Điểm đến Gia Lai

Làng Kồ nay đã khác xưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm và biết sử dụng vốn vay hiệu quả, nhiều hộ dân ở làng Kồ (xã Trang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã từng bước vươn lên thoát nghèo và có thu nhập ổn định.
Trò chuyện với chúng tôi tại nhà riêng, ông Thưp tâm sự: “Ngày mới lập gia đình ra ở riêng, tôi thuộc diện hộ nghèo nhất xã. Bố mẹ chỉ để lại 2 sào lúa nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Vợ chồng hàng ngày đi làm thuê, đổi công cho người dân trong vùng để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, vì thiếu vốn, thiếu kiến thức và kinh nghiệm sản xuất nên cái nghèo cứ đeo bám mãi. Căn nhà cũng chắp vá, tạm bợ mà không thể sửa sang”.
Nhờ sử dụng nguồn vốn tín dụng hiệu quả, gia đình ông Thưp (làng Kồ, xã Trang, huyện Đak Đoa) đã thoát nghèo. Ảnh: R'Ô Hok
Nhờ sử dụng nguồn vốn tín dụng hiệu quả, gia đình ông Thưp (làng Kồ, xã Trang, huyện Đak Đoa) đã thoát nghèo. Ảnh: R'Ô Hok
Mọi việc bắt đầu thay đổi vào năm 1995 khi ông được tạo điều kiện vay 5 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để mua 2 cặp bò sinh sản về nuôi. Được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật, cùng với sự cần cù, chịu khó của gia đình nên đàn bò phát triển tốt.
10 năm sau, đàn bò của ông tăng lên 26 con. Ông quyết định bán 23 con bò và gom số tiền dành dụm nhiều năm để xây ngôi nhà vững chãi. Đồng thời, ông mua 1 ha đất sản xuất và giữ lại 3 con bò sinh sản để nuôi tiếp.
Nhận thấy địa phương có lợi thế đất đồi để chăn thả gia súc, cùng năm đó, ông vay thêm 10 triệu đồng đầu tư xây dựng chuồng trại mở rộng chăn nuôi. Bản thân ông cũng chịu khó tham gia các lớp tập huấn để nắm bắt kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi.
Đến nay, gia đình ông đã sở hữu 5 ha cà phê, 5 sào lúa, 2 cặp bò sinh sản và đàn heo 5-10 con. Mỗi năm, gia đình tích lũy hơn 100 triệu đồng. Cuộc sống ổn định, ông có điều kiện cho 2 con ăn học đến nơi đến chốn và hiện là giáo viên ở huyện Mang Yang. 
Nhờ làm kinh tế giỏi, ông Thưp được dân làng tín nhiệm bầu làm Phó Trưởng thôn. Ông cho biết: Trước đây, hầu hết bà con trong làng đều khó khăn, nhiều hộ thuộc diện nghèo. Những năm gần đây, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, bà con có cuộc sống khá hơn. Bộ mặt thôn làng ngày càng đổi thay, khang trang, sạch đẹp hơn. Hiện tại, 80% số hộ trong làng đều được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. 20 hộ có thu nhập 100-200 triệu đồng/năm.
Ngoài sản xuất nông nghiệp, anh Thân còn mở quán cà phê, xây sân cỏ nhân tạo để bà con trong làng tập luyện. Ảnh: R'Ô Hok
Ngoài sản xuất nông nghiệp, anh Thân còn mở quán cà phê, làm sân bóng chuyền để người dân trong làng tập luyện. Ảnh: R'Ô Hok
Tương tự, gia đình anh Thân cũng vươn lên thoát nghèo nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Anh cho biết: Tận dụng nguồn vốn vay sản xuất kinh doanh của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, anh mở cửa hàng buôn bán nhỏ và làm sân bóng chuyền phục vụ việc tập luyện cho bà con trong làng. Từ hơn 1,3 ha cà phê, 4 sào lúa và việc kinh doanh giúp anh mỗi năm thu về 100 triệu đồng.
“Mình thấy trong làng ít có người kinh doanh buôn bán nên vay 40 triệu đồng để mở cửa hàng buôn bán nhỏ. Nhờ vậy mà bây giờ cuộc sống gia đình mình được cải thiện đáng kể”-anh Thân nói.
Trao đổi với P.V, ông En-Chủ tịch UBND xã Trang-thông tin: “Để giúp người dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu, thời gian tới, xã sẽ tiếp tục vận động bà con áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng hợp lý; đồng thời, tiếp tục hỗ trợ vay vốn để người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập”.
R'Ô HOK

Có thể bạn quan tâm