Làm không kịp bán
Những tháng cuối năm, Nguyễn Xuân Lộc, cựu sinh viên Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, tất bật với việc vẽ và thiết kế lịch để bàn.
Mỗi năm Lộc sẽ tìm một chủ đề khác nhau cho bộ ảnh trên lịch, không bám theo 12 con giáp như thường thấy, lịch để bàn của cô nàng có hình ảnh khá ngẫu nhiên, chung quy đều mang ý nghĩa tích cực, may mắn. Năm nay, cô gái chọn giấc mơ làm chủ đề chính với những bức ảnh phong cảnh nhẹ nhàng, bay bổng, hình cánh đồng hoa với sắc màu tươi tắn.
Những bức ảnh do chị Xuân Lộc vẽ trang trí trên lịch. Ảnh: NVCC |
Để có những cuốn lịch sẵn sàng bán ra thị trường trong những ngày cuối năm, trước đó 3 tháng, Xuân Lộc đã tất bật cho công việc vẽ tranh, thiết kế, gửi in và gói hàng.
Theo Lộc vẽ và thiết kế là công đoạn quyết định chất lượng sản phẩm vì sẽ định hình phong cách, thẩm mỹ của bộ lịch. Ngoài ra, khâu in ấn cũng quan trọng vì cần đúng màu với hình vẽ gốc, do vậy, việc tìm nhà in phù hợp cũng mất nhiều thời gian.
Hiện Lộc cung cấp 2 loại lịch là lò xo và có đế gỗ với giá từ 120.000 - 170.000 đồng/sản phẩm. Vì tự thân quán xuyến tất cả công đoạn nên Xuân Lộc chỉ bán giới hạn khoảng 200 cuốn lịch, không kinh doanh ồ ạt nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm làm ra.
Tương tự Xuân Lộc, Nguyễn Thị Nguyệt Ánh (29 tuổi), họa sĩ tự do ngụ tại P.Lái Thiêu, TP.Thuận An (Bình Dương), cũng đang tất bật với đơn hàng lịch cho mùa tết năm nay, số lượng khoảng 200 cuốn.
Nguyễn Thị Nguyệt Ánh (phải) cùng bạn tất bật chuẩn bị giao lịch cuối năm. Ảnh: NVCC |
"Năm ngoái là lần đầu bọn mình làm lịch vẽ tay, chủ yếu chia sẻ với bạn bè, người quen nên chỉ giới hạn 100 quyển. Sau khi mở bán, không ngờ mọi người ủng hộ rất nhiều, có bạn đặt mua số lượng lớn nhưng thời gian gấp rút nhóm làm không kịp. Năm nay, từ tháng 11 khi chưa mở bán chính thức đã có người hỏi mua nên bọn mình quyết định làm gấp đôi sản phẩm năm trước", Ánh cho biết.
Chị Ánh thường mất khoảng 3 tiếng để vẽ xong một bức tranh, sau đó gửi in, đóng thành cuốn. Công đoạn cô gái thích nhất là gói hàng, vừa chăm chút bọc từng cuốn lịch bằng giấy kraft, vừa nắn nót viết lời cảm ơn, vẽ họa tiết trang trí dễ thương, kèm lời chúc mừng năm mới gửi đến khách hàng. Giá mỗi quyển lịch dao động từ 140.000 - 180.000 đồng.
"Từ việc làm lịch để chia sẻ niềm vui với bạn bè, giờ đây công việc này trở thành hoạt động không thể thiếu của chúng mình vào dịp cuối năm. Mình mong muốn những quyển lịch sẽ mang lại niềm vui cho mọi người, đồng hành cùng họ trong suốt 365 ngày của năm 2024", Ánh chia sẻ.
Kiếm tiền nhờ sự khéo tay
Những tháng cuối năm, Nguyễn Thị Thu Hiền (27 tuổi), nhân viên văn phòng ở P.Tân Phú (Q.7, TP.HCM), lại tất bật chốt đơn đặt hàng các loại bánh mứt dịp tết.
Nhờ khéo tay, Hiền kiếm thêm được tiền triệu trong dịp tết. Ảnh: THU HIỀN |
"Trước tết khoảng 1 tháng, mọi người sẽ nhắn tin cho mình để đặt hàng các món như: bánh chưng, bánh tét, mứt dừa, bánh quy... Ngoài việc để cúng tổ tiên, mọi người thường đặt bánh bên mình để đi dự thi, tham gia các ngày hội ở cơ quan, đơn vị của họ tổ chức", Hiền nói thêm.
