ huynh đôn đáo đưa con học chính khóa, học kèm, học phụ đạo chưa biết bao giờ mới được cải tiến, mới bớt vất vả.

Con ráng thêm chút nữa, chịu khổ thêm chút nữa. Chỉ còn mấy ngày nữa là thi xong, là kết thúc năm học. Nghỉ hè, tha hồ chơi con nhé. Tôi chỉ biết khuyên dỗ con một cách bất lực như thế. Vậy mà mỗi khi gọi con đi học kèm, thấy mắt cháu đỏ hoe chực khóc, tôi như muốn khóc theo!

Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm