(GLO)- Thời gian qua, hệ thống chính trị ở làng Groi (xã Kông Bờ La, huyện Kbang) đã luôn phát huy tốt vai trò trách nhiệm trong công tác xóa đói giảm nghèo, tạo nên khối đại đoàn kết vững mạnh để dân làng xây dựng cuộc sống mới.
Cổng vào làng Groi. Ảnh: Hồng Hạnh |
Làng Groi nằm ở phía Bắc của xã Kông Bờ La, huyện Kbang. Làng có 93 hộ, với trên 450 khẩu, 99% dân số trong làng là người dân tộc Bahnar. Là người đã có nhiều năm gắn bó, chứng kiến sự đi lên của làng trong quá trình phát triển, ông Đinh Thể-Bí thư Chi bộ, Trưởng làng Groi cho hay: So với trước đây, cuộc sống của bà con đã có sự thay đổi lớn, không còn đói nữa; đường giao thông đi lại, nhà ở, trường học có đầy đủ. Thời gian qua, những người trong Ban lãnh đạo làng như ông đã coi đồng bào là người thân của mình để gắn bó, chia sẻ, giúp đỡ và làm cho bà con hiểu mục đích của xóa đói, giảm nghèo mà vươn lên; cùng với đó, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đều được phổ biến kịp thời đến bà con.
“Công văn của tỉnh, huyện, xã đưa xuống thực hiện những chương trình về giúp đỡ cho hộ gia đình nghèo thì phải vận động bà con thực hiện và áp dụng; nuôi bò, heo, dê phải biết cách phòng bệnh mới mang lại thu nhập. Trồng cây mía thì vận động bà con phải chuyển đổi sang giống mới năng suất cao”-ông Thể cho hay.
Nhờ nắm bắt đựơc chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, nên nhiều hộ trong làng đã mạnh dạn vay vốn đầu tư sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng, như: ông Đinh Bút, Đinh Chánh, Đinh Och, Đinh Gruôl… Trong làng hiện có gần 170 ha đất trồng mía, hơn 30 ha đất trồng lúa ruộng, 7 ha đất trồng rừng và nhiều diện tích trồng bắp, mì… Đàn bò có 250 con, đàn trâu hơn 40 con, đàn heo 120 con và 560 con gia cầm. Trong làng có 3 điểm bán tạp hoá, có 3 xe tải vận chuyển mía, 1 máy phun lúa, 5 máy cày nhỏ, 1 máy xay sát, 10 máy phây ruộng. Làng đựơc địa phương chọn thực hiện mô hình cánh đồng lớn về trồng mía của xã. Gần 97% hộ có nhà ở kiên cố và bán kiên cố, 100% hộ sử dụng điện thắp sáng.
Con em ở làng đều được đến trường ở tất cả các bậc mầm non, tiểu học, THCS, THPT, có 7 cháu đang theo học đại học. Nhân dân trong làng đã biết tiếp cận các dịch vụ y tế; trẻ nhỏ, phụ nữ có thai đi tiêm chủng, khám định kỳ, ai bị ốm đau thì đến các cơ sở y tế để khám, điều trị. Đời sống văn hóa được nâng cao, làng có 1 nhà rông để tổ chức lễ hội, 1 nhà văn hóa để sinh hoạt cộng đồng, có đội cồng chiêng, đội bóng chuyền, bóng đá nam-nữ.
Anh Đinh Broi-Bí thư Chi đoàn làng Groi chia sẻ: Làng đã thành lập được mô hình nói không với nạn tảo hôn, có 36 thành viên tham gia. Thanh niên trong làng giờ đã xác định đựơc trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội; mạnh dạn, tích cực tham gia các hoạt động Đoàn, phong trào của làng, xã: “Lồng ghép các hoạt động họp, sinh hoạt, tuyên truyền cho đoàn viên thanh niên tham gia phát triển kinh tế, không tham gia các tệ nạn xã hội, tích cực tham gia các hoạt động của làng, thực hiện phong trào thanh niên sản xuất kinh tế giỏi và nhân rộng điển hình cho anh em đòan viên tham gia”. Anh Đinh Líp-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Groi cũng cho biết: “Thay đổi nếp nghĩ là làm sao bà con ba con ma chay phải giảm thời gian, không được thịt trâu, bò vì ảnh hưởng đến kinh tế. Thứ 2 là đám cưới xu hướng cần giống người Kinh, giảm bớt những phong tục làm ảnh hưởng đến kinh tế của các gia đình trong làng”.
Làng Groi, xã Kông Bờ La, huyện Kbang đã đựơc công nhận là Làng văn hóa từ năm 1999. Năm 2016, làng có thu nhập bình quân đầu người đứng thứ hai so với 6 làng Bahnar trên địa bàn, năm 2017 là 14,7 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo của làng hiện còn 28 hộ, giảm 12 hộ so với năm ngoái. Chính nhờ sự tâm huyết, trách nhiệm của những người như ông Đinh Thể, anh Đinh Broi, anh Đinh Líp đã góp phần cùng Đảng, Nhà nước chăm lo đời sống cho đồng bào-đúng như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhân dân làng Groi xã Kông Bờ La ngày đạt nhiều kết quả trong công tác xóa đói, giảm nghèo. Từ đó, bà con có cuộc sống mới tươi đẹp hơn, tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Hồng Hạnh