Hiền có 5 năm kinh nghiệm làm những món đặc sản ngày tết. Mỗi dịp tết, Hiền kiếm được từ 7 - 9 triệu đồng.
"Do còn đi làm nên mình nhận đơn vừa sức và tập trung chế biến vào buổi tối. Làm công việc này tuy có vất vả nhưng bù lại mình thỏa mãn niềm đam mê nấu ăn và kiếm thêm thu nhập", Hiền chia sẻ.
Để sản phẩm bắt mắt, Hiền làm đa dạng từ hình thức, kích thước đến khâu sử dụng nguyên liệu phải đảm bảo chất lượng. Chế biến và bảo quản đúng cách để thực phẩm ngon. Bên cạnh đó, Hiền còn chủ động trang trí những hộp quà đựng thực phẩm bằng hình ảnh mang chủ đề tết…
Trong khi đó, cô nàng Huỳnh Đăng Giang (25 tuổi), ngụ P.Bình Trưng Đông (TP.Thủ Đức, TP.HCM), thì chọn kinh doanh những mặt hàng trang trí tết như: bao lì xì, dây may mắn, câu đối...
Giang chia sẻ: "Những bao lì xì mình làm chủ yếu từ chất liệu giấy màu đỏ, vàng được tô vẽ thêm bằng màu nước với các hình ảnh như: con lân, cây mai, đồng tiền, bánh chưng… Để thu hút khách, mình luôn sáng tạo ra những hình vẽ độc đáo, đẹp mắt, đặc biệt là toát lên câu chuyện ngày tết".
Công việc "ăn nên làm ra" dịp tết
Nhiều năm nay, gần đến tết là chị Nguyễn Thị Duyên, ngụ P.5 (Q.11, TP.HCM), lại hối hả với việc chăm sóc hộ thú cưng cho khách. "Tết năm nào cũng vậy, trung bình mình nhận giữ hộ hơn 20 con chó, mèo trong khoảng thời gian từ ngày 29 tháng chạp đến mùng 5 tết, với giá gần 500.000 đồng/con/ngày", chị Duyên nói.
Nhiều người có nhu cầu sử dụng các dịch vụ trông giữ thú cưng dịp tết. Ảnh: NGUYỄN DUYÊN |
Theo chị Duyên, nhu cầu khách cần người chăm hộ thú cưng trong dịp tết luôn cao. "Năm ngoái, số lượng ký gửi thú cưng tăng mạnh, mình phải tuyển thêm 4 nhân viên để hỗ trợ chăm sóc", chị Duyên kể.
Chị Duyên là bác sĩ thú y nên việc chăm sóc thú cưng không quá khó. "Trước khi nhận ký gửi, mình phải cẩn thận kiểm tra sức khỏe của từng thú cưng. Thú cưng của khách sẽ được trải nghiệm đầy đủ mọi hoạt động, sinh hoạt như thường ngày ở nhà cũng như được tắm rửa, vệ sinh, ăn uống điều độ, đúng giờ và tham gia các hoạt động vui chơi…", chị Duyên cho biết.
Nguyễn Hoàng Khánh An, sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cũng đã lên lịch làm thêm dịp Tết Nguyên đán 2024 tại một cửa hiệu thú cưng ở Q.1 (TP.HCM).
"Đây sẽ là năm thứ 2 mình đi chăm hộ thú cưng vào những ngày tết. Công việc này không quá khó vì mình đã có kinh nghiệm hơn 4 năm nuôi chó, mèo tại nhà cũng như học được cách chăm sóc thú cưng từ anh chị khác", An cho biết.
Theo An nhu cầu trông hộ thú cưng ở TP.HCM khá cao, trước tết vài tuần nhiều cửa hàng sẽ tuyển nhân viên hỗ trợ.
Khánh An sẽ trông chó, mèo từ mùng 1 đến mùng 7 tết, khoảng 5 tiếng mỗi ngày với các phần việc như: cho ăn, vệ sinh, tắm rửa, tỉa lông... "Nhờ công việc trông hộ thú cưng có thể xoay ca nên mình chủ động được thời gian vừa làm vừa đón tết cùng mọi người. Thường sau mấy ngày tết, mình kiếm được gần 4 triệu đồng nhờ đi trông hộ thú cưng", An cho hay.