Điểm đến Gia Lai

Làng thanh niên "2 không, 2 có": Thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm 2019, Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) Việt Nam tỉnh đã triển khai xây dựng mô hình làng thanh niên “2 không, 2 có”. Sau hơn 2 năm triển khai, mô hình đã góp phần thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Lễ ra mắt Làng Thanh niên 2 không, 2 có ở huyện Chư Păh. Ảnh: Hà Đức Thành
Lễ ra mắt mô hình làng thanh niên “2 không, 2 có” ở huyện Chư Păh. Ảnh: Hà Đức Thành

Mới đây, chúng tôi có dịp cùng lãnh đạo Hội LHTN Việt Nam tỉnh đến dự buổi sinh hoạt của Chi Đoàn làng Ia Nueng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku. Sau khi tham quan và tìm hiểu mô hình phát triển kinh tế của một thanh niên trong làng, đoàn viên cùng nhau sinh hoạt và xem phim tuyên truyền về an toàn giao thông. Chị HPal-Bí thư Chi Đoàn làng Ia Nueng-cho biết: Hôm nay, Chi Đoàn tổ chức sinh hoạt với chủ đề về tệ nạn xã hội và an toàn giao thông nhằm nhắc nhở các bạn thực hiện tốt các quy định pháp luật khi tham gia giao thông. Từ khi ra mắt mô hình làng thanh niên “2 không, 2 có”, tình hình an ninh trật tự trong làng ổn định hơn, không xảy ra tệ nạn xã hội. Làng đã thành lập đội múa xoang với 10 thành viên, thường xuyên giao lưu với các đơn vị bạn. Trong phát triển kinh tế, đoàn viên, thanh niên tích cực học hỏi các mô hình hiệu quả.

Trong số 82 mô hình làng thanh niên “2 không, 2 có” thì hiện có 2 làng đạt chuẩn cấp tỉnh, 33 làng cấp huyện và 47 làng cấp xã. 4 tiêu chí để đạt chuẩn làng thanh niên “2 không, 2 có” cấp tỉnh gồm: không có thanh niên thất nghiệp, không để xảy ra trọng án; tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh niên được kiềm chế so với năm trước; có đội nhóm thanh niên giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, có mô hình thanh niên phát triển kinh tế. Trên thực tế, mô hình đã phát huy hiệu quả thiết thực. Bộ mặt buôn làng có nhiều khởi sắc; nhận thức, tư duy của hội viên, thanh niên nông thôn về việc chấp hành pháp luật, giữ gìn trật tự an toàn xã hội được nâng cao. Thanh niên các làng không chỉ ý thức, trách nhiệm hơn trong phát triển kinh tế hộ mà còn tích cực tham gia các chương trình hoạt động của Hội cũng như của địa phương.

Anh Rơ Chăm Phi (làng Kênh, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) vui vẻ cho biết: Trước đây, gia đình tôi rất khó khăn. Tôi được Hội LHTN hỗ trợ 1 cặp heo giống. Đến nay, heo đã đẻ được 2 lứa. Tôi đang gầy đàn để bán lấy tiền đầu tư chăm sóc cà phê, lúa. Tôi sẽ cố gắng tiếp tục phát triển kinh tế ổn định cuộc sống.

Theo anh Trịnh Công Duy-quyền Bí thư Huyện Đoàn Chư Păh: “Đến nay, huyện đã ra mắt được 4 làng thanh niên “2 không, 2 có”, đồng thời chỉ đạo xây dựng làng thanh niên cấp xã. Qua triển khai mô hình, chúng tôi thấy rất phù hợp với địa phương, nhất là gắn với xây dựng nông thôn mới. Mô hình giúp thanh niên tập trung phát triển kinh tế hiệu quả hơn, bớt vướng vào các tệ nạn xã hội, biết liên kết trong việc phát triển kinh tế. Từ đó, số lượng thanh niên tham gia tổ chức Hội tăng lên. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh xây dựng mô hình này, đồng thời tìm kiếm nguồn lực để hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế, góp phần thu hút, tập hợp nhiều hơn nữa thanh niên vào tổ chức Đoàn, Hội”.

 Sinh hoạt cồng chiêng ở làng Ia Gri (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh). Ảnh: Hà Đức Thành
Sinh hoạt cồng chiêng ở làng Ia Gri (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh). Ảnh: Hà Đức Thành


Để tạo điều kiện cho thanh niên phát triển kinh tế, thời gian qua, Hội LHTN Việt Nam đã tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ; hỗ trợ 57 mô hình phát triển kinh tế cho thanh niên dân tộc thiểu số. Hiện nay, 100% làng thanh niên “2 không, 2 có” đều duy trì mô hình vần đổi công nhằm giúp thanh niên phát triển kinh tế và tạo nguồn quỹ cho hoạt động Đoàn, Hội. Đặc biệt, các làng đã thành lập và duy trì hoạt động của các đội, nhóm thanh niên giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc như đội cồng chiêng, múa xoang, tổ dệt thổ cẩm.

Anh Nguyễn Chí Cẩn-Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh-đánh giá: Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh tiếp tục xác định triển khai mô hình làng thanh niên “2 không, 2 có” là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác Hội và phong trào thanh niên. Mô hình tập trung vào các nội dung như: giới thiệu việc làm cho thanh niên; đồng hành hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và tạo nguồn quỹ cho các chi Đoàn, chi hội. Chúng tôi phấn đấu đến năm 2022 có 100% xã có làng đăng ký xây dựng mô hình làng thanh niên “2 không, 2 có”; phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ 2024 có 100% xã có làng đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng ít nhất 1 mô hình làng thanh niên “2 không, 2 có” đạt chuẩn.

 

 HÀ ĐỨC THÀNH

Có thể bạn quan tâm