(GLO)- Hơn 10 năm trước, trong bữa cơm chiều đạm bạc, tôi mới biết anh Võ Văn Võ-Chủ tịch Hội Nông dân xã An Trung (huyện Kông Chro) là người cùng quê. Cũng hôm ấy, tôi nhận lời mời về chơi nhà anh.
Đêm chưa sâu neo vào mảnh trăng thượng tuần mùa hạ ánh sáng bàng bạc. Xe máy cặp đôi, chúng tôi vượt đường Trường Sơn Đông chừng hơn 12 km qua nhiều đoạn vắng, quãng thưa bóng nhà thì đến trung tâm xã An Trung. Rẽ ngoặt trên con đường đất hẹp lởm chởm đá dăm, hai bên có những ngôi nhà sàn vách ván cái to, cái bé khoảng cách không đều, được giới thiệu làng Brọt của người Bahnar. Cuối đường, con sông Ba vắt ngang. Chúng tôi lọ dọ dắt xe cho vào “nhà xe” riêng của anh Võ, diện tích chừng 4 m2, nấp dưới lùm cây um tùm.
Theo dáng anh Võ, tôi dò từng bước trên lối mòn dốc hẹp, cây cỏ che phủ, chênh vênh đá cuội, đá tảng dẫn xuống mép sông. Đưa chúng tôi qua sông có chiếc đò con cũng của riêng anh Võ, được xích vào gốc cây bên mép nước. “Nhà em ở bên kia sông, thuộc làng Biên. Làm việc bên này sông, chỉ có cách sắm, cất giữ phương tiện như vậy làm kế sách lâu dài”-anh Võ tâm sự. Sang bờ, cùng nhau cuốc bộ trên con đường đất rộng, chừng hơn 1 km thì đến nhà. Đêm ấy, đón khách bên nồi cháo gà thơm nức có thêm mấy anh hàng xóm, cũng là người cùng quê. Cạn ly rượu gạo đêm dần sâu, câu chuyện thăm hỏi thân thương, gần gũi tự bao giờ.
Một góc làng Biên. Ảnh: Nguyễn Đình |
Ám ảnh cảnh tượng qua khúc sông hẹp vào mùa khô lô nhô đá tảng hòn bé, hòn lớn chìm nổi giữa dòng; hình dung con nước dềnh, dòng cuộn xiết, lòng sông rộng vào mùa mưa lũ; ám gợi mùi cháo gà sực nức, đưa cay ly rượu gạo thương hiệu Bàu Đá cay nồng, cùng giọng quê mộc mạc chân tình…, tôi vừa có chuyến tìm về làng Biên. Vẫn là anh Võ đón tôi qua sông trên con đò nhỏ của riêng gia đình. Con đường đất rộng dọc làng Biên đã được thảm bê tông. Hai bên đường thấp thoáng những ngôi nhà xây, nhà sàn vách ván nấp dưới tán xoài rợp bóng. Rẽ theo lối mòn xương cá, xa xa, từng cụm chừng vài mươi nóc nhà xây, nhà vách ván là các điểm dân cư làng Biên.
Làng Biên bây giờ có 125 hộ. Tỷ lệ hộ người Kinh và Bahnar tương đối đồng đều, cả tính theo nhân khẩu. Tại làng có điểm trường tiểu học, mỗi khối 1 lớp. Lên bậc THCS, con em làng Biên theo học tại Trường THCS Kpă Klơng ở trung tâm xã An Trung hoặc Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Kông Chro; sau đó thì vào Trường THPT Hà Huy Tập ở trung tâm huyện.
Đất rộng, người thưa, địa hình thoải dốc, mưa ít, nắng nhiều; cây mía, cây mì vẫn là thu nhập chính của người dân. Thời gian gần đây, những thửa đất gần nguồn nước được dùng trồng cỏ, cùng nguồn nông sản phụ từ cây mía, bắp, cây họ đậu dồi dào, nhiều hộ người Kinh phát triển chăn nuôi bò theo hướng khép kín (bò mẹ sinh bê, nuôi lấy thịt, xuất chuồng) với quy mô chừng vài mươi con đến 100 con. Bà con Bahnar thiếu vốn nhận nuôi bò rẽ.
Vào mùa khô cạn, người dân làng Biên lội ngầm qua sông hoặc dùng phương tiện tự sắm là con đò nhỏ đến với trung tâm xã, đường dài hơn 3 km. Mùa mưa thì ngược về xã Kông Yang đến thị trấn Kông Chro, rồi vòng về theo đường Trường Sơn Đông qua xã Yang Trung mới về đến trung tâm xã, quãng đường đến 30 km. Vì không có cây cầu, vào mùa mưa, hàng tiêu dùng thiết yếu ở làng Biên đội giá. Theo đó, hàng nông sản thu mua từ làng Biên bị giảm giá, vì bù vào chi phí xăng xe đường vòng.
Duy có điều tôi dám khẳng định, không phải vì không có cây cầu, giao lưu hạn chế mà cái tình quê bị lạc bước giữa rừng.
NGUYỄN ĐÌNH