TN - Đất & Người

Lan man về ngày 27-7

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hồi mới đến nhận việc ở huyện Chư Sê (Gia Lai) năm 1993 (bao gồm cả huyện Chư Pưh ngày nay), chỉ vài tuần sau, một trong những việc cần làm của riêng tôi là đến viếng các liệt sĩ ở Nghĩa trang Liệt sĩ của huyện. Tôi rất vui khi thấy nghĩa trang được xây dựng ở một vị trí đẹp, có người quản trang chăm sóc chu toàn. Sau đó là thăm và làm quen với một số gia đình chính sách, thương binh… Thấy đời sống của đa số gia đình của bà con khu vực thị trấn Chư Sê đã có phần khấm khá so mặt bằng chung của địa phương, tôi rất mừng.
Và từ đó, chúng tôi xây dựng thành nền nếp, những ngày lễ trọng và Tết Nguyên đán hàng năm, cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn huyện tập hợp lại để đến nghĩa trang dâng hương, dâng hoa, viếng các liệt sĩ; đặc biệt là tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách. Việc làm ấy được nhiều người đồng tình ủng hộ. Gia Lai từng là một trong những chiến trường vô cùng ác liệt trên địa bàn Tây Nguyên thời chiến tranh chống Mỹ cứu nước nên sự hy sinh mất mát của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ là không hề nhỏ. Nỗi đau thương, mất mát của thân nhân các liệt sĩ là không gì có thể bù đắp. Cho dù về vật chất, về chính sách, chế độ đối với gia đình liệt sĩ, thương binh, gia đình có công đã có Nhà nước lo một phần, nhưng thực tế là không thể đủ đầy được. Nhiều gia đình trong số họ, nhất là bà con dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa còn gặp vô vàn khó khăn. Vì vậy, anh em chúng tôi ở Chư Sê lúc ấy đều nghĩ rằng, mỗi một địa phương, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cần có những việc làm cụ thể, quan tâm thăm hỏi, động viên, giúp đỡ họ không chỉ về vật chất mà đặc biệt còn về tinh thần. Đó là việc làm nhân văn, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” bằng cả tấm lòng chân thành chứ không phải làm theo phong trào, chiếu lệ.
 Tác giả tại Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã An Khê. Ảnh: B.H
Tác giả tại Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã An Khê. Ảnh: B.H
Là một trong những cán bộ ngày đó tuy còn khá trẻ, song tôi có vinh hạnh được làm người giúp việc cho nhiều đồng chí cán bộ lãnh đạo của tỉnh từ thời còn trong căn cứ cũng như về sau này. Tôi học được ở các đồng chí ấy nhiều việc, trong đó có sự thủy chung son sắt với đồng bào, đồng đội, đồng chí, người sống cũng như những người không may hy sinh trong khi làm nhiệm vụ… Cứ đến ngày lễ, Tết, bao giờ các đồng chí lãnh đạo cũng dành thời gian trở về thăm bà con ở vùng căn cứ, nơi trước đây đã từng đùm bọc, cưu mang, giúp đỡ, chở che cán bộ, chiến sĩ một thời gian khổ, ác liệt; thăm gia đình chính sách, thương binh, gia đình liệt sĩ; đến thắp hương, dâng hoa ở nghĩa trang… Có một lần, vào sáng mùng 1 Tết, sau khi lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh viếng các liệt sĩ ở Nghĩa trang Liệt sĩ của tỉnh rồi về gặp mặt đầu năm ở Hội trường 2-9 xong, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Sỹ không về nhà mà hỏi tôi địa chỉ của một số đồng chí lãnh đạo sở, ngành tỉnh khi ấy đã về nghỉ hưu trên địa bàn thị xã Pleiku… Chú Sỹ bảo: “Chúng ta đến thăm các đồng chí ấy, nay có lẽ nhiều người đã yếu, chú không thấy họ đến dự gặp mặt đầu Xuân như mọi năm trước”. Tôi biết, chú rất buồn khi thấy mỗi năm, số người vắng mặt ngày càng tăng. Xa hơn trước đó nữa, những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Bí thư Huyện ủy An Khê-chú Hồ Ngọc Năm, mỗi khi có cán bộ, chiến sĩ hy sinh thì gần như ông bỏ ăn và thức trắng đêm. Có đêm, tôi chợt giật mình thức giấc thấy ông vẫn lặng lẽ ngồi trong bóng tối nơi góc lán và… khóc. Tôi cũng không cầm được cảm xúc của mình, bao điều về đồng chí, đồng đội đã ra đi cứ hiện về…
Tôi cũng có nhiều đồng đội, các anh, chị là liệt sĩ, thương binh. Có dịp nói chuyện cùng họ, gia đình họ mới thấy những lời động viên, thăm hỏi của lãnh đạo, bạn bè, đồng chí có giá trị tinh thần lớn biết bao. Anh Nguyễn Hữu Nam, anh Lê Thanh Hiển, anh Niềm, anh Đỏ… là những thương binh sống ở An Khê, mỗi khi có dịp ghé thăm, các anh vô cùng xúc động. Đến thắp nén hương trên mộ phần của các anh chị nằm lại ở Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã An Khê, nhìn lên bia ghi tên của những đồng đội một thời sống chết có nhau, bao chuyện xưa lại quay về mồn một. Những lần ra Hà Nội, tôi cũng đều ghé thăm anh Trung Trung Đỉnh, là đồng đội cùng một tiểu đội ngày trước. Anh là thương binh nặng, nay đã có tuổi, sức khỏe mỗi ngày mỗi giảm, bệnh tình-di chứng của chiến tranh và vết thương tái phát-ngày nặng thêm. Có lần, chẳng biết nói gì ngoài chuyện “ngày xưa”, anh em ra đường, lên xe buýt, đi lòng vòng thủ đô, thấy sự đổi thay của đời sống hôm nay mà lòng xót xa nghĩ về đồng đội cùng đơn vị thuở nào giờ còn nằm lại chiến trường, có người chưa tìm được hài cốt…
Bây giờ, có dịp trở lại thăm viếng linh hồn của 383 liệt sĩ an nghỉ ở Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Chư Sê, chúng tôi càng thêm ấm lòng. Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Chư Sê được xây dựng ít lâu sau khi thành lập huyện (1981). Năm 2016, bằng nguồn kinh phí 10 tỷ đồng của Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam tài trợ và một phần từ ngân sách huyện, các doanh nghiệp, Mạnh Thường Quân ủng hộ, đóng góp, nghĩa trang đã được trùng tu, tôn tạo và xây dựng thêm các hạng mục như: đền thờ, tháp chuông, đại hồng chung… rất tôn nghiêm. Điều đó nói lên sự tri ân, đền ơn đáp nghĩa của thế hệ đi sau với những người đã xả thân vì sự nghiệp giải phóng đất nước, thống nhất giang sơn.
Lan man đôi điều về Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27-7, viết mấy dòng mà tim tôi cứ nhói lên. Mong sao, ngày tri ân này luôn được coi trọng, như một nén hương lòng của người đi sau thắp cho người đã khuất vì Tổ quốc, quê hương, thể hiện tinh thần đền ơn đáp nghĩa đầy ý nghĩa và nhân văn của người Việt chúng ta!
Đoàn Minh Phụng

Có thể bạn quan tâm