Du lịch

Làng Jrai bên miệng núi lửa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Cao nguyên Pleiku có hơn 30 miệng núi lửa đã được biết đến. Và thật thú vị khi chúng ta biết rằng tất cả những miệng núi lửa này đều có các làng Jrai ở cận kề và khai thác từ lâu.



Trước khi Pleiku được định danh để chỉ một cao nguyên, một đại lý hành chính, rồi một thành phố, một tỉnh..., nơi đây đã được nhắc đến trong các ghi chép của người Pháp (cách nay trên dưới một thế kỷ) bằng cái tên cao nguyên Jrai. Cùng với các cao nguyên nay thuộc vùng Tây Nguyên như cao nguyên Ê Đê, cao nguyên Mơ Nông..., cái tên cao nguyên Jrai nói với chúng ta rằng, chủ nhân lâu đời nhất, tập trung nhất, hiện còn được biết đến trên cao nguyên Pleiku là người Jrai.

Vùng đất của núi lửa

Với diện tích 4.550 km2, Pleiku là cao nguyên rộng lớn thứ 2 của Tây Nguyên (sau cao nguyên Buôn Ma Thuột), kéo dài từ Nam thị xã Kon Tum xuống đến khối Chư Bah và từ đèo Mang Yang sang tận biên giới Việt Nam-Campuchia, bao gồm toàn bộ TP. Pleiku và các huyện phụ cận. Cao nguyên Pleiku có hình vòm, đỉnh ở Chư Hdrông (núi Hàm Rồng) với độ cao 1.028 m.

Nhắc đến Pleiku, những người yêu thành phố thơ mộng này nói riêng, cao nguyên rộng lớn này nói chung sẽ nghĩ ngay đến những danh thắng tuyệt vời, trong đó có những miệng núi lửa cổ dương như: Hàm Rồng, Chư Đang Ya, núi Đá (đồi 37 pháo binh).... và những miệng núi lửa cổ âm như: Biển Hồ, hồ Trà Đa, hồ Ia Băng... ẩn chứa bao điều huyền bí.

 Biểu diễn cồng chiêng tại núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Pah). Ảnh: NGUYỄN LINH VINH QUỐC
Biểu diễn cồng chiêng tại núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Pah). Ảnh: NGUYỄN LINH VINH QUỐC



Cùng với những địa hình núi lửa cổ âm, dương, những dạng địa hình mà người Jrai gọi là dơnao, dơnung (thung lũng)-là những chỗ trũng hẳn xuống so với xung quanh, sâu và rộng, có nước quanh năm, mùa mưa nước sâu hơn mùa khô; hoặc vùng đất thấp, kẹp giữa các dãy núi, đồi... cũng được các nhà địa chất khẳng định là những miệng núi lửa. Theo các tác giả đề tài Nghiên cứu tiền khả thi công viên địa chất tỉnh Gia Lai (năm 2018), hơn 30 di tích địa chất miệng núi lửa cổ đã được khảo sát trên cao nguyên Pleiku đều thuộc hệ tầng Xuân Lộc và hệ tầng Túc Trưng.

Cư dân Jrai “chiếm lĩnh”

Là bộ phận dân cư có mặt trên cao nguyên Pleiku muộn nhất là từ hậu kỳ Đá mới-sơ kỳ Kim khí (cách ngày nay 4.000-3.500 năm), trước khi cây công nghiệp được trồng phổ biến ở Tây Nguyên thì nền kinh tế truyền thống của đồng bào Jrai nơi đây vẫn là làm nương rẫy bằng phương thức phát, đốt, chọc, trỉa; năng suất cây trồng hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên. Trong hoàn cảnh ấy, việc tìm đến và khai thác những di tích núi lửa đã tắt cách đây hàng trăm triệu năm, được nham thạch để trên đó một vùng đất bazan đỏ au, màu mỡ; đảm bảo nguồn nước cho cả con người và cây trồng... là sự lựa chọn vô cùng hợp lý.

Trên thực tế, dơnao Hlâm/Ia Lâm (trong tiếng Jrai có nghĩa là chỗ bị sập) là một vùng đất trũng, nằm ở góc phía Tây làng Ốp, phía Bắc đường Tô Vĩnh Diện (thuộc phường Hoa Lư) và dơnao Hơnơng hay Ia Nông kề bên, khá sâu, rộng, ở phía Bắc đường Tô Vĩnh Diện, nơi có nhà hàng Thiên Thanh 1 nổi tiếng ở góc Tây Nam... là những thung lũng đã được cư dân làng Ốp, Pleiku Roh và các làng trong khu vực nội thị Pleiku canh tác từ lâu đời. Trước năm 1946, mặc dù còn ở gần khu vực nhà thờ Hoa Lư nhưng cư dân làng Ốp vẫn sang khu vực định cư của làng hiện nay ở Ia Lâm để trồng cấy. Từ năm 1946, sau khi tái chiếm Gia Lai, thực dân Pháp lùa hết các làng Jrai nội thị ra vùng ven thì dân làng sang ở hẳn bên này.

