Điểm đến Gia Lai

Lan rừng về phố

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Anh bạn tôi ở đồng bằng Duyên hải miền Trung có sở thích chơi lan rừng. Vừa rồi, anh có dịp ghé qua Pleiku vào thời điểm giữa mùa mưa để thăm thú cảnh vật miền cao nguyên lắm nắng nhiều mưa.
Tôi đưa anh đi dạo phố, đi qua các con đường Hùng Vương, Quang Trung, Hai Bà Trưng… nơi nào cũng thấy vài người ngồi bên vỉa hè bày bán những nhánh lan rừng đủ loại, có nhánh đã trổ bông còn rất tươi, có nhánh còn nguyên bộ rễ chùm như vừa ngắt khỏi cành cây trong khu rừng nào đó, nhìn rất bắt mắt. Bạn săm soi rất kỹ nhưng không chọn mua nhánh lan nào. Anh giải thích: “Thứ tôi muốn tìm là loài đột biến gen tự nhiên như: phi điệp (giả hạc), trầm, đặc biệt là “bướm đại ngàn”-loại lan rừng đột biến có giá trị hàng tỷ đồng đấy!”.
Ảnh: K.N.B
Ảnh: internet
Theo anh, chỉ cần nghe mùi hương và quan sát cánh hoa là có thể biết được loại lan nào đột biến; còn nhìn vào giò lan đang phát triển thì rất khó phán đoán, dù có con mắt nhà nghề đầy kinh nghiệm. Do vậy, người sưu tầm lan rừng thường mua cả tạ, rồi về nuôi dưỡng thời gian đợi khi ra hoa để tìm sự may mắn. Có nhà sưu tầm lan “trúng số” nhờ phát hiện được loài phi điệp đột biến trong số lan rừng mua về. Loài phi điệp 5 cánh trắng khoe sắc như nàng công chúa, có mùi hương tinh khiết, quyến rũ, rất được giới sành chơi lan rừng săn tìm với giá cả hàng chục ngàn USD. Vào thời kỳ giữa mùa mưa và đầu mùa nắng, những đầu nậu buôn lan rừng ở TP. Pleiku thường thu mua lan rừng từ nhiều nguồn khai thác, nhất là những người dân tộc bản địa, rồi phân loại và đem bán lại theo ký cho dân chơi lan rừng. Do khai thác lan tự nhiên liên tục theo kiểu “tận diệt” nên nhiều cánh rừng già nguyên sinh ngày càng khan hiếm các loài lan, đặc biệt là các loài lan tự nhiên quý hiếm.
Tôi thuộc tuýp người yêu thiên nhiên, thích tìm về nơi hoang dã nên không muốn ai đó lấy của rừng tự nhiên về làm cảnh ở nhà hay phố phường. Ngày trước, tôi cũng thường phản đối việc nhiều người đào cây cổ thụ sống ở rừng về trồng lại trong khuôn viên biệt thự hay công viên ở các đô thị mới. Làm như vậy là phá vỡ môi trường tự nhiên và sự đa dạng sinh học, có thể dẫn đến tuyệt chủng nhiều loài động-thực vật. Hôm trước, tôi và nhóm bạn có đi tham quan khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng nằm trên địa bàn huyện Kbang. Tôi rất buồn khi những kiểm lâm viên nơi đây cho biết, họ đã từng phát hiện và thu giữ hàng trăm bẫy thú, xua đuổi nhiều người dân đem mìn tự tạo đánh cá trên các đầu nguồn sông suối hay đi hái lan rừng… dẫn đến phá vỡ môi sinh. Sự xâm hại dù rất nhỏ trong vùng rừng Khu bảo tồn là không thể chấp nhận được. Do vậy, mọi sự khai thác các sản vật dưới tán rừng nơi đây đều phải được sự giám sát, nhất là những động-thực vật có trong Sách Đỏ cần bảo vệ nghiêm ngặt, trong đó có các loại lan rừng. Ở rừng Tây Nguyên, một số loài lan xếp trong Sách Đỏ gồm: lan hành averyanov (thường thấy ở rừng Chư Pah), hoàng thảo hỏa hoàng (bạch hỏa hoàng, thường thấy ở rừng Kon Tum), hoàng thảo Gia Lu (rừng Gia Lai), đơn hành 2 màu (rừng Kbang), huyết nhung (rừng Lâm Đồng)… Đây là những nguồn gen tự nhiên quý hiếm không được khai thác bừa bãi.
Ngày nay, các loài lan công nghiệp theo kiểu cấy mô xuất hiện rất nhiều trên thị trường được nhiều người ưa thích, giá cả phải chăng. Tuy nhiên, giới chơi lan sành điệu vẫn thích sưu tầm các loại lan rừng, nhất là các loại lan quý hiếm và lan đột biến gen. Nhìn những mớ lan rừng đang bày bán như rau theo ký lô ở các vỉa hè TP. Pleiku, bạn tôi rất thích thú, lục lọi, soi nhìn thật kỹ càng như tìm ngọc trong đá. Riêng tôi cảm thấy xót xa khi nghĩ đến một ngày các loài lan rừng cạn kiệt, thậm chí có loài tuyệt chủng. 
BÙI QUANG VINH

Có thể bạn quan tâm