Khoa học - Công nghệ

Xe 360

Lằn ranh 2 giây sống còn khi lái ôtô

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chỉ mất tập trung 2 giây khi lái xe, người điều khiển ôtô có thể phải trả giá bằng mạng sống của mình và cả những người xung quanh.

Chiều muộn cuối đông năm 2015, Lan cầm lái chiếc Lexus ES350 mới kính coong 70 km từ Tam Đảo về Hà Nội, cô bạn thân, tên Linh, ngồi bên cạnh. Sau một ngày dài ở thị trần mờ sương, Lan không còn giữ được tỉnh táo, khi cơn buồn ngủ ập đến.

Linh mới lấy bằng được 2 ngày, không đủ tin tưởng để trao xe. Lan cố lái, liên tục nói chuyện để xua đi cảm giác hai mắt như muốn nhắm nghiền. Những câu chuyện đủ mọi chủ đề từ lãng mạn như mùa đông Hà Nội, đến khô khan như giảm xóc của xe.

Lan chỉ nhắm mắt khoảng 2 giây (trước đó là cả giai đoạn mắt mở nhưng cảm giác không còn tỉnh táo), chiếc sedan sang trọng lăn bánh quá nửa sang làn đường đối diện trên cầu vượt đường Võ Nguyên Giáp (Hà Nội). Lan choàng tỉnh khi Linh liên tục vỗ vào tay, bên ngoài là tiếng còi inh ỏi của một chiếc taxi.

Đưa xe trở về làn đường, Lan nhận được ánh mắt hình viên đạn của tài xế xe phía sau vượt lên. Duy trì tốc độ cao, chỉ một chút mất tập trung, rời mắt khỏi đường khiến cô và Linh, cùng những người khác rơi vào nguy hiểm.

Tình huống mất tập trung khi lái xe của Lan may mắn không để lại hậu quả, nhưng trên thực tế không nhiều người có may mắn như vậy.

Lái xe mất tập trung rất nguy hiểm

Theo thống kê tại Mỹ năm 2016, hơn 9% trường hợp tử vong vì tai nạn giao thông, khoảng 3.450 người, là do điều khiển xe thiếu tập trung. Con số này dấy lên mối quan tâm đặc biệt của nhà chức trách, hãng xe và các hãng công nghệ nhằm giảm sự mất tập trung cho tài xế khi lái xe, nhất là trong bối cảnh có nhiều nguồn gây xao nhãng như sử dụng điện thoại, buồn ngủ hay các yếu tố khác.


 

 Nhiều tài xế có thói quen sử dụng điện thoại khi lái xe. Ảnh: Caradias.
Nhiều tài xế có thói quen sử dụng điện thoại khi lái xe. Ảnh: Caradias.

Những lời cổ động như không sử dụng điện thoại khi lái xe dường như không mang lại nhiều hiệu quả, khi có quá nhiều mối quan tâm trên mạng xã hội ngày nay. Thậm chí, các luật cấm, án phạt đã được ban hành tại nhiều quốc gia với hành vi sử dụng điện thoại khi lái xe nhưng không hạn chế được.

Theo phó chủ tịch Viện bảo hiểm an toàn cao tốc tại Mỹ, các bộ luật chống lại tình trạng mất tập trung khi lái xe không giúp giảm thiểu tai nạn. Các tài xế vẫn dùng thiết bị công nghệ, mải trò chuyện hoặc cố lái khi buồn ngủ.

Sự can thiệp của công nghệ

Khi những lời hô hào, án phạt không làm thay đổi thói quen của tài xế, các hãng xe nghĩ đến những giải pháp công nghệ với hy vọng giảm thiểu sự mất tập trung của tài xế. Hàm lượng công nghệ hỗ trợ tỷ lệ thuận với số tiền khách bỏ ra mua xe.

Volkswagen khóa một số tính năng của màn hình cảm ứng khi xe chuyển động. Màn hình HUD hiển thị thông tin trên kính chắn gió trước mặt tài xế, cảnh báo lệch làn bằng âm thanh khi xe đột ngột chuyển làn không có tín hiệu xi-nhan. Ngoài ra, các công nghệ khác như cảnh báo điểm mù, phanh tự động khi xe có nguy cơ va chạm với người đi bộ, người đi xe đạp và cảnh báo phương tiện cắt ngang phía sau.

Những công nghệ an toàn này tỏ ra hữu dụng. Theo thống kê của Viện bảo hiểm Mỹ, hệ thống cảnh báo va chạm trước với tính năng phanh tự động giúp giảm 50% vụ tại nạn đâm từ phía sau. Hệ thống cảnh báo phương tiện cắt ngang giúp giảm 33% vụ tai nạn liên quan.

Không chỉ các hãng xe, các hãng công nghệ cũng góp phần trong việc giảm thiểu sự mất tập trung của tài xế. Các tính năng như Apple Carplay, Android Auto cho phép người điều khiển ôtô truy cập một số tính năng của điện thoại ngay trên màn hình xe. Nghiên cứu của một trường đại học Mỹ chỉ ra việc sử dụng hệ thống ra lệnh giọng nói với các tính năng CarPlay hay Android Auto giúp giảm sự sao nhãng khi lái xe khoảng 15%.

Các hãng xe cũng tiến hành thay đổi dù chậm hơn so với các công ty thiên về công nghệ. Hiện tại, một số dòng xe đã trang bị hệ thống thông tin-giải trí ít gây mất tập trung cho lái xe.

Một số dòng xe sang trang bị màn hình hiển thị thông tin ở ngang tầm mắt người lái, giúp tài xế không cần nhìn xuống dưới khi cần chỉnh một số tính năng. Trong khi đó, với nhiều xe, tài xế chỉ có thể kết nối bluetooth với điện thoại khi xe dừng hẳn.

Các chuyên gia an toàn khuyên người tham gia giao thông nên có thói quen tập trung cao độ khi lái xe, tránh những tình huống xao nhãng không cần thiết. Xe dù trang bị nhiều công nghệ trợ giúp, nhưng hành vi của người lái sẽ có tính quyết định cao hơn. Ở tốc độ 90 km/h, chỉ 2 giây mất tập trung, ôtô có thể đã đi lệch đường đến 50 m, hậu quả khó đoán.

Sau tình huống hú vía, Lan tỉnh ngủ chạy xe tiếp. Tuy nhiên, cô chỉ lái thêm khoảng 10 phút rồi dừng lại bên lề đường, chợp mắt khoảng 15 phút trước khi đi nốt 7 km về nhà. Có lẽ, một lần là quá đủ.

Phương Linh (VNE)

Có thể bạn quan tâm