Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Lặng thầm những người lính kỹ thuật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 2018, công tác kỹ thuật của Sư đoàn Bộ binh 320 được Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 đánh giá hoàn thành tốt, có nội dung hoàn thành xuất sắc. Thành tích ấy có một phần đóng góp không nhỏ của những người lính kỹ thuật ở Sư đoàn.
Chúng tôi gặp Đại úy Đặng Phúc Thành (Đại đội Trinh sát 20, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320) trong Hội thi kỹ thuật tăng-thiết giáp toàn quân. Đại úy Thành là lái xe thiết giáp ĐM-2 nhưng được đơn vị giao kiêm nhiệm Trung đội trưởng, trực tiếp chỉ huy một kíp xe tham gia hội thi. Với bản lĩnh của một người có kinh nghiệm lái xe 20 năm, anh đã trực tiếp thực hiện và hướng dẫn anh em trong kíp xe từng thao tác bảo dưỡng, kiểm tra tình trạng kỹ thuật. Đến công đoạn nào khó, đòi hỏi sự tỉ mỉ, anh đều dừng lại chỉ bảo tận tình cho đồng đội những điểm cần chú ý khi thao tác để tránh xảy ra mất an toàn. Đây chỉ là một việc nhỏ trong hàng trăm nhiệm vụ mà anh đã thực hiện tại đơn vị trong suốt 20 năm qua.
 Những người lính kỹ thuật ở Sư đoàn 320 luôn miệt mài với công việc. Ảnh: H.H
Những người lính kỹ thuật ở Sư đoàn 320 luôn miệt mài với công việc. Ảnh: H.H
Nhiều người trong Trung đoàn 48 vẫn còn nhớ, năm 2014, đơn vị diễn tập bắn đạn thật, khẩu súng 14,5 mm trên xe trinh sát ĐM-2 bị kẹt vỏ đạn, cán bộ, chiến sĩ loay hoay rất lâu mới khắc phục được. Trăn trở với điều này, sau hơn 1 năm nghiên cứu, Đại úy Thành đã cho ra đời sáng kiến “Dụng cụ tháo vỏ đạn trên xe ĐM-2”. Sáng kiến của anh đã giúp việc lấy vỏ đạn bị kẹt trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Và sáng kiến này đã được Quân đoàn 3 trao giải B tại hội thi sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ trong huấn luyện và được áp dụng rộng rãi trong toàn đơn vị. Với hàng chục sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào huấn luyện và sửa chữa vũ khí trang bị,  Đại úy Đặng Phúc Thành đã 22 lần được các cấp khen thưởng, 3 lần đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.
Một điển hình khác về người lính kỹ thuật ở Sư đoàn 320 là Đại úy Phan Lê Duẩn. Là thủ kho của Đại đội Bảo quản trang bị (Phòng Kỹ thuật Sư đoàn), Đại úy Duẩn có trách nhiệm tiếp nhận, cất giữ, bảo quản và cấp phát đạn cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ. Công việc đòi hỏi tính tỉ mỉ, cẩn trọng để đảm bảo an toàn tuyệt đối nên anh phải mất nhiều công sức. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy, Đại úy Duẩn đã tích cực nghiên cứu sáng kiến cải tiến các trang-thiết bị phục vụ trở lại cho công việc của mình thuận lợi hơn. Mới đây, sáng kiến “Giá để đạn đa năng” của anh đã được Hội đồng giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo toàn quân tặng giải khuyến khích.
Nhận xét về Đại úy Phan Lê Duẩn, Đại úy Trần Cảnh-Đại đội trưởng Đại đội Bảo quản trang bị-cho biết: “Anh Duẩn lúc nào cũng tận tâm trong công việc. Mỗi khi nhận nhiệm vụ, anh đều cố gắng tìm ra phương pháp tối ưu để hoàn thành tốt. Vì vậy, giao việc cho anh, chúng tôi rất yên tâm”. Tháng 8-2016, Đại úy Phan Lê Duẩn đã vinh dự đại diện cho Quân đoàn 3 tham gia hội thi thợ sửa chữa đạn, vũ khí bộ binh toàn quân và xuất sắc đạt giải nhì.
Nói về những người lính kỹ thuật ở Sư đoàn 320 cũng không thể không nhắc đến Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Lê Đắc Sơn (Tiểu đoàn 17). Năm 1992, anh Sơn tốt nghiệp Trường Sĩ quan Công binh và về nhận công tác tại Tiểu đoàn 17. Nhiệm vụ anh được giao là bảo quản phương tiện, trang bị đảm bảo cho nhiệm vụ trực phòng-chống bão lụt, cứu hộ, cứu nạn của Sư đoàn. Tuy nhiên, qua nhiều năm sử dụng, các trang bị đã dần xuống cấp, hệ số, tình trạng kỹ thuật của xe thấp. Cùng với đó, nhiều dụng cụ, máy móc phục vụ cho quá trình sửa chữa xe lại thiếu thốn, không đồng bộ. Chính hoàn cảnh khó khăn đó đã thôi thúc anh Sơn nghiên cứu sửa chữa và cải tiến các trang bị kỹ thuật. Trong số nhiều sáng kiến của anh, tiêu biểu là sáng kiến “Thiết bị nâng hạ bình điện lên xuống xe phà”. Khi áp dụng sáng kiến này đã giảm được công sức của bộ đội trong quá trình vận chuyển nhiều bình điện lên xe, nhất là trong điều kiện mùa mưa, bảo đảm tính cơ động nhanh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đặc biệt, sáng kiến “Thước phác họa công sự ban đêm” của anh đã giúp bộ đội có thể đào công sự dễ dàng, nhanh và đảm bảo yếu tố bí mật, phù hợp với điều kiện tác chiến trong quá trình xây dựng công sự cho sở chỉ huy khi chiến đấu.
Đánh giá về đóng góp của những người lính kỹ thuật ở đơn vị, Đại tá Nguyễn Văn Lanh-Chính ủy Sư đoàn 320-cho biết: Đội ngũ cán bộ kỹ thuật được đào tạo cơ bản qua các trường, lớp nên đáp ứng tốt nhu cầu của đơn vị. Bên cạnh đó, họ còn phát huy được những phẩm chất tốt đẹp, đam mê nghiên cứu khoa học để đưa ra nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật áp dụng vào huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. Nhờ vậy, công tác đảm bảo kỹ thuật phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và thực hiện các nhiệm vụ khác của đơn vị luôn được đánh giá tốt.
Hoàng Hiển

Có thể bạn quan tâm