TN - Đất & Người

Làng biên giới "ba không"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngôi làng mà chúng tôi đang nhắc đến là làng Ring-Làng thanh niên lập nghiệp thuộc xã biên giới Ia Mơr (huyện Chư Prông). Làng thành lập đến nay đã gần 8 năm, song 100 hộ dân nơi đây vẫn đang sống trong tình trạng “3 không”: không trường học, không trạm y tế và không nước sạch.

Từ TP. Pleiku, chúng tôi vượt chặng đường hơn 100 km mới tới được Làng thanh niên lập nghiệp biên giới Ia Mơr hay còn gọi là ngôi làng của những người trẻ. Họ quyết tâm cống hiến sức trẻ để xây dựng vùng biên ngày càng ổn định, phát triển. Và thực tế đã khẳng định, sau gần 8 năm gắn bó, họ đã và đang biến vùng đất hoang hóa, cằn cỗi thành một ngôi làng đầy sức sống. Dẫu vậy, những hộ dân nơi đây vẫn luôn phải đối diện với nhiều khó khăn lẫn bất cập.

 

Đường vào làng Ring. Ảnh: P.D
Đường vào làng Ring. Ảnh: P.D

Điện, đường, trường, trạm đều khó!

Đêm hôm trước, trời mới mưa to nên con đường từ Đồn Biên phòng Ia Lốp lên đến làng Ring toàn là vũng lầy và… “ao”! Ông Trần Xuân Việt-một người dân trong làng, cho biết: “Chúng tôi sống ở đây lâu nên cũng quen với cảnh đường sá này rồi nhưng chỉ tội cho các cháu nhỏ hàng ngày phải đến trường. Vì làng không có điểm trường nên các cháu học sinh từ mẫu giáo trở lên đều phải ra xã để học-cách làng khoảng 17 km hoặc sang học nhờ bên xã Ea Lốp (huyện Ea Sup, Đak Lak)-cách làng 13 km. Mỗi ngày nguyên chuyện đưa con đi-đón con về cũng gần 30 km thì còn thời gian đâu cho việc khác; hơn thế đường sá thế này chẳng biết làm sao để các cháu duy trì việc học…”. Cũng chính vì việc học khá gian nan, cộng với không có người đưa đón nên nhiều gia đình đành chọn giải pháp gửi con về quê nhờ ông bà nội, ngoại chăm sóc.

Mà đâu chỉ khó trong chuyện học, ngay cả đường sá, điện, trạm y tế, nước sạch của làng cũng khó đủ bề. Hiện nay, 100 hộ dân tại làng vẫn đang phải dùng nhờ hệ thống điện của tỉnh Đak Lak nên việc quản lý, vận hành đều do người dân tự khắc phục. Hơn thế, con đường-“hành lang sống” của làng lại rất lầy lội, dường như biệt lập vào mùa mưa khiến cho việc đi lại, giao thương của người dân gặp nhiều bất lợi. Đặc biệt, tuyến đường này không có xe khách qua lại nên mỗi khi người dân trong làng có việc gấp cần đi đâu xa hoặc có người ốm đau cũng chẳng tìm đâu ra phương tiện để đưa lên tuyến trên. Vì vậy, trước đây cũng có trường hợp phụ nữ sinh nở khó mà không kịp chuyển lên trạm y tế nên đã không giữ được cháu bé. Thậm chí, ngay cả chuyện mỗi khi trong làng có người ho, cảm cúm… cũng phải vượt chừng 20 km mới mong mua được viên thuốc, chai dầu gió... Và người dân trong làng đang rất trông mong, rằng thời gian tới sẽ được quan tâm, tạo điều kiện để các cháu nhỏ đảm bảo việc học mà không phải tản mác khắp nơi; rồi có y-bác sĩ về làng hoặc có tủ thuốc y tế…

 

Hội trường thôn cũng bỏ hoang. Ảnh: P.D
Hội trường thôn cũng bỏ hoang. Ảnh: P.D

Lãng phí nhiều công trình

Trong khi người dân đang phải sống trong tình trạng khó khăn đủ bề thì cũng ngay tại làng nhiều công trình xây dựng xong rồi bỏ hoang cho cỏ mọc. Đầu tiên là trạm y tế được xây dựng rất kiên cố, khang trang với 7 phòng dùng để làm việc, tiếp nhận, khám-chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho 100 hộ gia đình thanh niên tình nguyện lên đây lập nghiệp. Tuy nhiên, theo các hộ dân thì từ ngày xây dựng xong đến nay, trạm y tế này chưa một lần đưa vào sử dụng, có thời gian một vài hộ dân trưng dụng làm kho chứa nông sản. Phải rất cẩn thận, chúng tôi mới tận “mục sở thị” trạm y tế này, bởi xung quanh cỏ mọc um tùm, tiếp theo đó là rác thải bốc mùi nồng nặc. Bên trong trạm vẫn còn vài chiếc ghế ngồi chờ, chiếc giường và tủ thuốc nhưng tất cả đều đã gãy nát.

Chưa hết, đối diện với trạm y tế xã là hội trường của thôn cũng được xây dựng rất rộng rãi với sức chứa khoảng vài trăm người. Thế nhưng, cả năm mới có vài lần họp làng tại đây, còn lại cũng chẳng biết dùng vào việc gì. Vì vậy, hội trường cũng chỉ để cho cỏ mọc và chim làm tổ. Từ cửa chính đến những cánh cửa sổ đều bong hết bản lề, bể kính, la phông trần nhà rơi từng mảng; hệ thống dây diện lòng thòng, ổ điện, cầu dao để mở nhìn rất nguy hiểm; những chiếc quạt treo trên trần nhà là nơi để chim làm tổ… Cùng với đó là hệ thống nước sạch cũng được đầu tư xây dựng nhưng không đưa vào sử dụng. Cho nên đến nay, 162 nhân khẩu trong làng vẫn phải dùng chung nguồn nước từ 3 chiếc giếng khoan. Anh Phạm Văn Hiển-Trưởng thôn cho hay: Vào mùa khô nước từ 3 chiếc giếng này cũng không đủ phục vụ nhu cầu của người dân. Hơn nữa, một trong 3 chiếc giếng khoan nếu xảy ra trục trặc thì người dân lại phải sống trong cảnh thiếu nước.

Cũng theo Trưởng thôn Phạm Văn Hiển, đây vốn là làng đặc thù nên mong muốn các cấp chính quyền tạo điều kiện để người dân an tâm trong thời gian tới, như: làm đường cấp phối, người dân được vay thêm các nguồn vốn ưu đãi, được cấp bìa đỏ (100% hộ dân trong làng chưa được cấp bìa đỏ), có điểm trường, có thầy thuốc… để bà con gắn bó, xây dựng biên giới ngày càng giàu đẹp.

Phương Dung

Có thể bạn quan tâm