Giáo dục

Chuyện trường, chuyện lớp

Lạm thu, bạo lực học đường: Vai trò của hiệu trưởng ở đâu?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Năm học 2023-2024 chỉ mới được 5 tuần nhưng ngành giáo dục đối mặt hàng loạt vụ việc đau lòng như bạo lực học đường; lạm thu; cô túm áo, kéo lê nữ sinh ở lớp; thầy mắng trò với ngôn từ phản cảm... Vì sao xảy ra những hiện tượng này? Vai trò của hiệu trưởng ra sao?

Để xảy ra hàng loạt những vấn đề gây bức xúc cho xã hội, hình ảnh xấu về người thầy, mất niềm tin với giáo dục... lỗi phần nhiều ở hiệu trưởng. Ở các nhà trường, hiệu trưởng là người đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng trường học kỷ cương, tình thương, trách nhiệm và đổi mới.

Trong bối cảnh hiện nay, để trở thành người "đầu tàu" vừa làm tốt công tác quản lý vừa tạo nên sự nể trọng của thầy cô; tránh gây ra hình ảnh xấu của giáo dục với xã hội, hiệu trưởng cần lưu ý những điều sau.

Chỉ mới bước vào năm học mà ngành giáo dục đối mặt hàng loạt vụ việc đau lòng như bạo lực học đường; lạm thu; cô túm áo, kéo lê nữ sinh ở lớp; thầy mắng trò với ngôn từ phản cảm... Ảnh: TNO
Chỉ mới bước vào năm học mà ngành giáo dục đối mặt hàng loạt vụ việc đau lòng như bạo lực học đường; lạm thu; cô túm áo, kéo lê nữ sinh ở lớp; thầy mắng trò với ngôn từ phản cảm... Ảnh: TNO

Sâu sát trường, lớp mỗi ngày

Theo hướng dẫn, chỉ đạo, yêu cầu của cấp trên, căn cứ vào đặc điểm, tình hình nhà trường, bàn bạc trong cấp ủy, ban giám hiệu, giáo viên…, hiệu trưởng cần xây dựng kế hoạch giáo dục năm học (tầm nhìn từ 3-5 năm). Hiệu trưởng nên cụ thể hóa mục tiêu cần đạt bằng biện pháp khả thi, có hiệu lực pháp lý, đồng bộ triển khai, được giám sát, kiểm tra chặt chẽ; khi cần thiết có thể điều chỉnh, bổ sung.

Quan trọng không kém, hiệu trưởng sâu sát trường, lớp mỗi ngày, quan sát, dự báo (chuyện tốt, điều rủi ro) để kịp thời ngăn ngừa, nhanh chóng xử lý tình huống phát sinh từ giảng dạy, học tập, phục vụ (bộ phận văn phòng), phối hợp (phụ huynh, địa phương nơi trường đóng…) một cách tối ưu.

Việc thu quỹ phụ huynh nhiều khoản không đúng quy định tại Trường tiểu học Hồng Hà (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) gây xôn xao dư luận ngay khi vừa bước vào năm học mới. Ảnh: THÚY HẰNG

Việc thu quỹ phụ huynh nhiều khoản không đúng quy định tại Trường tiểu học Hồng Hà (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) gây xôn xao dư luận ngay khi vừa bước vào năm học mới. Ảnh: THÚY HẰNG

Dạy giỏi một môn, biết nhiều môn học

Hiệu trưởng dạy hay thì giáo viên, học sinh mới "tâm phục, khẩu phục". Gặp bài học khó, chuyên đề rối, hiệu trưởng có thể dạy minh họa. Nếu giáo viên than thở dạy tích hợp quá khó, liệu rằng hiệu trưởng có thể dạy mẫu hay không? Thầy/cô hiệu trưởng "say" chuyên môn sẽ truyền cảm hứng đến mọi thành viên nhà trường - tiền đề cho "dạy thật tốt, học thật tốt".

Giỏi môn học mình được đào tạo từ trường sư phạm, hiệu trưởng cần đọc để biết các môn học khác. Làm thế, hiệu trưởng mới hiểu rõ những khó khăn trong dạy học, đâu là nút thắt cần gỡ.

Trong những buổi trao đổi chuyên môn, mỗi lời phê của hiệu trưởng trong giáo án, từng góp ý của hiệu trưởng với ấp ủ của học sinh phải đong đầy chất liệu ngoài sách giáo khoa, mang nhịp đập cuộc sống.

"Có thực mới vực được đạo" nhưng...

Tiền đâu xây trường lớp khang trang, hiện đại? Tiền đâu tổ chức hoạt động trải nghiệm tươi vui? Tiền đâu khen thưởng thầy cô, học sinh? Tiền đâu cuối năm chi thu nhập tăng thêm cho anh em? Những băn khoăn này của hiệu trưởng trong bối cảnh ngân sách được cấp còn ít nên tranh thủ nguồn thu (hợp pháp) khác cũng là điều dễ hiểu.

Có lần, tại hội nghị của Sở GD-ĐT, tôi chia sẻ: "Kế toán đặt đâu, tôi ngồi đó". Làm hiệu trưởng, tôi chú tâm công tác dạy học, giáo dục; chuyện tiền nong là việc của kế toán. Khi nhân viên này lúng túng, tôi chỉ cho các em, vì sao có nội dung hướng dẫn này, tại sao lại yêu cầu như thế ở công văn kia, chi khoản này sẽ đáp ứng dạy học đến đâu... Trong nhà trường, mọi nguồn lực, ưu tiên hàng đầu đều dành cho tổ chức hoạt động dạy học.

