(GLO)- Theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17-2-2020 của Chính phủ, xe kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ ngồi (kể cả lái xe) trở lên, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp đặt camera trước ngày 1-7-2021.
“Tai mắt” của đơn vị quản lý
Triển khai thực hiện Nghị định số 10/2020/NĐ-CP, Bộ Giao thông-Vận tải (GT-VT) đã ban hành Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT nêu rõ: Các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải nên lựa chọn loại camera lắp trên xe phải bảo đảm ghi, lưu trữ, truyền được dữ liệu hình ảnh với tần suất 12-20 lần/giờ (tương đương 3-5 phút/lần truyền dữ liệu) về đơn vị kinh doanh vận tải và Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Các thông tin tối thiểu được truyền về bao gồm: số giấy phép của người lái xe, biển kiểm soát, vị trí (tọa độ GPS) của xe và thời gian. Dữ liệu hình ảnh này được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra Sở GT-VT và cơ quan cấp giấy phép hoạt động vận tải để bảo đảm giám sát công khai, minh bạch.
Ông Nguyễn Hồng Hải-Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Gia Lai-cho rằng: Việc lắp camera giám sát trên phương tiện vận tải khách là rất cần thiết. Qua đó, cơ quan quản lý và doanh nghiệp có thể theo sát hoạt động của lái xe, nhân viên và khách hàng trên hành trình di chuyển.
“Hầu như doanh nghiệp chỉ quản lý trực tiếp phương tiện và con người khi xe ở bến bãi, lúc này việc quản lý lại chưa nhiều phức tạp. Do vậy, camera như “tai mắt” khi phương tiện di chuyển trên đường để biết hành khách lên xuống như thế nào, tài xế có làm việc nghiêm túc hay không”-ông Hải dẫn chứng.
Phương tiện vận tải khách từ 9 chỗ ngồi trở lên phải lắp đặt camera trước ngày 1-7-2021. Ảnh: Lê Hòa |
Trong khi đó, ông Đặng Văn Hiền-Phó Giám đốc phụ trách điều hành Công ty TNHH Vận tải và Du lịch Thuận Tiến Gia Lai-cho hay: “Chúng tôi đã lắp camera trên gần 30 phương tiện; mỗi xe gắn 3 mắt, chi phí khoảng 12,5 triệu đồng. Bước đầu, chúng tôi nhận thấy việc làm này phát huy hiệu quả, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý trong quá trình xe di chuyển trên đường. Tuy nhiên, điều này lại khiến tài xế khó chịu vì kiểm soát họ quá mức”.
Ông Trần Văn Uông-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đức Đạt Thành-nêu quan điểm: “Việc lắp camera đối với đơn vị vận tải khách là cần thiết. Ngoài theo dõi sát sao quá trình làm việc của tài xế, cũng sẽ góp phần hạn chế các trường hợp mất cắp hoặc có hành vi không chuẩn mực trên xe. Công ty đã lắp xong camera trên toàn bộ phương tiện vận tải khách từ năm 2020”.
“Số hóa” quản lý hoạt động phương tiện
Hơn 1 năm kể từ khi Nghị định số 10/2020/NĐ-CP có hiệu lực, Sở GT-VT đã ban hành nhiều văn bản, tổ chức các cuộc họp nhằm đốc thúc các đơn vị vận tải triển khai. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu, nhiều đơn vị lúng túng vì chưa biết lựa chọn loại camera như nào để khớp với hệ thống chung, tránh lãng phí vì thiết bị không đồng bộ. Hiện nay, hều hết đơn vị vận tải lớn đều đã triển khai lắp camera trên xe. Đối với các đơn vị nhỏ, số lượng chỉ vài đầu xe, thậm chí chủ xe kiêm luôn lái xe thì việc lắp camera chưa được thực hiện.
Cũng theo ông Nguyễn Hồng Hải: “Việc lắp đặt các thiết bị camera góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của tài xế và hành khách; đồng thời, giúp doanh nghiệp quản lý nhân viên và phương tiện. Song, trong thực tế, đâu đó vẫn có những trường hợp “hộp đen ngắt sóng”. Nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe khách có nguyên nhân từ sự chủ quan người điều khiển phương tiện”.
Nhân viên điều hành Bến xe Đức Long Gia Lai theo dõi phương tiện ra vào bến thông qua ứng dụng phần mềm quản lý bến xe. Ảnh: Lê Hòa |
Nghị định số 10/2020/NĐ-CP cũng quy định, đối với các bến xe khách từ loại I đến loại IV phải áp dụng phần mềm quản lý. Hệ thống phần mềm sẽ kết nối dữ liệu thông tin hoạt động từ các bến xe khách với Sở GT-VT địa phương và Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Gia Lai hiện có 9 bến xe khách. Từ cuối năm 2020, tất cả bến xe trong tỉnh đã lắp đặt và ứng dụng hệ thống phần mềm quản lý bến xe khách.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Tường Cọt-Giám đốc Bến xe Đức Long Gia Lai-thông tin: Tháng 10-2020, đơn vị đã đầu tư hơn 500 triệu đồng để mua sắm trang-thiết bị, phần mềm cũng như hoàn thiện đấu nối đường truyền dữ liệu về Sở GT-VT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Đây là bước “số hóa” quản lý hoạt động phương tiện đi-về bến bãi.
Hệ thống thiết bị sẽ tự động ghi nhận phương tiện ra vào bến bãi thay vì thực hiện ghi nhận thủ công như trước đây. Điều này giúp tối ưu hóa quá trình vận hành-nhất là vào khung giờ cao điểm, tiết kiệm nhân công, ghi nhận thông tin dữ liệu chính xác hơn bởi không thể có sự can thiệp chủ quan từ bên ngoài.
LÊ HÒA