(GLO)- Mỗi năm, Gia Lai có khoảng 1.000 lao động làm việc ở nước ngoài trở về. Họ tích lũy được vốn, tay nghề và tác phong làm việc công nghiệp. Tuy vậy, khi nguồn nhân lực này có nhu cầu quay lại thị trường lao động trong nước thì khó tìm được công việc phù hợp.
Khó tìm việc phù hợp
Sau 2 năm trở về từ Hàn Quốc, anh Siu Phôn (làng Chăm Pông, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) vẫn chưa tìm được việc làm phù hợp. Khi ở Hàn Quốc, anh làm việc cho một cửa hàng váy cưới và kinh doanh mỹ phẩm với mức lương hơn 60 triệu đồng/tháng. “Trước khi hết hạn hợp đồng, chủ cửa hàng đã gia hạn hợp đồng lần 2 cho tôi. Tôi nhận thấy công việc phù hợp với sở trường và thu nhập cao nên ở lại làm việc thêm 4 năm nữa. Sau hơn 9 năm làm việc ở Hàn Quốc, tôi hết thời hạn hợp đồng phải về nước vào cuối năm 2019”-anh Phôn nói.
Trở về làng, anh Phôn mong muốn tìm việc làm phù hợp với sở trường nhưng không thể tìm được. “Nhiều lần tôi đến Sàn Giao dịch việc làm tỉnh đăng ký tìm việc nhưng đều không đáp ứng nhu cầu. Dù cũng có việc để làm nhưng thu nhập thấp, công việc lại không tận dụng được tay nghề”-anh Phôn tâm sự.
Anh Siu Phôn (làng Chăm Pông, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) ở sân bay Hàn Quốc chuẩn bị về nước. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Gần đây, khi tham gia phiên giao dịch việc làm tại Sàn Giao dịch việc làm tỉnh, anh Phôn đã tìm được công việc phiên dịch tại một công ty da giày của Hàn Quốc ở tỉnh Bình Dương với mức lương 8 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, công việc cũng không kéo dài vì vốn tiếng Hàn chuyên ngành của anh còn hạn chế. “Sau thời gian nghỉ việc ở công ty, mình tiếp tục đi học thêm tiếng Hàn nhưng đến nay vẫn chưa tìm được công việc. Giờ tôi đang ở nhà phụ giúp bố mẹ làm rẫy. Tối đến, tôi lên mạng học thêm tiếng Hàn. Hy vọng tôi sớm tìm được việc phù hợp”-anh Phôn bày tỏ.
Tương tự, sau 3 năm làm nghề sửa chữa ô tô tại Nhật Bản, anh Trần Bảo Tuấn (thôn 9, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) trở về nước với nhiều dự định. Tuy nhiên, mọi tính toán của anh đều dở dang vì gần 1 năm vẫn không tìm được việc làm phù hợp. Chọn lựa mãi, cuối cùng anh phải nhờ người quen giới thiệu xin vào làm lái xe cho một doanh nghiệp để có thu nhập trang trải cuộc sống. Anh trải lòng: “Mình mơ ước được làm nghề sửa chữa ô tô như ở Nhật Bản. Tìm việc ở các thành phố lớn trong lúc này thì không thể, với lại mình không muốn xa gia đình”.
Chưa có chính sách hỗ trợ
Theo thống kê sơ bộ của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, mỗi năm, Gia Lai có khoảng 500 lao động trở về từ Campuchia, Lào và chừng ấy lao động trở về từ các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... Chính sách trợ giúp, tư vấn việc làm cho nhóm lao động này chỉ được đề cập khi có người đến Sàn Giao dịch việc làm tỉnh đăng ký tìm việc làm mới. Ông Lê Thanh Truyền-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh-cho hay: Hàng năm, đơn vị chỉ thống kê được số liệu lao động đi làm việc có thời hạn tại một số nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan, Campuchia, Lào… Những lao động này khi về nước, do có sự chênh lệch lớn về môi trường làm việc và thu nhập nên hầu hết rất khó tìm được việc làm phù hợp. Nhiều lao động khi trở về nước gặp nhiều khó khăn, nhiều người ở nhà phụ giúp gia đình, số khác chờ cơ hội tìm việc làm mới.
Đại diện Công ty cổ phần nguồn nhân lực và phát triển kinh tế hợp tác Lapcoop tư vấn cho người hoàn thành hợp đồng xuất khẩu lao động về nước. Ảnh: Đinh Yến |
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho rằng: Nguyên nhân không tìm được việc làm do nhiều lao động có vốn ngoại ngữ khá hạn hẹp, không đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài. Mặt khác, tỉnh ta vẫn chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể khi họ trở về địa phương, cả việc tận dụng nguồn lực, kinh nghiệm để phục vụ nhu cầu đầu tư sản xuất kinh doanh, dịch vụ. “Thu nhập họ tích lũy được phần lớn là để trang trải cuộc sống gia đình, phát triển sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, mấy năm nay, một số cây công nghiệp mất mùa, mất giá, lao động sau khi trở về nước khó tìm được việc làm phù hợp. Vì vậy, đồng vốn kiếm được nơi xứ người cũng dần cạn khiến họ rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan”-ông Truyền nhìn nhận.
Ông Nguyễn Hữu Tùng-Phó Trưởng phòng Lao động-Việc làm (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết: “Trên thực tế, người đi xuất khẩu lao động về nước vẫn có nhiều cơ hội tìm việc làm vì nhiều doanh nghiệp nước ngoài cần tuyển dụng những người có kỹ năng, kinh nghiệm, ngoại ngữ và đặc biệt là tác phong làm việc công nghiệp. Lao động về nước muốn tìm được việc làm phù hợp thì cần chủ động tìm đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để được hướng dẫn, giúp đỡ. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đang dự thảo chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài sau khi hết hạn hợp đồng trở về nước để trình HĐND tỉnh phê duyệt nhằm hỗ trợ đào tạo, vay vốn, khởi nghiệp và hướng nghiệp cho người lao động”.
ĐINH YẾN