Điểm đến Gia Lai

Làng Lợk chuyển mình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới (NTM) trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, làng Lợk (xã Nghĩa An, huyện Kbang) đã tích cực vào cuộc với nhiều cách làm hiệu quả, thiết thực. Nhờ đó, đến tháng 5-2021, ngôi làng này được công nhận đạt chuẩn NTM.

Huy động sức dân xây dựng NTM

Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đinh Thị Nên cho hay: Làng hiện có 189 hộ với 712 khẩu, hơn 90% là người Bahnar. Làng Lợk được quy hoạch bài bản với 3 tuyến đường chính, 12 đường nhánh. Xác định xây dựng làng NTM là nhiệm vụ quan trọng, làng đã họp dân và đưa nội dung phấn đấu xây dựng làng đạt chuẩn NTM vào nghị quyết của Chi bộ.

Để bà con nắm bắt chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng NTM, các hội, đoàn thể tăng cường tuyên truyền, vận động theo phương châm “Mưa dầm thấm lâu” từ đó nâng cao nhận thức người dân trong việc tham gia và thực hiện các tiêu chí làng NTM.

Huy động nguồn lực từ người dân, làng Lợk (xã Nghĩa An, huyện Kbang) xây dựng tường rào, nhà rông khang trang. Ảnh: Ngọc Minh

Huy động nguồn lực từ người dân, làng Lợk (xã Nghĩa An, huyện Kbang) xây dựng tường rào, nhà rông khang trang. Ảnh: Ngọc Minh

Từ năm 2018 đến nay, người dân đóng góp 1,2 tỷ đồng và 250 ngày công để xây dựng NTM. Bên cạnh đó, bà con tự nguyện tháo dỡ hơn 2.000 m hàng rào để mở rộng các tuyến đường làng; sửa chữa, làm mới 5 tuyến đường nội đồng, ngõ xóm dài 1.444 m. “Ngoài ra, bà con còn đóng góp kinh phí mua sắm cồng chiêng, làm nhà rông, lắp điện chiếu sáng; tích cực làm hàng rào, cổng ngõ, bảo vệ vệ sinh môi trường khu dân cư”-bà Nên cho biết.

Nhằm giúp người dân phát triển kinh tế, xây dựng khu dân cư sáng-xanh-sạch-đẹp, các ban, ngành, hội, đoàn thể xã hướng dẫn các hộ dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nhiều hộ nhờ đó có nguồn thu nhập cao từ chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng chanh dây, mắc ca... Các hộ dân đã biết tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, thời gian nhàn rỗi phát triển chăn nuôi, cải tạo vườn tạp để trồng rau, trồng cây ăn quả. “Hiện làng chỉ còn 32 hộ nghèo, giảm 48 hộ so với cuối năm 2017”-bà Nên phấn khởi nói.

Trước đây, gia đình anh Đinh Nhi thuộc diện hộ nghèo. Nhờ kết hợp trồng trọt với chăn nuôi, đến nay, gia đình anh đã thoát nghèo. Hiện gia đình có hơn 1 ha mía, 6 sào cà phê, gần 1 ha keo, 1 sào lúa, chăn nuôi 10 con bò. Đầu năm 2022, vợ chồng anh mở quán tạp hóa bán nhu yếu phẩm cho bà con trong làng. Gia đình anh thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. Anh chia sẻ: “Song song với phát triển kinh tế, tôi tích cực đóng góp kinh phí, ngày công, di dời hàng rào, hiến đất để mở rộng đường giao thông nông thôn. Gia đình tham gia trồng cây xanh, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, góp phần tạo cảnh quan môi trường khu dân cư xanh-sạch-đẹp”.

Diện mạo nông thôn thay đổi

Bà Đinh Thị Hren bày tỏ: “Từ năm 2018 đến nay, làng Lợk không ngừng thay đổi, đời sống người dân cải thiện từng ngày. Bà con thực hiện nếp sống văn minh, vun đắp tình làng nghĩa xóm, các giá trị văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy. Đội cồng chiêng của làng thường xuyên tham gia các sự kiện văn hóa, lễ hội do xã, huyện tổ chức; chị em phấn khởi duy trì nghề dệt truyền thống”.

Hầu hết đường giao thông của làng Lợk đã được bê tông hóa. Ảnh: N.M

Hầu hết đường giao thông của làng Lợk đã được bê tông hóa. Ảnh: N.M

Ông Nguyễn Văn Thảo-Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa An-cho biết: Ngày 22-6 vừa qua, Nhân dân và cán bộ làng Lợk vui mừng phấn khởi đón nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có thành tích xây dựng NTM trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2018 đến năm 2022. “Đây là niềm tự hào và là động lực để xã tiếp tục củng cố các tiêu chí làng NTM theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025; phát huy vai trò của các hộ gia đình tiêu biểu trong phong trào thi đua xây dựng NTM. Đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn đi đầu làm gương trong xây dựng NTM. Hàng năm, xã rà soát đánh giá từng tiêu chí, tập trung nguồn lực hỗ trợ cho làng sửa chữa, lắp thêm bóng điện chiếu sáng và lắp hệ thống camera; cải tạo hàng rào, cổng ngõ, con đường hoa, trồng cây xanh. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức đào tạo nghề, chuyển đổi nghề; khuyến khích người dân vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi, góp phần nâng cao thu nhập”-ông Thảo thông tin.

Có thể bạn quan tâm