Ông Tăng Ngọc Trai-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Đức Cơ-cho hay: Những năm qua, ngoài nguồn đầu tư từ các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện còn nhân rộng các mô hình giảm nghèo, nhất là hỗ trợ sinh kế giúp hộ nghèo từng bước vươn lên. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 12,41% (tương đương 2.420 hộ), hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm 26,42% (tương đương 2.184 hộ).
Anh Rơ Mah Déo (làng Sung, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ) chăm sóc đàn dê của gia đình. Ảnh: Đ.Y |
Trước đây, gia đình anh Rơ Mah Déo (làng Sung, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ) thuộc diện đặc biệt khó khăn. Đầu năm 2021, nhờ sự hỗ trợ từ Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã, vợ chồng anh mua 1 cặp dê về nuôi. Nhờ chăm sóc tốt, đàn dê của gia đình anh tăng lên 7 con. Anh Déo cho hay: “Bên cạnh sự quan tâm của Hội LHPN xã, vợ chồng mình còn được Công ty 75 (Binh đoàn 15) tuyển vào làm công nhân. Cuối năm 2022, gia đình mình thoát cảnh nghèo khó”. Sau khi thoát nghèo, anh Déo quyết định hỗ trợ 1 con dê cho gia đình chị Rơ Lan Lê. Anh chia sẻ: “Của ít lòng nhiều, mình mong gia đình chị Lê sớm thoát nghèo. Mình cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi để giúp bà con trong làng phát triển kinh tế”.
Theo lời giới thiệu của ông Lê Cường-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ia Hrú (huyện Chư Pưh), chúng tôi tìm đến nhà ông Siu Lê (làng Kuái). Từng là hộ đặc biệt khó khăn, một thời gian, ông Lê nghe theo lời kẻ xấu xúi giục vượt biên sang Campuchia. Tuy nhiên, ông sớm nhận ra rằng, chẳng nơi nào bằng quê hương nên đã quay về chí thú làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, trên diện tích 2 ha, ông trồng mì, bắp, lúa nước. “Trước đây, 5 sào mì sau khi trừ chi phí thì lãi khoảng 15 triệu đồng. Khi tôi đưa giống mới vào sản xuất, năng suất cao gấp đôi, vì thế tiền lãi cũng tăng lên”-ông Lê cho hay.
Anh Siu Lê (bìa trái) cùng ông Lê Cường-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ia Blư bên chiếc máy cày làm đất của mình. Ảnh: Đinh Yến |
Không dừng lại ở đó, ông Lê bỏ ra 120 triệu đồng để mua máy cày vừa phục vụ sản xuất của gia đình, vừa hỗ trợ người dân trong làng. Ông bộc bạch: “Từ khi mua máy cày, sau khi làm xong công việc của gia đình, bà con trong làng cần, tôi đều giúp. Nhiều hộ thấy vậy hỗ trợ tôi tiền dầu, còn công làm tôi không lấy”.
Trong 3 năm qua, gia đình bà Siu Baih (làng Kuái) được ông Lê hỗ trợ cày đất trồng lúa. Chồng mất sớm, một mình bà Baih nuôi 2 con khuyết tật, cuộc sống rất khó khăn. Bà Baih kể: “Nhà mình có hơn 3 sào đất nhưng mới có 2 sào làm được lúa nước 2 vụ, còn 1 sào chỉ sản xuất được lúa vụ mùa vì thiếu nước. Nhờ có ông Siu Lê giúp san ủi nên mình đã có thể dẫn đủ nước vào 1 sào đất này để làm lúa 2 vụ. Thấy mẹ con mình hoàn cảnh nên ông làm giúp mà không lấy tiền. Bây giờ, mẹ con mình không còn thiếu gạo ăn như trước nữa mà còn có gạo để bán. Cuộc sống đỡ vất vả hơn trước nhiều rồi. Mình biết ơn ông Lê nhiều lắm”.
Ông Nguyễn Công Chung-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Chư Pưh-cho biết: Thành công lớn nhất là làm cho người dân thay đổi nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tự thân vươn lên; không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đặc biệt, các hộ nghèo không chỉ nỗ lực vươn lên còn quay lại tuyên truyền, hỗ trợ những hộ khó khăn hơn để cùng nhau thoát nghèo.
Trao đổi với P.V, ông Siu Trung-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh-thông tin: Thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai nhiều mô hình hay để hỗ trợ hộ nghèo.
Bên cạnh đó, các hội, đoàn thể cũng triển khai nhiều cách làm hiệu quả nhằm lan tỏa ý chí vươn lên thoát nghèo. Tiêu biểu như Hội Cựu chiến binh tỉnh với phong trào “2 xóa, 3 giúp, 3 mô hình”. Từ phong trào này, các cấp Hội đã giúp cho hơn 400 hội viên thoát nghèo bền vững. Các hội viên cựu chiến binh vươn lên thoát nghèo cũng quay lại hỗ trợ hơn 200 cây giống, con giống (heo, dê) và kỹ thuật cho người dân trong vùng.
Hội LHPN tỉnh thực hiện nhiều mô hình, câu lạc bộ hiệu quả, đặc biệt là câu lạc bộ “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5-10 triệu đồng”. Đến nay đã có hơn 5.000 thành viên tham gia câu lạc bộ với số tiền tiết kiệm được gần 17 tỷ đồng. Số tiền này dùng để giúp hội viên khó khăn hơn sửa chữa nhà ở, mua các vật dụng cần thiết trong gia đình, hỗ trợ mua bảo hiểm y tế... cho hội viên nghèo.
Cũng theo ông Siu Trung: “Sau khi thoát nghèo, một số hộ đã truyền đạt kinh nghiệm và hỗ trợ các hộ khác có thêm điều kiện vươn lên. Điều đó đã khẳng định chính sách giảm nghèo đã thực sự đi vào cuộc sống, lan tỏa mạnh mẽ ý chí thoát nghèo của người dân trong cộng đồng”.