Ngược lên phía Bắc, các làng Sơr, Đa, Phung, Brel... cũng đã tồn tại từ lâu đời xung quanh Biển Hồ (có diện tích mặt nước 240 ha). Xa hơn về phía Bắc, nằm trên địa bàn huyện Chư Pah, núi lửa Chư Đang Ya cũng có 3 làng Jrai bao quanh. Phía Đông là làng Kó, phía Bắc là làng Xóa, phía Tây và Nam được bao bọc bởi làng Ia Ri.

Trên khắp cao nguyên Pleiku, ta có thể thấy những dơnao kề cận bên một hoặc nhiều làng Jrai. Dạng thung lũng-làng ấy từ lâu đã gắn kết thành một khối, tạo nên các tên gọi như muốn chỉ rõ, cái này là một phần của cái kia, điển hình như: thung lũng lòng chảo Plei Nhao (xã Ia Kênh), Ia Rơnao (làng Pleiku Roh), Ia Gui (làng Kép), thung lũng lòng chảo và núi Trà Hỏa (TP. Pleiku); thung lũng lòng chảo làng Kép, làng Phung (xã Ia Mơ Nông), thung lũng tích tụ lòng chảo Mrông Ngó, làng Yang (xã Ia Ka), thung lũng lòng chảo xã Ia Phí, thung lũng lòng chảo tích tụ làng Grut (xã Ia Khươl, huyện Chư Pah); bề mặt san bằng và thung lũng tích tụ Đak Sơ Mei, thung lũng tích tụ Broch (xã A Dơk), cánh đồng Ia Khôn (thôn 7, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa)...

Mối quyện hòa con người-thiên nhiên

Trên những miệng núi lửa màu mỡ, có nguồn nước ổn định, nền kinh tế trồng trọt đã sớm được người Jrai trên cao nguyên Pleiku quan tâm. Trao truyền qua nhiều thế hệ, đồng bào Jrai các làng trong TP. Pleiku và các thị trấn, thị tứ không chỉ trồng các loại cây, rau để phục vụ cuộc sống tự cấp tự túc, mà nhiều sản phẩm trồng trọt từ những đám ruộng trong các thung lũng này như: rau cải, bắp sú, cà rốt, đậu đỗ các loại... ngày càng hướng đến mục tiêu là hàng hóa, có mặt ở hầu khắp các chợ trong thành phố như: Trung tâm Thương mại Pleiku, các chợ: Hoa Lư, Bà Định, Thắng Lợi...

Bên cạnh trồng trọt, nền kinh tế hái lượm truyền thống như bắt thủy sản, bẫy chuột đồng, săn những con thú nhỏ, hái rau rừng, măng rừng... chắc chắn cũng đã được đồng bào Jrai ở các làng sinh sống bên các miệng núi lửa cổ âm, dương này tiến hành từ lâu. Những sản vật thu được không chỉ đáp ứng nhu cầu cuộc sống của bà con, mà còn trở thành một phần trong các loại hàng hóa vô cùng phong phú, đa dạng, hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của các bà nội trợ và du khách. Hình ảnh các bà, các cô gái Jrai gùi hàng từ làng ra phố, chân thong thả bước bên đường, miệng gùi là xâu xà lách, bó hoa bí..., tay ôm chậu cá, ốc, cua... không chỉ là một phần của cuộc mưu sinh, mà còn tạo nên nét văn hóa riêng, làm cho Phố núi Pleiku thêm phần thơ mộng.      

Các dấu tích núi lửa cổ xưa với những núi, hồ vừa hùng vĩ vừa bí ẩn, những dơnao hiền hòa... không chỉ mang lại cho bộ phận cư dân Jrai trên cao nguyên Pleiku một đời sống vật chất phong phú, đa dạng mà còn là nguồn cảm hứng cho những câu truyện cổ Jrai giải thích về nguồn gốc của các địa danh nổi tiếng như Biển Hồ, Chư Đang Ya, Chư Hdrông... Đó còn là mạch nguồn để các làn điệu dân ca Jrai tuôn chảy, da diết hòa vào tiếng đàn gong; là chất liệu làm nên những vòng xoang bốc lửa giữa tiếng chiêng ngắn dài, vang xa, dưới những mái nhà rông vút cao hay trong những khu nhà mồ huyền ảo, ma mị, thấp thoáng bóng tượng, bóng người.

Cứ thế, cảnh sắc, con người và văn hóa của cao nguyên Pleiku hòa quyện, đan xen, làm cho đời sống vật chất, tinh thần của người Jrai trên những miệng núi lửa cổ nói riêng, cư dân Pleiku-Gia Lai nói chung ngày càng khởi sắc, góp thêm tiếng mời gọi tha thiết, tạo sức hút riêng cho du lịch trên vùng cao nguyên này.  

 TS. NGUYỄN THỊ KIM VÂN

Có thể bạn quan tâm