Giáo dục

Chuyện trường, chuyện lớp

Lan tỏa lối sống xanh trong cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- 64 học sinh ở 32 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã tề tựu về TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) để tham gia hội thảo “Học sinh với lối sống xanh”. Không ít giải pháp hay về phòng-chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường được các em trình bày góp phần truyền cảm hứng, lan tỏa và nhân rộng lối sống xanh trong cộng đồng.

Hội thảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Việt Nam, Sở GD-ĐT Gia Lai tổ chức vào ngày 29-10 vừa qua dành cho học sinh khu vực phía Nam.

Từ suy nghĩ đến hành vi

Tại hội thảo, đại diện học sinh các tỉnh: Gia Lai, Long An, Đồng Nai, Hậu Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu lần lượt trình bày tham luận về những sáng kiến, hoạt động đã và đang triển khai tại trường về tăng cường thực hành kỹ năng xanh, hành vi xanh, lối sống xanh cũng như đưa ra một số đề xuất, kiến nghị.

Bà Lê Anh Lan-Quyền trưởng Chương trình Giáo dục-Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Việt Nam giao lưu, giải đáp thắc mắc của học sinh tại hội thảo. Ảnh: Mộc Trà

Bà Lê Anh Lan-Quyền trưởng Chương trình Giáo dục-Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Việt Nam giao lưu, giải đáp thắc mắc của học sinh tại hội thảo. Ảnh: Mộc Trà

Dẫn chứng về một số thảm họa thiên tai xảy ra trong nước và trên thế giới thời gian gần đây như: lũ quét tại Lybia, Hồng Kông; cháy rừng ở Hawaii; sạt lở đất, xâm nhập mặn ở Việt Nam… với những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, em Đậu Minh Nga-học sinh lớp 12C2A, Trường THPT chuyên Hùng Vương (tỉnh Gia Lai) nhìn nhận: “Đây là hậu quả của biến đổi khí hậu. Vì vậy, việc hành động để bảo vệ, cải tạo môi trường đã trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Trong đó, “lối sống xanh” thân thiện với môi trường cần được trở thành xu thế ở hiện tại và cả tương lai gắn với ý thức tự giác từ mỗi người”.

Nga thông tin thêm, nhận thức được tầm quan trọng của lối sống xanh, thời gian qua, học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương đã triển khai nhiều hoạt động bảo vệ môi trường. Tiêu biểu như: thử nghiệm ủ chất thải hữu cơ thành phân bón sinh học; nghiên cứu tận dụng, xử lý phụ phẩm nông nghiệp và rác thải hữu cơ để tạo ra các chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường; chế tạo máy nhiệt phân rác thải nhựa, thu nhiên liệu dầu và xử lý khí thải; cùng các bạn trẻ ở TP. Pleiku thành lập Câu lạc bộ Bảo vệ môi trường; thực hiện trường học, lớp học không rác thải; trồng và chăm sóc cây xanh trong lớp, ngoài hành lang và khuôn viên trường…

Chia sẻ về Dự án “Tiếng nói của rừng”, em Phạm Thị Ngọc Như-học sinh lớp 11 Anh 1, Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh (tỉnh Đồng Nai) cho biết: Đây là dự án dạy học tích hợp xuyên môn, kết hợp giáo dục môi trường và di sản thiên nhiên với sự tham gia của nhiều giáo viên, học sinh yêu rừng, yêu thiên nhiên đến từ Đồng Nai và một số tỉnh, thành trong cả nước. Dự án ra đời xuất phát từ thực trạng lũ lụt, sạt lở gây hậu quả nghiêm trọng ở miền Trung vào tháng 9-2020 và một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới thiên tai là do diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp.

Qua dự án, học sinh được tham gia các chủ đề học tập tích hợp trong chương trình học; tổ chức các chương trình workshop huấn luyện kỹ năng mềm, hoạt động giáo dục trải nghiệm; đồng thời, gây quỹ ủng hộ các dự án trồng rừng. Hiện trang Facebook của dự án đã có trên 6.000 người theo dõi. “Dự án này giúp học sinh nâng cao trách nhiệm của bản thân và lan tỏa trách nhiệm tới cộng đồng trong công tác bảo vệ rừng nói riêng, môi trường sinh thái nói chung; từ đó, thúc đẩy mọi người cùng hành động vì màu xanh của những cánh rừng, góp phần bảo vệ di sản thiên nhiên, môi trường sinh thái”-Như cho biết.

