Hiện, tình hình lâm tặc hoành hành ở lâm phần do Công ty lâm nghiệp Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk) đang nóng trở lại. Liên tiếp những ngày gần đây, chúng đã tập hợp lực lượng dùng hung khí đe dọa cơ quan chức năng để chiếm đoạt gỗ lậu. Trước tình hình trên, lãnh đạo công ty này đã phải "cầu cứu" lực lượng kiểm lâm, công an vào cuộc phối hợp xử lý...
Lâm tặc vào lâm phần Công ty lâm nghiệp Ea Kar khai thác gỗ và trên người có mang hung khí. Ảnh: T.X |
Dọa "xử" luôn chủ rừng nếu không lấy được gỗ
Lúc 21h ngày 5.8, tại tiểu khu 704 (xã Cư Bông), khi một lãnh đạo Công ty lâm nghiệp Ea Kar đang làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát ở khu vực này thì bắt 2 chiếc xe đang tải gỗ lậu ra ngoài. Lúc đó lâm tặc dùng dao uy hiếp và đe dọa rằng, nếu chủ rừng không chịu cho chúng đi thì sẽ xiên vào người. Tiếp đó lâm tặc gọi thêm người đến vây ráp nhằm chiếm đoạt số gỗ trót lọt.
Ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Giám đốc phụ trách Công ty Lâm nghiệp Ea Kar - bàng hoàng kể lại: "Khi phát hiện lâm tặc, tôi bảo anh em chặn lại và sờ tay vào xe của chúng rút chìa khóa ra. Tuy nhiên, chúng lấy dao ra chém thẳng vào tay. Người của chúng tôi gắng kéo chúng vào chốt của phân trường phía huyện Krông Bông nhưng khi chạm vào xe chở gỗ thì lâm tặc dùng dao chém dọa lia lịa nên chẳng ai làm gì tiếp được. Thời điểm đó, trong vùng mất sóng, chẳng thể liên hệ được ra bên ngoài nhờ chi viện".
Trước đó, ngày 26.7, lực lượng quản lý bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar tiến hành tuần tra thì phát hiện vụ phá rừng trái phép tại tiểu khu 704 (thuộc địa giới hành chính xã Cư Bông, huyện Ea Kar).Tại hiện trường, có 16 cây gỗ bị cắt hạ, còn sót lại là 9,618m3 gỗ. Kiểm tra xung quanh hiện trường, lực lượng quản lý bảo vệ rừng phát hiện có dấu vết xe độ chế vào chở gỗ nên đã lần theo.
Khi đến địa phận buôn Ea Rớt (xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk), tổ công tác phát hiện xe độ chế đang vận chuyển 3 lóng gỗ. Tuy nhiên, chỉ ít phút sau dừng xe chở gỗ lậu, có khoảng 40 người mang theo hung khí bao vây, đe dọa lực lượng bảo vệ rừng rồi cướp xe độ chế và 3 lóng gỗ.
Theo nguồn tin của Lao Động, sở dĩ lâm tặc hoành hành trở lại ở địa bàn công ty lâm nghiệp kể trên một phần là do ở địa phận xã Cư Pui, huyện Krông Bông (giáp ranh vs huyện Ea Kar) đang có một đại gia xây nhà thờ họ bằng gỗ với quy mô rất lớn và cần lượng lớn nguyên vật liệu đến vài trăm khối để triển khai dự án. Tiếp đó, lâm tặc thấy lợi nhuận lớn từ việc bán gỗ cho người này nên đã bấp chấp nguy hiểm, triển khai quân số hùng hậu vào "xẻ thịt" rừng do Công ty lâm nghiệp Ea Kar quản lý.
Cần chi viện để giữ rừng
Công ty Lâm nghiệp Ea Kar hiện đang quản lý, khai thác và bảo vệ diện tích rừng hơn 16.000 hécta (hơn 5.000 hécta rừng tự nhiên).
Như Lao Động đã liên tục đưa tin, sau khi lâm tặc hoành hành suốt một thời gian dài, hồi tháng 12.2020, cơ quan chức năng đã bắt giữ 9 người bao gồm nguyên lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Công ty Lâm nghiệp Ea Kar với hàng loạt tội danh cấu thành như chưa làm tròn trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp với cơ quan chức năng để quản lý, bảo vệ rừng; thiếu kiểm tra, giám sát trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nên đã để xảy ra tình trạng phá rừng nghiêm trọng, mua bán đất rừng trái phép trong một thời gian dài gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.
Sau những bê bối kể trên nhiều người đang công tác ở công ty này đã chủ động nộp đơn xin nghỉ để tránh áp lực và hệ lụy không đáng có.
Ít ngày trước, 9 người trên lại tiếp tục bị truy tố với tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ông Tiến cho rằng: Việc phá rừng chắc chắn vẫn chưa dừng lại ở đó, mà sẽ tiếp tục xảy ra. Lâm tặc kéo vào phá rừng rất đông trang bị dao rựa sáng loáng sẵng sàng phản ứng lại ngay. Lực lượng làm công tác bảo vệ rừng quá mỏng, đắp chỗ này thù hụt chỗ khác. Ngoài ra, về mặt pháp lý cũng như chế tài xử phạt hiện có đang khá yếu nên rất khó để đơn vị độc lập xử lý gọn các vụ phá rừng; vì lẽ đó, rất cần sự phối hợp vào cuộc của phía công an, kiểm lâm thì may ra đơn vị mới giữ được rừng. Thời gian qua, công ty chẳng tuyển thêm được nhân sự mới vào làm việc trong khi người cũ đã nhiều người vì lương bổng quá thêm, nguy hiểm rình rập.
BẢO TRUNG (LĐO)