Sống trẻ - Sống đẹp

Thế giới trẻ

Lãnh đạo tương lai của Áo hơn cả soái ca

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ở tuổi 31, trong khi nhiều người vẫn loay hoay với việc xác định các mục tiêu của cuộc đời, đã có một người đang ở rất gần đỉnh cao của sự nghiệp chính trị: trở thành Thủ tướng trẻ nhất thế giới.

Chiến thắng đã gọi tên Kurz. Con đường trở thành thủ tướng trẻ nhất thế giới đang rộng mở với chính trị gia 31 tuổi - Ảnh: REUTERS
Chiến thắng đã gọi tên Kurz. Con đường trở thành thủ tướng trẻ nhất thế giới đang rộng mở với chính trị gia 31 tuổi - Ảnh: REUTERS

Dù chưa có kết quả chính thức, quá trình kiểm phiếu sơ bộ ngày 15-10 đã tiết lộ danh tính vị Thủ tướng tiếp theo của Áo: Sebastian Kurz - người có biệt danh là Wunderwuzzi (người đi trên mặt nước). Đó không phải là lần đầu tiên thế giới bất ngờ vì con người này.

"Một Macron hoặc Trudeau bảo thủ"

Chiến thắng của ông Kurz cùng với đảng Nhân dân Áo (OVP) ngay lập tức được đem ra đặt chung trong "sự trỗi dậy" của những lãnh đạo trẻ như Tổng thống Emanuel Macron (Pháp) hay Thủ tướng Canada Justin Trudeau.

Nói với đài DW của Đức, Giáo sư khoa học chính trị Peter Filzmaier gọi những gì ông Kurz đã đạt được là "chưa từng có tiền lệ trong nền chính trị Áo nhưng đồng thời lại rất logic".

Năm 2015, khi dòng người tị nạn Bắc Phi lẫn Trung Đông tràn vào châu Âu và gây ra một cuộc khủng hoảng, ông Kurz - khi đó là ngoại trưởng Áo, đã cảm nhận rõ sự tức giận xen lẫn lo lắng của cử tri Áo khi người tị nạn được tiếp nhận không kiểm soát.

Ngoại trưởng Kurz đã ngay lập tức đề xuất các biện pháp thắt chặt an ninh, kiểm soát biên giới Áo đồng thời lên tiếng ủng hộ kế hoạch chặn đứng các tuyến đường tị nạn vào châu Âu từ phía tây Balkan. Chuyến đi đến Macedonia hồi đầu năm nay chỉ càng làm tăng thêm quyết tâm siết chặt biên giới không chỉ Áo, mà còn cả Liên minh châu Âu của ông trước dòng người tị nạn.

Nói như một nhà bình luận, "người nhập cư/tị nạn đã biến Kurz trở thành ngôi sao trên chính trường Áo". Việc đảng Tự do, một đảng chống nhập cư giành được số phiếu cao thứ hai trong cuộc bầu cử năm nay đã cho thấy những  biến chuyển ở Áo.

Nhưng theo giáo sư về khoa học chính trị Peter Filzmaier, trên cương vị Thủ tướng, Kurz khó có khả năng sẽ trở thành một lãnh đạo chống nhập cư cứng rắn như người đồng cấp Hungary Viktor Orban hay Tổng thống Donald Trump bên kia bờ đại dương.

Giống như Macron, Kurz là người ủng hộ một Liên minh châu Âu thống nhất nhiệt thành. Và dù giữ quan điểm cứng rắn về người nhập cư, nhưng điều đó không có nghĩa nước Áo dưới thời Kurz sẽ đóng cửa với người tị nạn mà sẽ tiếp nhận một cách có chọn lọc.


 

"Kurz tự nhận thấy anh ta là một Macron hay Trudeau bảo thủ. Kurz không bắt đầu bằng hai bàn tay trắng như Macron nhưng đã nắm bắt cơ hội ở OVP và biến nó trở thành một cái gì đó mới mẻ (chỉ trong vòng 5 tháng). Trước khi Kurz lên nắm OVP, đảng này còn loay hoay ở vị trí thứ 3 trong các cuộc khảo sát. Giờ nó đã ở ngôi đầu với hơn 31% phiếu bầu"-Giáo sư khoa học chính trị Peter Filzmaier

Làm chính trị từ thời mài đũng quần

Năm 2013, một gương mặt "non choẹt" xuất hiện trong một loạt bức ảnh chụp cùng các chính khách kỳ cựu đã quen mặt với thế giới như John Kerry của Mỹ, Sergei Larov đến từ Nga hay Tổng thống Hassan Rouhani của Iran.

Người thanh niên, với đôi mắt xanh và mái tóc luôn được chải chuốt cẩn thận, đã khiến người ta đi từ tò mò đến ganh tị.

