Điểm đến Gia Lai

Lan man chuyện chợ…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Chợ huyện mỗi tháng sáu phiên/Gặp cô hàng xén nên duyên châu trần”. Chẳng biết từ bao giờ, người dân quê tôi truyền nhau câu ca dao ấy. Người già kể về gốc tích của nó cho con cháu, khiến những đứa trẻ như tôi dạo ấy, không thể không nhớ, không thuộc.
Ấy là một mối tình đẹp của một thầy đồ trẻ với một cô hàng xén thông minh xinh xắn, sắc sảo mặn mà. Họ gặp nhau ở một phiên chợ Tết, thầy đồ mở một gian hàng bán chữ, còn cô hàng xén bán những mặt hàng nho nhỏ làm đẹp cho chị em phụ nữ nhân dịp Xuân về. Cô hàng xén mở hàng kế bên gian hàng của thầy đồ trẻ, thầy đồ đem lòng cảm mến, tặng cô đôi câu đối Tết. Rồi từ ấy, mỗi phiên chợ, thầy đồ lại tìm gặp cô lân la kiếm cớ hỏi mua một món hàng. Rồi họ kết duyên chồng vợ, mỗi năm người ta lại thấy họ ở phiên chợ Tết với những món hàng góp phần tô đẹp cho cuộc đời.
Chợ phiên nông sản an toàn ở  Ayun Pa. Ảnh: Đức Phương
Chợ phiên nông sản an toàn ở Ayun Pa. Ảnh: Đức Phương
Chợ phiên có từ rất lâu đời, theo thời gian, nó đã trở thành một nếp sinh hoạt văn hóa không thể thiếu, đặc biệt ở miền núi, vùng đồng bằng Bắc bộ, có những phiên chợ nổi tiếng như các phiên chợ tình ở miền núi phía Bắc nước ta. Người ta đến chợ không chỉ để mua bán, mà để được hòa vào không khí nhộn nhịp, thậm chí còn để tìm lại kỷ niệm… Những phiên chợ thường được họp định kỳ vào một ngày nhất định trong tháng, thường tính theo lịch âm, vì thế mà gọi là chợ phiên.
Quê tôi, vào những ngày có phiên chợ, không khí rất đông vui, náo nhiệt. Người ta chuẩn bị đủ mọi mặt hàng để bán, nhiều nhất vẫn là dụng cụ lao động và đồ dùng sinh hoạt trong gia đình. Thỉnh thoảng tôi được cùng bà nội đến những phiên chợ đông vui như thế. Tôi nắm chặt tay bà vì sợ lạc. Bà tôi đội trên đầu một chiếc thúng nhỏ, đựng mấy ống gạo để bán lấy tiền mua cuốc, mua liềm, mua muối… Khi về, trong chiếc thúng của bà, ngoài những thứ ấy bao giờ cũng có mấy đồng kẹo bột cho chúng tôi. Khi bà hạ chiếc thúng ở trên đầu xuống, chúng tôi xúm lại, hồi hộp dõi theo bàn tay của bà lật tấm cói che phía trên cái thúng ra, rồi ngóng cổ chờ bà chia kẹo. Những viên kẹo ngọt lịm, tôi cứ ngậm mãi ở trong miệng và luôn sợ nó sẽ tan hết.
Giờ đi chợ trở thành công việc hàng ngày, ít nhất để đáp ứng nhu cầu ăn uống. Bất cứ lúc nào cũng có thể ghé chợ để mua bất cứ thức gì cần thiết. Ngoài chợ còn có hàng quán, tạp hóa bên đường luôn cung cấp đủ mọi mặt hàng thiết yếu. Thậm chí, cũng chẳng cần phải ghé chợ, muốn mua gì chỉ cần lên mạng, vài cái click chuột trao đổi giá cả là có ngay thứ mình cần mà không cần ra khỏi nhà. Có thể mua cả đặc sản mọi vùng miền trong vòng vài phút, dịch vụ chuyển phát nhanh sẽ chuyển tận nhà ngay hôm sau.
Tiện lợi thế, nhưng đi chợ với tôi vẫn là một thói quen, không khí bán mua, những tiếng chào mời, mặc cả… vẫn như một điều gì đó neo vào tiềm thức, vào đời sống, vào nếp nghĩ, nếp sinh hoạt thường nhật. Thỉnh thoảng, tôi thích lang thang ra phía ngoại ô Pleiku mua hàng từ những người phụ nữ Jrai. Họ ngồi bên đường, trước mặt là chiếc gùi đựng rau trái họ tự trồng, cá tôm cua ốc họ bắt được từ những con suối hoặc trên đồng ruộng, đôi khi là măng tươi, rau rừng…
Sau ngày cúng đưa ông Táo về trời, không khí đã nhộn nhịp và mang hương vị Tết, rõ nhất là từ chợ. Những mặt hàng chỉ xuất hiện vào dịp Tết đã được mang ra bày bán. Tôi tranh thủ ghé chợ, hòa vào không khí mua mua bán bán. Nhưng trong lòng, tôi biết mình đến chợ không chỉ vì nhu cầu mua sắm.
Đào An Duyên

Có thể bạn quan tâm