(GLO)- Không chỉ là hàng hóa có giá trị sử dụng, sản phẩm từ nghề truyền thống còn mang đậm dấu ấn văn hóa của cư dân bản địa. Việc hỗ trợ làng nghề không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển, đa dạng ngành nghề ở nông thôn hiện nay mà còn giúp bảo tồn các giá trị văn hóa trước nguy cơ mai một.
Cần những tinh hoa
“Các sản phẩm muốn tồn tại đều do thị trường quyết định”-đó là khẳng định của nữ nghệ nhân MLop-Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dệt thổ cẩm ở xã Glar (huyện Đak Đoa). Nghệ nhân tài hoa này kể rằng, ban đầu HTX nhận được sự đầu tư, hỗ trợ rất lớn của Nhà nước nên khi không còn nguồn hỗ trợ này, HTX đã mất một thời gian “chới với”. Sản phẩm khó tiêu thụ, ít khách tìm mua, thị trường khách du lịch lại gần như bằng không. Sau rất nhiều trăn trở, bà đã tìm ra hướng đi mới. Giới thiệu với chúng tôi một số sản phẩm như: ba lô, ví cầm tay, giỏ xách, khăn trải bàn, những chiếc túi có dệt chữ trên dây đeo rất bắt mắt… được làm từ thổ cẩm, bà MLop cho hay: “Đây hoàn toàn là những mẫu mã thời trang mới, không có trong văn hóa của người bản địa. Người Bahnar, Jrai ngoài trang phục truyền thống thường chỉ có chiếc túi đeo chéo. Nhưng nếu chỉ sản xuất một mặt hàng ấy sẽ vô cùng đơn điệu, không đáp ứng được nhu cầu thị trường. Phải đa dạng hóa sản phẩm, đó là điều bắt buộc. Hơn nữa, các sản phẩm phải đạt đến trình độ cao và giá cả hợp lý. Muốn làm được điều này, làng nghề cũng buộc phải có kỹ năng tổ chức, sắp xếp. Mặc dù làm thủ công, sử dụng sức người là chính nhưng phải chuyên môn hóa từng khâu: xe sợi, dệt vải, may thành sản phẩm… tất cả đều có những bộ phận cụ thể đảm nhận. Nếu một người vừa dệt vải lại vừa se sợi, sau đó phải tự may sẽ rất mất thời gian, giá thành sản phẩm bị đội lên sẽ rất khó cạnh tranh với thị trường”.
Các sản phẩm làm từ thổ cẩm truyền thống ngày càng đa dạng để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ảnh: Đ.T |
Nghệ nhân MLop cũng nhận xét rằng, sự thất bại của các làng nghề có nguyên nhân từ chính những người trong cuộc: “Tôi đã tham gia truyền nghề cho nhiều địa phương theo chủ trương của tỉnh để tiến tới hình thành các làng nghề truyền thống, nhưng đa số học viên chỉ dừng lại ở mức độ biết dệt chứ chưa chuyên sâu để có thể làm ra những sản phẩm có tính nghệ thuật, độc đáo, lại vừa đảm bảo giá trị sử dụng”. Bà cho biết thêm, mới đây, HTX của bà vừa hoàn thành đơn hàng hơn 100 bộ đồng phục cho học sinh Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện với giá hơn 400 ngàn đồng/bộ. Nhưng đó là sản phẩm đại trà, ai biết nghề cũng làm được; còn với những trang phục vừa có dấu ấn văn hóa, vừa độc đáo, có giá vài triệu đồng/bộ thì chỉ những nghệ nhân tài hoa, những người giỏi nghề thực thụ mới làm được. “Muốn sản phẩm một làng nghề có thể tồn tại, mang dấu ấn riêng thì cần có những người làm ra được những loại hàng “độc” có một không hai như vậy, nếu không mọi sản phẩm làng nghề sẽ na ná nhau, không có dấu ấn riêng”-nghệ nhân MLop nói.
Từng có thời gian điều hành rất thành công HTX Sản xuất nhạc cụ dân tộc ở làng Chuét (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku, nay đã ngừng hoạt động), nghệ nhân Rơ Châm Tih cho rằng, nếu không có sự đãi ngộ những người tài hoa góp phần truyền dạy nghề truyền thống thì sẽ không có làng nghề nào tồn tại được lâu. “Tôi đã dạy nghề cho hàng trăm người, tất nhiên ai cũng biết làm, nhưng những người giỏi thực sự chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Mà phải là người giỏi mới làm ra được nhạc cụ hay vì nghề này đòi hỏi người làm phải có khiếu thẩm âm tốt. Truyền dạy nghề làm nhạc cụ truyền thống rất khó, tìm được người giỏi nghề càng khó hơn, vì thế đây sẽ là nghề truyền thống rất dễ bị mai một nếu không có truyền nhân”-nghệ nhân Rơ Châm Tih khẳng định.
