Giáo dục

Chuyện trường, chuyện lớp

“Làng giáo viên” ở Ia Dêr

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Bối cảnh là những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. Bấy giờ, đời sống của cánh nhà giáo nói chung cũng như các giáo viên ở huyện Chư Păh (cũ) nói riêng còn rất khó khăn. Tiền lương không đủ chi tiêu trong tháng, những ai đã lập gia đình lại càng khó khăn hơn.

Ngày ấy, không có chuyện dạy thêm như bây giờ. Ngay cả những giáo viên công tác ở nhiều vùng có điều kiện kinh tế nhỉnh hơn như thị xã Pleiku và các thị trấn lớn như: An Khê, Ayun Pa… cũng vậy. Phần lớn sau giờ dạy đều tranh thủ thời gian để tăng gia: vườn rộng thì chăn nuôi, trồng rau, người nào có nghề tay trái thì chụp ảnh dạo, đóng sách, dán bao bì… để mong đắp đổi thêm cho cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Thời gian này cũng đã có một số người không chịu nổi nên đành phải bỏ về làm việc khác.

Bấy giờ, so với các trường ở những xã vùng sâu, vùng xa của huyện Chư Păh như Ia O, Ia Chía… thì xã Ia Dêr thuận lợi hơn nhiều. Điều đầu tiên là Ia Dêr nằm sát thị xã Pleiku, anh chị nào có nhà ở phố thì việc di chuyển hàng ngày rất dễ dàng, không phải xa nhà hàng tháng trời như các xã kể trên. Đã vậy, đồng bào Jrai ở Ia Dêr đã định cư từ lâu, các làng đều ở tập trung, quy hoạch khu dân cư bài bản và con em ở đây rất hiếu học, thuận lợi cho công tác của nhà trường. Đặc biệt, lãnh đạo xã rất quan tâm đến đội ngũ giáo viên, thường xuyên thăm hỏi, động viên, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thầy cô yên tâm công tác.

Khoảng năm 1985-1986, sau thời gian thăm dò ý kiến của các vị lãnh đạo xã, trưởng thôn cùng bà con dân làng, đồng thời qua tìm hiểu nguyện vọng của giáo viên, Ban Giám hiệu nhà trường làm tờ trình xin UBND xã cấp đất cho giáo viên làm nhà ở và tổ chức tăng gia sản xuất. Đó là khu vực đồi trọc rất rộng đang bỏ hoang gần vùng ruộng nước nằm sau làng Jut, khá thuận lợi về giao thông. Mỗi giáo viên được cấp 2,5 sào đất, mặt tiền dài 25 m, chiều sâu 100 m.

Sau khi được nhận trích lục đất (lúc này chưa có sổ đỏ) do UBND huyện Chư Păh cấp, các giáo viên tiến hành rào giậu phần đất vườn của mình. Tôi còn nhớ từ phía Đông sang Tây chạy dọc một bên đường từ hướng Pleiku lên là phần đất của các anh: Phan Phước Hưng, Võ Hồng Sanh, Lê Đình Ban, Nguyễn Văn Soi, Đặng Quang Vinh, Hồng Thị Đào, Nay Bip; hàng phía sau là Trần Xuân, Võ Minh Hoàng…

Vậy là một “ngôi làng” giáo viên đã hiển hiện. Các bạn thử tưởng tượng cả một quả đồi trọc rộng, trước kia mọc lưa thưa cỏ lông heo giờ đã trở thành khu dân cư xinh xắn với màu xanh non của vườn cây cà phê, trước nhà là giàn bầu, bí lúc lỉu quả… Anh Nguyễn Văn Soi làm một ngôi nhà ván lợp tôn, tuy nhỏ nhưng vẫn có đủ phòng khách, phòng ngủ và bếp. Anh Đặng Quang Vinh mua luôn phần đất của một giáo viên bên cạnh nên vườn rộng đến 5 sào. Anh làm nhà khá quy mô: mái lợp ngói, vách là những tấm ri sắt kết lại. Do đất gần ruộng nên giếng ở đây không sâu, đào xuống chỉ chưa tới 8 m đã có nước. Anh Vinh đào đến 2 giếng cho thông với nhau để tích được nhiều nước và đặt 1 máy bơm lớn, vậy mà chỉ bơm tưới chừng một phần vườn cà phê đã phải ngưng chờ mạch ra nước lại mới bơm tiếp.

Tôi chuyển từ thị trấn huyện xuống Ia Dêr đầu năm học 1988-1989, sau khi xã đã cấp đất nên phải mua lại lô đất của cô giáo Hồng Thị Đào với giá 2 chỉ vàng. Tôi thuê người tháo bớt 1 gian của ngôi nhà cũ bằng gỗ trên thị trấn chở xuống dựng lại trên đất vườn, chỉ mua thêm 4 cây cột lớn và dài để làm nhà gác lửng. Và tất nhiên cũng thuê người đào giếng lấy nước uống và tưới cây. Vườn của tôi năm đó trồng đến 313 trụ hồ tiêu, 400 cây cà phê và hàng chè dọc theo lối cổng vào. Phía trước hiên nhà là giàn bầu bí. Vậy là, cứ đến đợt tưới, chiều chiều lại người quay nước, người gánh tưới cho vườn cà phê. Sát vườn tôi là vườn của anh Nay Bip. Tuy nhà chính của anh ở trong làng Jut nhưng anh cũng làm 1 lán rộng lợp tôn để trú mưa nắng và chứa phân bón, dụng cụ lao động.

Sau giờ dạy và nhất là ngày chủ nhật hàng tuần, một không khí lao động vui say luôn diễn ra. Từ vườn của anh Hưng, anh Vinh… lên đến vườn anh Nay Bip, vẫn thấy thấp thoáng bóng người lúi húi dưới gốc cây, thi thoảng gọi nhau nghỉ giải lao uống nước. Còn nhớ năm ấy, cà phê chưa phải là cây chủ lực của tỉnh vì mãi đến những năm 90 mới là thời hoàng kim của loài cây này nhưng trên “làng giáo viên” cà phê đã kín vườn.

Cây cà phê đòi hỏi phải đầu tư công sức, tiền của: nước, phân bón và kỹ thuật chăm sóc trong thời kỳ kiến thiết. Thế nhưng, đối với các giáo viên Ia Dêr ngày ấy, đồng lương chưa đủ đắp đổi cuộc sống thì lấy đâu tiền mua phân bón, thuê người làm công, đã vậy lại không rành các công đoạn cắt tỉa, bấm cành, không đủ lượng nước tưới cho cây… nên vườn cà phê chậm phát triển và cho thu hoạch thấp. Riêng tôi, năm 1989, tôi chuyển nhà ra thị xã Pleiku rồi 2 năm sau chuyển ngành làm báo nên không có thời gian lên xuống chăm nom vườn cũ, anh Đặng Quang Vinh cũng được điều qua huyện Chư Păh mới vào năm 1997… cùng nhiều nguyên nhân khác nên “làng giáo viên” dần trôi vào lãng quên. Vậy nhưng, chúng tôi không bao giờ quên những ngày tháng lao động miệt mài trên mảnh vườn thấm đẫm mồ hôi mà tràn đầy niềm vui của “làng giáo viên” Ia Dêr năm ấy.

Có thể bạn quan tâm