Lan tỏa lối sống xanh

64 học sinh được chia làm 5 nhóm để thảo luận và thuyết trình về một chủ đề liên quan đến môi trường thông qua 1 bức tranh bất kỳ được trưng bày tại hội thảo; đồng thời, được giao lưu, trao đổi, giải đáp các thắc mắc về những vấn đề đang quan tâm.

Em Nguyễn Trần Phương Thúy-học sinh lớp 12T, Trường THPT chuyên Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) bày tỏ: “Hội thảo là cơ hội để chúng em chia sẻ, bày tỏ quan điểm của mình về những vấn đề liên quan đến môi trường, biến đổi khí hậu. Qua đây, em tiếp cận được nhiều góc nhìn mới về lối sống xanh từ tất cả các bạn thông qua những dự án, giải pháp hay để bảo vệ môi trường đã được triển khai hiệu quả tại trường học hoặc địa phương”.

Em Đậu Minh Nga (thứ 2 từ trái sang, lớp 12C2A, Trường THPT chuyên Hùng Vương) cùng các thành viên trong nhóm thảo luận lựa chọn bức tranh để thuyết trình về chủ đề ô nhiễm môi trường. Ảnh: M.T

Em Đậu Minh Nga (thứ 2 từ trái sang, lớp 12C2A, Trường THPT chuyên Hùng Vương) cùng các thành viên trong nhóm thảo luận lựa chọn bức tranh để thuyết trình về chủ đề ô nhiễm môi trường. Ảnh: M.T

Ông Trần Bá Công-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT: Chương trình nhằm nâng cao nhận thức và hành động của học sinh về phòng-chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường thông qua lối sống xanh; khuyến khích học sinh tăng cường suy nghĩ xanh, hành vi xanh, thúc đẩy lối sống xanh. Từ đó, mỗi học sinh sẽ là một tuyên truyền viên truyền cảm hứng và nhân rộng lối sống xanh tới cộng đồng.

Còn em Rơ Lan Vượng (lớp 12B, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Gia Lai) cho hay: “Mặc dù không trực tiếp tham gia phản biện cùng các bạn, song đến với hội thảo này, em đã tích lũy được nhiều kiến thức bổ ích về bảo vệ môi trường thông qua lối sống xanh. Em cũng tự nhìn nhận lại hành vi của bản thân trong thời gian qua; đồng thời, đặt ra những mục tiêu mới cùng giải pháp thiết thực nhất để góp phần lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường đến với nhiều người hơn”.

Theo bà Lê Anh Lan-quyền Trưởng Chương trình Giáo dục của UNICEF Việt Nam, so với 2 hội thảo trước đây tại Hòa Bình và Lào Cai, kịch bản chương trình tại Gia Lai đã có nhiều sự đổi mới nhằm trao quyền chủ động cho học sinh, giúp các em phát huy tối đa kỹ năng mềm và tính tương tác với nhau. Các em ở khu vực phía Nam đã phát hiện và nghiên cứu các vấn đề liên quan một cách khoa học với những dẫn chứng khá cụ thể, thuyết phục. Tuy nhiên, hạn chế của các em lại là thiếu sáng tạo khi trình bày và hùng biện; các sáng kiến còn nặng về lý thuyết, tính ứng dụng vào thực tiễn chưa cao.

“Chúng tôi đang đề xuất Bộ GD-ĐT tiếp tục duy trì hoạt động này vào những năm tới và sẽ tổ chức tại 3 khu vực: Bắc, Trung, Nam thay vì chia làm 2 như hiện tại. Tôi cũng mong muốn chương trình sẽ thu hút được nhiều học sinh tham gia hơn nữa, không chỉ các em ưu tú mà còn có cả học sinh người dân tộc thiểu số, học sinh khuyết tật, học sinh có hoàn cảnh khó khăn… Qua đó, tạo được sự lan tỏa toàn diện và trao cơ hội để các em được rèn luyện kỹ năng mềm cũng như giao lưu, học hỏi với bạn bè trên cả nước”-bà Lan cho hay.

Có thể bạn quan tâm