Du lịch

Lang thang “Đêm rằm phố cổ” ở Hội An

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với những người yêu thích du lịch nói chung và du lịch Hội An nói riêng, có lẽ “Đêm rằm phố cổ” chẳng còn gì xa lạ. Thế nhưng nếu lần đầu đặt chân đến và chứng kiến, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng sẽ tìm thấy cho riêng mình một cảm nhận mới mẻ đầy thú vị…

May mắn ghé thăm Hội An vào đúng đêm 14 Âm lịch, chúng tôi được có dịp rảo bước trên những con đường xuyên phố trong một không gian lộng lẫy với muôn ngàn đèn lồng. Ngày này, du khách cả trong và ngoài nước tập trung về tham gia lễ hội khá đông đúc. Thế nhưng chẳng ai tỏ ra gấp gáp, vội vàng hay khó chịu vì bị chen lấn, tất cả đều cho chúng tôi cái cảm nhận về một sự thư thái, nhẹ nhàng.
 

Phụ giúp mẹ bán hoa đăng trong đêm rằm. Ảnh: Hồng Thi

Từ 16 giờ, các tuyến đường ven sông Hoài thuộc khu phố cổ như: Trần Phú, Lê Lợi, Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Minh Khai… đã cấm xe cộ lưu thông. Đúng 18 giờ, đèn lồng đồng loạt được thắp sáng thay cho ánh điện thường ngày. Và, sản phẩm độc đáo của phố Hội này lại có cơ hội mặc sức trình diễn, thi nhau phô sắc trong đêm trăng rằm.

Anh Võ Văn Trung-chuyên viên Phòng Văn hóa-Thông tin (VH-TT) TP. Hội An, cho chúng tôi hay, “Đêm rằm phố cổ” lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1998. Ý tưởng độc đáo này xuất phát từ mong ước của kiến trúc sư Ba Lan Kazimier Kwiatkowski, người đã dành nhiều công sức trong việc bảo tồn hai di sản Hội An và Mỹ Sơn. Chương trình được UBND TP. Hội An giao cho Phòng VH-TT thực hiện nhằm mục đích tạo ra một sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, độc đáo của riêng Hội An, góp phần thu hút hơn nữa lượng khách du lịch đến đây tham quan.
 

Các nghệ nhân tỉ mỉ tạo ra những chiếc đèn lồng xinh xắn. Ảnh: Hồng Thi

Cứ thế, suốt 15 năm qua, vào đêm 14 Âm lịch hàng tháng, phố cổ Hội An lại trở nên lung linh và huyền ảo hơn trong ánh sáng dìu dịu, đủ màu sắc của những chiếc đèn lồng. Người dân phố Hội cùng nhau làm sống lại cái không khí phồn hoa xưa cũ cùng những thú vui văn hóa của những ngày hội hè dân gian. Những gánh mì quảng, cao lầu nóng hổi, thơm ngon bên chiếc đèn dầu le lói sáng; các hàng quán bán nước uống ven sông; những làn điệu hò khoan, bài chòi hay ngâm thơ, đối đáp làm rộn rã cả một khu vực… Tất cả cùng hòa quyện vào nhau làm nên một đặc trưng rất riêng nơi phố cổ.

Một điều đặc sắc phải kể đến trong “Đêm rằm phố cổ” là lễ hội hoa đăng trên sông Hoài. Đây dường như là nơi tập trung đông người nhất. Những chiếc đèn hoa đăng làm bằng giấy nhiều màu sắc với giá 5.000-10.000 đồng/chiếc tùy kích cỡ được người dân nơi đây bày bán dọc theo tuyến sông. Vì bờ sông khá cao so với mặt nước nên người bán đã tự thiết kế những cây sào dài có quấn dây kẽm thành đế để du khách thả đèn. Hình thức thứ hai cũng thu hút nhiều người tham gia đó là mang áo phao, ngồi xuồng ra giữa sông để thả đèn với giá 10.000 đồng/lượt/người. Chẳng mấy chốc, cả mặt sông dày đặt hoa đăng, ánh sáng đủ màu phản chiếu xuống nước tạo nên một bức tranh thủy mặc lung linh tuyệt đẹp giữa lòng phố cổ.
 

Đèn lồng phô sắc trong đêm hội. Ảnh: Hồng Thi

Chị Dương Ngọc Yến-một du khách đến từ Phú Yên, hào hứng nói: “Tôi và một vài người bạn đã chọn du lịch Hội An vào đúng dịp lễ hội này bởi nó khá độc đáo. Chúng tôi vừa ngồi xuồng đi thả hoa đăng, cảm giác thú vị hơn nhiều so với lúc đứng trên bờ. Dưới ánh sáng nhẹ dịu của đèn lồng, gió se se mát, bốn bề khoáng đạt, từ từ đặt những chiếc đèn xuống rồi nhìn nó lãng đãng trôi theo sóng nước mang theo vài ước mong, bạn sẽ thấy lòng mình nhẹ tâng…”.

Rời khu vực trên, chúng tôi chuyển sang thăm thú khu chợ đêm cách đó không xa. Rất nhiều sản phẩm được bày bán nhưng chủ yếu vẫn là quà lưu niệm và đặc sản địa phương. Giá cả phải chăng chứ không quá đắt đỏ, dao động từ 5.000 đồng đến 500.000 đồng/vật phẩm. Gây chú ý nhất ở đây vẫn là các quầy bán đèn lồng, nó khiến ta có cảm giác như đang lạc vào thế giới của sắc màu và ánh sáng. Tại một số cửa hàng, các nghệ nhân vẫn đang mải miết tạo ra những chiếc lồng đèn mới với hình thù đa dạng như: ô van, tam giác, thoi, lục lăng… Theo quan sát của chúng tôi, họ khá chậm rãi, tỉ mỉ và đầy cẩn trọng.
 

Các cửa hàng đèn lồng thu hút nhiều du khách. Ảnh: Hồng Thi

Thông thường thì đến tận 23 giờ mọi hoạt động trong đêm rằm mới hoàn toàn ngừng lại. Thế nhưng hôm đó chỉ hơn 21 giờ, trời bắt đầu kéo mây rồi lâm râm đổ mưa. Thay vì thong dong bách bộ cảm nhận không khí “Đêm rằm phố cổ”, nhiều du khách, trong đó có chúng tôi đã phải lựa chọn cho mình một quán cà phê để ngồi hoặc quay về trong tiếc nuối. Tuy vậy, với chúng tôi, chừng ấy thôi cũng đã đủ để lại trong mình dấu ấn khó phai về một Hội An thân thiện, mến khách; về một “Đêm rằm phố cổ” lộng lẫy và rất đỗi yên bình…

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm