Điểm đến Gia Lai

Làng Xê Đăng duy nhất ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)-  Ngót nghét nửa thế kỷ thành lập, ngôi làng Ea Lũh rặt người Xê Đăng ở xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đang bừng sắc thái mới. Đói nghèo, lạc hậu dần chìm vào dĩ vãng.

Đây là ngôi làng người Xê Đăng duy nhất trên địa bàn tỉnh Gia Lai được hình thành từ khoảng năm 1966. Khi ấy, hàng chục hộ dân rời làng Kon Ngô (nay thuộc xã Đak Sang, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) xuống đồn điền chè Biển Hồ làm phu, tránh bom đạn và định cư cho đến bây giờ.

Từ xa, Ea Lũh đẹp như một bức tranh vẽ cảnh vật. Ảnh: Nguyễn Tú
Từ xa, làng Ea Lũh đẹp như một bức tranh. Ảnh: Nguyễn Tú



Phu chè mưu sinh

Chưa kịp hít hà trọn vẹn mùi thơm dịu ngọt của đồng chè xanh mơn mởn thì làng Ea Lũh đã hiện ra trước mắt tôi trong khung cảnh yên bình của ngày mới. Anh Lê-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Ea Lũh khoác trên mình chiếc áo thổ cẩm niềm nở đón tôi từ cổng chào rồi cùng đến nhà già Phin để nghe những người minh tường kể chuyện lập làng. Trong ngôi nhà in đậm dấu tích của thời gian, già làng Phin hồi tưởng: Năm 1966, từ Kon Tum, một nửa số hộ dân trong làng chuyển xuống xã Nghĩa Hưng làm phu chè. Mấy năm đầu, mọi người ở cạnh hàng thông cổ thụ với tên gọi làng Cỏ May, nay là thôn 1. Thời gian sau, bà con chuyển về đây ở và lấy tên suối Ea Lũh làm tên gọi cho làng.

“Lúc còn sống, bố mẹ nói với mình lý do chuyển xuống nơi này cư ngụ là bởi chiến tranh ác liệt. Ngoài chết do bom mìn thì dân làng còn chết vì đói nên quyết định chuyển đến nơi khác sinh sống. Mọi người dắt díu nhau băng rừng cả 10 ngày đường xuống đây làm phu chè. Khi đó mình mới 2 tuổi thôi. Thời mới xuống cũng khổ, bố mẹ làm lụng quần quật ngoài đồng nhưng không đủ nuôi 5 anh em, phải vào rừng hái rau, quả cho chúng tôi ăn. Đến năm 1987, làng được dời về vị trí này. Ở đây, dân làng vui hơn vì gần rừng, đất đai lại rộng rãi, không còn thiếu đói như trước. Vừa làm công nhân cho Nông trường Chè Biển Hồ, chúng tôi vừa khai hoang trồng trọt, phát triển sản xuất. Càng về sau, cuộc sống dần ổn định hơn”-già làng Phin nhắc nhớ.
 

Các vị chức sắc làng Ea Lũh kể về lịch hình hình thành làng mình. Ảnh: Nguyễn Tú
Người dân Ea Lũh kể về những ngày tháng lập làng. Ảnh: Nguyễn Tú


Kể thêm chuyện làng mình, ông A Khê-Trưởng ban Công tác Mặt trận-nói: “Ngoài đợt đầu tiên với nửa số hộ trong làng xuống đây làm phu chè thì sau đó còn mấy lần nữa, nhưng lác đác. Ví như tôi xuống năm 1980 là đợt thứ 3 hay 4 gì đó. Hồi ấy, vì chúng tôi chỉ biết trồng lúa rẫy, năng suất đạt thấp nên quanh năm thiếu đói, phải vào rừng đào củ, săn bắt kiếm thêm nguồn thức ăn cho gia đình. Do vậy, khi nghe bà con dưới này bảo rằng kinh tế ổn định hơn từ làm công nhân chè, mỗi người được 7-8 kg gạo/tháng, tôi và mấy hộ khác vội chuyển xuống đây làm và định cư; kinh tế cũng dần khá hơn. Hiện tôi không còn là công nhân chè nữa mà ở nhà chăm sóc 2 ha điều, 3 sào cà phê của gia đình”.

Gần nửa thế kỷ đã qua đi, ngôi làng người Xê Đăng duy nhất ở Gia Lai đã có 130 hộ với 800 nhân khẩu. “Những thế hệ đầu tiên xuống đây làm phu chè chỉ còn một vài người thôi. Họ lớn tuổi lắm rồi. Phần còn lại là con cháu. Ngoài ra, làng hiện cũng đã có nhiều dân tộc khác cùng sinh sống như: Jrai, Bahnar, Rơ Ngao, Kinh, Mường… Một số trường hợp lấy vợ, gả chồng ở làng nhưng cũng có hộ chuyển đến định cư. Đây là cơ hội giúp chúng tôi giao thoa văn hóa, nâng cao nhận thức, học hỏi nhau làm kinh tế tốt hơn”-anh Lê chia sẻ.

Cuộc sống sang trang mới

Cách trụ sở UBND xã Nghĩa Hưng chừng 2 km, làng Ea Lũh đẹp tựa như tranh khi lọt thỏm giữa rẫy nương xanh rì, tựa lưng vào núi, hướng mặt về hồ thủy lợi ăm ắp nước. Nhà cửa trong làng được dựng dọc theo các tuyến đường bê tông phẳng phiu. Đã 56 năm trôi qua kể từ khi lớp người Xê Đăng đầu tiên ở Kon Tum xuống xã Nghĩa Hưng định cư để mưu sinh bằng nghề trồng trọt, chăm sóc và thu hoạch chè xanh. Dẫu vậy, thế hệ thứ 2, 3 của họ vẫn gìn giữ và duy trì những nét đẹp của tộc người Xê Đăng. Trong các dịp quan trọng của làng hay của gia đình vẫn có sự hiện hữu của đồ thổ cẩm. Nếu già Y Hong duy trì nghề dệt thổ cẩm được truyền từ nhỏ thì chị A Sanh (vợ anh Lê) may trang phục bằng thổ cẩm cho thế hệ trẻ. Trang phục truyền thống của người Xê Đăng có kiểu dáng như người Jrai, Bahnar nhưng đa dạng hơn về màu sắc.

Chị A Sanh may cho dân làng những bộ trang phục đậm bản sắc của người Xê Đăng. Ảnh: Nguyễn Tú
Chị A Sanh hàng ngày vẫn cặm cụi may những bộ trang phục đậm bản sắc của người Xê Đăng. Ảnh: Nguyễn Tú


Tạm dừng việc dệt thổ cẩm để tiếp chuyện với tôi, già Y Hong bộc bạch: “Khi ở trên huyện Tu Mơ Rông, mình chỉ dệt cho các thành viên trong nhà thôi. Năm 1973, vợ chồng chuyển xuống đây ở, thấy mọi người thích mặc thổ cẩm, mình bắt đầu dệt bán. Hiện tại, mỗi tấm có giá 400-500 ngàn đồng. Từ già đến trẻ đều có ít nhất 1 bộ đồ thổ cẩm truyền thống của dân tộc. Những năm gần đây, nhu cầu mua nhiều, mình bán được nhiều hơn, vừa có thêm thu nhập vừa giữ gìn nét văn hóa đặc trưng của dân tộc”. Dân làng Ea Lũh cũng thường ngược xuôi thăm họ hàng, tham dự các lễ hội của dân tộc để không quên nguồn cội. “Trước đây, cứ đến tháng 10, chúng tôi ngược về Kon Tum dự lễ cúng lúa mới với họ hàng trên đó. Còn mấy năm nay thì có thêm dịp Tết Nguyên đán. Họ hàng ở Kon Tum cũng xuống thăm chúng tôi vào các lễ quan trọng của làng”-già làng Phin cho hay.

Ea Lũh đã có nhiều chuyển biến tích cực về phát triển kinh tế-xã hội trong mấy năm gần đây. Dẫn tôi tham quan một số gia đình khác trong làng, Trưởng thôn Ea Lũh phấn khởi chia sẻ thêm: Trước đây, làng mình nổi tiếng bởi nghèo đói đó, thế mà nay chỉ còn 3 hộ nghèo thôi. Có được điều này là nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, Mạnh Thường Quân thông qua các chương trình hỗ trợ rất thiết thực. Đơn cử, trước năm 2018, gia đình ông Nô En thuộc diện nghèo nhất làng. Đến năm 2022, gia đình ông đã thoát nghèo nhờ được hỗ trợ bò sinh sản, hướng dẫn kỹ thuật nuôi. Nhiều hộ khác cũng có thu nhập cao hơn nhờ được tập huấn trồng, chăm sóc cà phê, điều. Thanh niên trong làng cũng chăm chỉ làm ăn chứ ít chơi bời, quậy phá. Hai năm nay do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên thanh niên về làng tránh dịch, chứ không là họ đi làm thuê khắp cả nước để gửi tiền về cho gia đình.

Đường vào làng Ea Lũh. Ảnh: Nguyễn Tú
Đường vào làng Ea Lũh. Ảnh: Nguyễn Tú



Giờ đây, ngồi tiếp chuyện tôi, các vị “chức sắc” ở Ea Lũh cũng đã bớt sự gượng gạo, chạnh lòng khi nghe nhắc về cái sự nổi tiếng không hay của làng là: siêu đẻ. Ví như già làng Phin có 7 người con hay vợ chồng Bí thư Chi bộ Ea Lũh cũng đã sinh 5 đứa con. Già Phin tươi cười: “Đẻ nhiều con, nuôi khổ thật. Từ ăn uống khi nhỏ đến cưới xin, mua đất, làm nhà cho chúng lúc trưởng thành. Thế nên đám trẻ bây giờ sinh con ít hơn thế hệ trước. Chúng thường bảo nhau rằng đẻ nhiều con phải làm lụng vất vả để nuôi nấng lại kéo theo nhiều hệ lụy khác. Cũng nhờ vậy mà trẻ con trong làng được học hành bài bản hơn. Nhiều cháu giỏi giang, có công việc ổn định. Điển hình như gia đình ông Hem có 2 người con đều làm giáo viên, đang dạy học ở xã Hà Tây”.

Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hưng Huỳnh Trọng Quang cũng xác nhận thông tin về tỷ suất sinh ở làng Ea Lũh đã giảm trong mấy năm gần đây. “Thế hệ trẻ ở Ea Lũh ý thức được những khó khăn, vất vả do sinh nhiều con nên áp dụng các biện pháp kế hoạch hóa, sinh đẻ ít hơn. Đây là một trong những tín hiệu tích cực để chúng tôi có thêm những chương trình hỗ trợ giúp nâng cao thu nhập cho dân làng. Tới đây, ngoài huy động nguồn hỗ trợ gia súc, gia cầm, cây giống, chúng tôi sẽ phối hợp với ngành chức năng để đào tạo nghề nông thôn cho người dân Ea Lũh”-ông Quang cho biết.

 

NGUYỄN TÚ

Có thể bạn quan tâm