Ở tuổi 27, Kurz trở thành Ngoại trưởng trẻ nhất châu Âu, một cái tuổi mà ở những nước khác sẽ lập tức làm dấy lên sự nghi ngờ nhưng Kurz đã cho thấy ông hoàn toàn xứng đáng để ngồi vào vị trí đó trong suốt 4 năm qua.


 

 Với nụ cười lúc nào cũng trên môi, mái tóc được chải chuốt lịch lãm cùng cử chỉ nghiêng người khi bắt tay hay trò chuyện, Kurz cho người đối diện cảm giác được tôn trọng. Trong ảnh: Ngoại trưởng Kurz (trái) bắt tay với Tổng thống Hassan Rouhani - Ảnh: REUTERS
Với nụ cười lúc nào cũng trên môi, mái tóc được chải chuốt lịch lãm cùng cử chỉ nghiêng người khi bắt tay hay trò chuyện, Kurz cho người đối diện cảm giác được tôn trọng. Trong ảnh: Ngoại trưởng Kurz (trái) bắt tay với Tổng thống Hassan Rouhani - Ảnh: REUTERS




Theo học một trường nặng về học thuật, Kurz vẫn sắp xếp và có thời gian sinh hoạt trong nhóm các thành viên trẻ của đảng Nhân dân Áo (OVP) trước khi trở thành chủ tịch của nhóm này năm 2009.

Sự nghiệp chính trị của Kurz bắt đầu lên như diều gặp gió kể từ đây. Biệt danh "Người đi trên nước" hẳn cũng bắt nguồn từ đó.

Trong hai năm 2010 và 2011, dù bận bịu với việc học tại Đại học Vienna, Kurz vẫn có thời gian tập trung cho hai chủ đề bản thân tâm đắc là công bằng xã hội và đảm bảo lương hưu trên tư cách là "ông nghị" của thành phố Vienna.

Năm 2011, chàng thanh niên 25 tuổi quyết định tạm ngừng việc học, dành sức cho vị trí mới được chỉ định: người đứng đầu cơ quan hòa nhập xã hội thuộc Bộ Nội vụ Áo. Hai năm sau đó, Kurz bước chân vào Quốc hội sau cuộc tổng tuyển cử; liên đảng Nhân dân - Dân chủ xã hội được thành lập, Kurz được chỉ định trở thành Ngoại trưởng.

28 tuổi, đứng trước các lãnh đạo của thế giới tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Ngoại trưởng Kurz, khác với các bài phát biểu dài dòng và thủ tục, đã gây chú ý khi lên tiếng cảnh báo về chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.

31 tuổi 24 ngày, Kurz đặt bút ký vào Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, một việc mà cả những ngoại trưởng đi trước ông hàng chục năm kinh nghiệm của Mỹ, Nga, Trung Quốc,… đến giờ vẫn còn ngần ngại, thậm chí phản đối.


 

Ông Kurz, trên cương vị Ngoại trưởng Áo, ký vào Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân ngày 20-9 tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, Mỹ - Ảnh: UN
Ông Kurz, trên cương vị Ngoại trưởng Áo, ký vào Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân ngày 20-9 tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, Mỹ - Ảnh: UN


Thách thức phía trước

Kết quả cuộc bầu cử ở Áo đã chia EU làm hai nửa khác nhau: một bên vui sướng chúc mừng như Hungary, bên còn lại lo lắng. Gần như cả châu Âu đang hướng sự chú ý về nước Áo, chờ xem nhà lãnh đạo trẻ hóa giải bài toán thành lập chính phủ.

Với 31,4% số phiếu ủng hộ, OVP trở thành đảng lớn nhất trong Quốc hội Áo, theo sau là đảng cựu hữu Tự do (27,4%) và đảng Dân chủ xã hội, đồng minh chính trị cũ của OVP (26,7%).

Việc đảng Dân chủ xã hội từ chối liên minh với OVP có thể đẩy OVP đi đến quyết định bắt tay với đảng Tự do (FPO) để thành lập chính phủ. Đây rõ là điều những quốc gia khác ở châu Âu như Đức không muốn thấy nhất.

Thủ tướng Đức Angela Merkel, dù bày tỏ hi vọng có thể hợp tác với chính phủ mới của Áo, song cũng không quên nhận định sự trỗi dậy của FPO là một thách thức lớn.

Hơn ai hết, bà Merkel hiểu rõ điều này nhất sau cú sốc mang tên "Sự lựa chọn thay thế cho nước Đức" (AfD), đảng "anh em" với FPO, đường hoàng xuất hiện trong Quốc hội liên bang Đức.

Cú bắt tay giữa OVP và FPO, "sẽ đặt ra một thách thức rất thú vị đối với nước Đức của bà Merkel", ông Filzmaier nhận định.

 

Bảo Duy (TTO)

Có thể bạn quan tâm