Thời sự - Sự kiện

Thời sự quốc tế

Lần đầu Mỹ-Trung nhất trí con người chứ không phải AI kiểm soát vũ khí hạt nhân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Tại Lima (Peru), Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí rằng con người chứ không phải trí thông minh nhân tạo (AI) là bên đưa ra quyết định về việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Mỹ đang duy trì tam giác hạt nhân, gồm tên lửa đạn đạo hạt nhân bắn từ hầm chứa, tên lửa mang đầu đạn hạt nhân khai hỏa từ tàu ngầm và tên lửa bắn từ máy bay. ảnh: afp
Mỹ đang duy trì tam giác hạt nhân, gồm tên lửa đạn đạo hạt nhân bắn từ hầm chứa, tên lửa mang đầu đạn hạt nhân khai hỏa từ tàu ngầm và tên lửa bắn từ máy bay. ảnh: afp

Reuters hôm nay 17.11 dẫn thông báo của Nhà Trắng cho biết hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung ngày 16.11 xác nhận sự cần thiết duy trì quyền kiểm soát của con người đối với quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân.

"Cả hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh nhu cầu cần cân nhắc kỹ lưỡng các nguy cơ tiềm tàng và việc phát triển công nghệ AI trong lĩnh vực quân sự một cách thận trọng và có trách nhiệm", theo Nhà Trắng.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa bình luận về thông tin trên.

Vẫn chưa rõ liệu sự nhất trí trên có dẫn đến các cuộc đối thoại hoặc hành động kế tiếp về vấn đề này. Tuy nhiên, đây là bước đi đầu tiên giữa Mỹ-Trung trong việc thảo luận hai chủ đề ít được đề cập trong quan hệ song phương: vũ khí hạt nhân và AI.

Lâu nay Washington vẫn kiên trì thúc giục Bắc Kinh tham gia nỗ lực đàm phán về vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán chính thức về kiểm soát vũ khí hạt nhân vẫn chưa thể diễn ra do Trung Quốc từ chối tham gia.

Về AI, Mỹ và Trung Quốc khởi động cuộc đối thoại song phương chính thức về vấn đề này tại Geneva (Thụy Sĩ) vào tháng 5. Thế nhưng, nội dung thảo luận được cho chưa đề cập đến các quyết định liên quan đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Bộ Quốc phòng Mỹ ước tính đến năm 2023 Bắc Kinh có khoảng 500 đầu đạn hạt nhân có thể sử dụng và nhiều khả năng con số này sẽ tăng hơn 1.000 vào năm 2030. Trung Quốc chưa bình luận về số liệu của Lầu Năm Góc.

Tính đến năm 2024, Nga có tổng cộng 5.580 đầu đạn, với khoảng 1.710 đầu đạn sẵn sàng được triển khai, theo số liệu của Statista. Còn Mỹ có tổng cộng 5.044 đầu đạn, với khoảng 1.770 đầu đạn sẵn sàng được triển khai.

Theo Thụy Miên (TNO)

Có thể bạn quan tâm