Hình ảnh giáo viên kéo lê nữ sinh trước cửa lớp lan truyền trên mạng xã hội, gây xôn xao dư luận. CẮT TỪ CLIP

Hình ảnh giáo viên kéo lê nữ sinh trước cửa lớp lan truyền trên mạng xã hội, gây xôn xao dư luận. CẮT TỪ CLIP

Đến trường sớm, ra về muộn

Để học sinh mỗi sáng thức dậy luôn náo nức đến trường, trước tiên, hiệu trưởng (trừ những ngày đi công tác, bận họp hành) dành thời gian trong ngày nhiều hơn mọi người để có mặt tại trường. Bao quát tình hình, đốc thúc các bộ phận làm việc, dõi theo thầy cô lúc ở lớp, lắng nghe tiếng "ê a" của trò từng tiết học. Chính quan sát thực tiễn sẽ cho hiệu trưởng cảm xúc - con đường để thay đổi.

Khách đến trường, khi cần gặp hiệu trưởng là có hiệu trưởng. Hiệu trưởng ân cần lắng nghe, nhanh chóng giải quyết, tiếng lành đồn xa. Xã hội hóa giáo dục là đây chứ đâu xa!

Giữ trường lớp xanh, sạch, an toàn

Trường đẹp, hiện đại, ai cũng mong. Nhưng "liệu cơm gắp mắm", khéo huy động, hiệu trưởng nên ưu tiên chăm lo sân trường, lớp học, phòng học bộ môn, phòng y tế, thư viện… ngăn nắp, vệ sinh, hoạt động hiệu quả.

Hiệu trưởng nên chia sẻ công việc với hiệu phó, nhân viên để họ cùng mình hoàn thành tốt công việc được giao. Dù tin tưởng đồng nghiệp, cấp dưới nhưng hiệu trưởng vẫn phải kiểm tra, chỉ ra việc cần làm, cách làm, tạo điều kiện để các bộ phận dốc lòng cùng hiệu trưởng. Trường học hạnh phúc - trước hết là trường học xanh, sạch, an toàn - mà hiệu trưởng là tổng công trình sư!

Sống tích cực, hướng thiện, sẻ chia, hợp tác...

Hiệu trưởng chăm lo giáo viên, học sinh, không để thầy trò buồn, mặc cảm khi gặp chuyện rủi ro, hoặc có suy nghĩ, việc làm chưa phù hợp với đạo đức nhà giáo, tuổi học trò. Nếu hiệu trưởng hài hòa ứng xử, giải quyết công việc, xây dựng tập thể nhà trường sống tích cực, hướng thiện, sẻ chia, hợp tác - trường thay đổi, đội ngũ vững lên mỗi ngày.

Nếu mọi quyết định đều dựa trên sự công tâm, trách nhiệm và tình thương thì sẽ được sự ủng hộ của giáo viên. Tôi còn nhớ, có giáo viên tôi ra quyết định kỷ luật hai lần, nay gặp lại, em nói "cảm ơn thầy ngày đó".

Thầy giáo chỉ mặt, dùng ngôn từ xúc phạm học sinh. CẮT TỪ CLIP

Thầy giáo chỉ mặt, dùng ngôn từ xúc phạm học sinh. CẮT TỪ CLIP

Dành 2 giờ mỗi ngày cho việc đọc

Hiệu trưởng phải xem việc nghiên cứu công văn, hướng dẫn, đọc sách, báo mỗi ngày là điều cần làm mỗi ngày để có cơ sở xây dựng kế hoạch giáo dục. Hiệu trưởng lan tỏa thói quen đọc sách đến thầy trò trong trường. Một nhà trường tốt là nhà trường chăm đọc sách.

Còn nhớ khi đọc được câu chuyện học sinh cúi đầu chào bác bảo vệ, tôi dùng ngữ liệu này gợi ý nhóm giáo viên ngữ văn ra đề kiểm tra. Trò viết tốt, báo chí ngợi khen, nhưng quan trọng hơn, học sinh trường tôi sau đó làm theo, không chỉ khoanh tay chào bác bảo vệ, còn giúp bảo vệ đẩy xe rác sau khi vệ sinh trường học. Đây có thể là quả ngọt từ việc hiệu trưởng chăm đọc sách.

Không tính toán "thiệt, hơn" lợi ích cá nhân

Mức độ hiệu quả về mặt quản lý của hiệu trưởng được thể hiện ở sự trưởng thành của giáo viên, sự tiến bộ của học sinh, sự tin tưởng của phụ huynh, sự ghi nhận của cấp trên.

Đặt quyền lợi anh em lên đầu, sá chi phần trăm "hoa hồng đen", chớ nhúng chàm chuyện "bán - mua" trong trường học… Làm như thế hiệu trưởng sẽ "nhẹ tênh" lo "tiên học lễ, hậu học văn". Tuy nhiên, hiệu trưởng cũng không vì thế mà "yếu ớt", sợ "va chạm", quay lưng với xã hội hóa.

Cơ hội đi cùng thách thức, thuận lợi sao tránh được khó khăn. Hiệu trưởng phải có trách nhiệm, giữ "lửa" khát vọng, rèn tâm với công việc - xứng "tầm" là linh hồn của nhà trường, bản lĩnh người đứng đầu. Có như thế mới mong đẩy lùi những vấn nạn trong giáo dục đang diễn ra.

Có thể bạn quan tâm