Trợ lực từ nhiều phía
Tỉnh ta đang triển khai chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2030 theo đề án của Chính phủ về đa dạng hóa các ngành nghề nông thôn. Trong 46 ngành nghề được khảo sát, có một số sản phẩm từ nghề truyền thống ở các địa phương như: nghề dệt, nghề làm rượu ghè, men rượu, đan lát… đủ tiêu chuẩn để trở thành sản phẩm chất lượng theo tiêu chí của đề án. Đây sẽ là cơ hội để nghề truyền thống có thêm trợ lực nhằm tiếp tục được gìn giữ, trao truyền, gia tăng giá trị về mặt thương mại, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng tại chỗ và xuất khẩu.
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh có trên 1.500 hộ với hơn 2.500 lao động tham gia sản xuất kinh doanh ngành nghề truyền thống, tập trung chủ yếu trên địa bàn các huyện: Đak Đoa, Mang Yang, Chư Prông và TP. Pleiku. |
Cùng với đó, thị trường du lịch cũng được kỳ vọng sẽ tạo thêm một kênh tiêu thụ sản phẩm ổn định. Còn nhớ, tại Festival Cồng chiêng Quốc tế tại Gia Lai năm 2009, chỉ riêng HTX Nông nghiệp và Dệt thổ cẩm ở xã Glar đã làm ra trên 2.000 chiếc túi thổ cẩm theo đơn đặt hàng của tỉnh để tặng du khách và bạn bè trong nước, quốc tế. Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai năm 2018 sắp diễn ra cũng là dịp để các sản phẩm từ nghề truyền thống theo chân những du khách đi muôn nơi. Như vậy, ngành Du lịch cũng cần có sự kết nối, giúp sức để sản phẩm đến được nhiều hơn với du khách. Trung bình mỗi năm tỉnh ta đón 500.000-600.000 lượt khách, chỉ cần 1/3 lượng khách này mua các sản phẩm làm quà tặng bạn bè hoặc để sử dụng thì đã có một lượng lớn sản phẩm được tiêu thụ. Đường hướng này cũng được kỳ vọng bởi tỉnh ta đang hướng đến phát triển mô hình du lịch cộng đồng-loại hình xóa đói giảm nghèo bền vững cho người dân địa phương và đang triển khai những bước đi đầu tiên. Đây là loại hình du lịch hướng đến trải nghiệm các yếu tố của đời sống bản địa, trong đó nghề truyền thống đóng góp hàng loạt những hoạt động trong chuỗi dịch vụ phục vụ khách du lịch: từ trang phục truyền thống, vật dụng sinh hoạt trong gia đình, làm rẫy, ẩm thực phục vụ khách thưởng thức.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, cho biết: “Với định hướng phát triển làng nghề gắn với du lịch, tạo cơ hội để du khách trải nghiệm quá trình hình thành nên một sản phẩm thủ công truyền thống, ngành Du lịch cần có chính sách đào tạo, hướng dẫn người dân. Thời gian tới, cùng với những bước đi để xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, chúng tôi sẽ chú trọng đến các yếu tố này, để vừa tạo ra sản phẩm du lịch khác biệt, vừa khuyến khích người dân gìn giữ các giá trị của nghề truyền thống”.
…Hiện toàn tỉnh có hàng trăm nghệ nhân nắm giữ các nghề truyền thống. Đây là những “báu vật nhân văn sống” góp phần gìn giữ, phát huy giá trị nghề truyền thống. Những tên tuổi nghệ nhân như nữ nghệ nhân HRin nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm ở Kông Chro và khắp các huyện ở khu vực Đông Trường Sơn; nghệ nhân MLop với thương hiệu thổ cẩm Glar mà sản phẩm khởi đi từ ngôi làng nhỏ bé này đã có mặt ở khắp Tây Nguyên và một số tỉnh thành trong cả nước, hay nữ nghệ nhân Siu Khang (Plei Bông, xã Ayun, huyện Mang Yang) được mệnh danh là người dệt thổ cẩm giỏi nhất Tây Nguyên; nghệ nhân tài hoa Rơ Châm Tih gắn với nghề làm nhạc cụ dân tộc... Dựa vào đội ngũ tinh hoa này cùng những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương và nỗ lực tự thân của các làng nghề, các HTX đã được thành lập, hy vọng nghề truyền thống sẽ có cơ hội khẳng định mình, sản xuất ra những sản phẩm có giá trị hàng hóa, đồng thời góp phần bảo tồn văn hóa.
Hoàng Ngọc - Phương Linh