Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Lễ chúc sức khỏe của người Jrai Chor

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đối với đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên, việc chúc sức khỏe cho người lớn trong gia đình là việc rất quan trọng và thường được tổ chức chu đáo, vào những độ tuổi 40, 50, 60. Mỗi nhóm địa phương có thể có những tiểu tiết trong lễ khác nhau.

Nhưng nhìn chung, lễ chúc sức khỏe không đơn thuần chỉ là tri ân ông bà hay cha mẹ đã nuôi nấng con cháu trưởng thành, cầu xin thần linh phù trợ cho gia đình mọi điều được hanh thông, tốt đẹp mà còn chứng tỏ sự vững bền của đời sống một gia đình, thậm chí là một dòng họ. Người Jrai gọi chung các lễ chúc sức khỏe là ngă yang lyh; có nơi còn gọi là lễ đạp rìu (juă jông).

Người Jrai có 2 loại hình chúc sức khỏe. Một là lễ dành cho người bị đau ốm nhiều năm, lâu ngày chưa khỏi. Lúc này, gia đình bắt buộc phải làm một lễ chúc sức khỏe, cầu mong cho người ốm đứng dậy, vượt qua được hiểm nghèo gọi là teh bơng dơng ai. Với nghi lễ này, gia đình hiến sinh từ con heo trở lên. Hai là lễ tạ ơn nhằm cầu cho cha mẹ được thêm sức, thêm tuổi; được gọi là teh bơng broi yă.

Lễ chúc sức khỏe của người Jrai Chor. Ảnh: Đức thụy

Lễ chúc sức khỏe của người Jrai Chor. Ảnh: Đức thụy

Tôi đã từng chứng kiến lễ teh bơng broi yă của bà Aduôn Giang ở buôn Ma Hing, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa. Gia đình làm lễ để cầu chúc cho bà luôn mạnh khỏe, sống lâu cùng con cháu. Công việc này được bàn bạc trong gia đình trước một con trăng. Những ai lo việc thịt heo, những ai chuẩn bị các cột gơng để buộc chắc những ghè rượu, ai lo nước đầy những chiếc nồi đồng lớn. Nhóm phụ nữ nào làm rượu cần từ tuần trăng cũ, mấy ngày gần tới lễ phải vô rừng tìm các loại măng, rau, củ, quả để làm những món ăn đặc biệt. Tất cả đều được phân công cụ thể.

Đêm trước ngày chính thức làm lễ, cả gia đình hội tụ xem công việc thiếu đủ ra sao. Dàn chiêng knă ring tấu lên báo tin gần xa ngày mai nhà họ Nay có việc vui. Tiếng chiêng luồn qua sàn nhà, bay qua cửa sổ, lên tới mặt trăng sáng lung linh, kể với đất trời, các vị thần linh thiêng, buôn gần, làng xa về lễ.

Mặt trời mới lấp ló trên đỉnh núi, mấy người trung niên đã nhóm lên đống lửa ngoài vườn. Những tấm lá chuối lành lặn nhất, to rộng nhất được trải đều trên mặt đất. Con heo sau khi thui trên lửa sẽ được đặt lên đám lá chuối ấy để xẻ ra những phần riêng chuẩn bị cho lễ thức: phần để dâng lên các Yàng, phần để ăn chung bữa cơm cộng cảm cùng gia đình, phần để chia cho người trong buôn mang về.

Những chiếc cột tre gơng ghia đã dựng lên, cột chặt 3 ghè rượu, tai ghè treo những chiếc vòng đồng (ghè thứ nhất dâng các thần linh, ghè thứ hai cho tổ tiên ông bà, ghè thứ ba chúc sức khỏe bà Aduôn Giang). Một chiếc nồi đồng lớn đựng đầy nước trong veo, mát lành. Cái bong bóng heo treo lên cây cột giữa. Dải thịt suốt từ sống lưng cho đến đuôi heo treo ở cột gơng đầu tiên. Mâm lễ trong chiếc nong lớn đặt ở ghè cột chính giữa gồm: chiếc đầu và 2 đùi, kèm theo 1 tảng thịt vai nướng vàng ươm, tỏa mùi thơm lừng. Các chén đồng đựng thịt, lòng luộc, thịt băm bọc lá chuối um trong than, thịt băm trộn huyết heo và mấy xiên thịt nướng.

Thầy cúng còn thận trọng đặt 1 chiếc rìu và chén đồng bên cạnh, 2 vật cuối cùng là 1 con gà luộc và chiếc lưỡi rìu. Trong phòng, mấy phụ nữ đang xúm xít thay trang phục thổ cẩm cho bà và cho mình.

Dàn chiêng knă ring bắt đầu lên tiếng. Chiêng tấu 3 lần. Thầy cúng áo đỏ, khăn đen đã ngồi vào chỗ. Bà Aduôn Giang ngồi đối diện với ghè chính giữa, chân đặt lên chiếc rìu. Người trong gia đình lần lượt ngồi xung quanh. Thầy cúng hút rượu ra chén đồng (mtih) rửa tay 2 lần cho Aduôn Giang xong, ngồi bên cạnh dãy ghè, nắm 2 tay vào nhau bắt đầu bài khấn các Yàng bốn phương và tổ tiên, xin chúc sức khỏe cho bà Aduôn Giang năm nay 75 mùa lúa chín.

Hết bài khấn, ông lại hút rượu ra chén đồng, mang theo một vài miếng thịt đổ lên vách nhà nơi có cửa sổ mở về phía Đông để cáo với Yàng sang (thần nhà). Ông 2 lần rót rượu lên mu bàn chân, miệng đọc những lời vần cầu cho bà sức khỏe, “chân cứng đá mềm”, như sức bền của lưỡi rìu, của vòng đồng, rồi trao vòng cho bà. Các cháu gái trong nhà tiếp nước vào ghè theo hình thức thác rượu (drei ya). Những giọt nước mát lành chứa trong những chiếc ống nứa, chảy nhè nhẹ xuống ghè rượu như đang tiếp thêm sức lực của thần linh cho bà. Thầy cúng cũng không quên cầu cho gia đình được an lành và may mắn trong công việc làm ăn. Hết bài khấn, ông nâng chiếc rìu để bà Aduôn Giang cắn răng nhẹ vào, tượng trưng cho sự bền vững về sức khỏe của bà, lẫn gia đình và công việc làm ăn phát đạt.

Rồi đến con cháu tặng quà cho bà. Người con gái lớn nhất tặng mẹ bộ váy áo mới. Những người khác thì tặng chiếc khăn choàng, tấm mền, người tặng tiền, nhẫn vàng… Sau đó, thầy cúng mời bà ăn cơm, ăn thịt trên mâm lễ.

Đến lượt những người phụ nữ theo thứ tự tuổi từ cao đến thấp, lần lượt qua từng ghè rượu, ngồi xuống ăn chung với bà miếng cơm, miếng thịt đã được thần linh ban phước, chúc phúc cho bà. Tiếng chiêng knă ring vẫn cứ nhè nhẹ bay bay ngân vang trong suốt quá trình hành lễ.

Cuối ngày, ngoài chiếc đùi heo để lại cho riêng bà, chị em gái trong gia đình trao tận tay những khách xa, khách gần những nắm xôi, thịt gói lá chuối theo phong tục xưa, không chỉ sẻ chia mà còn là cảm ơn những người đã đến chúc phúc cho bà.

Trong tập quán của người Jrai, lễ chúc sức khỏe tùy theo từng độ tuổi cao dần lên mà chọn lựa số lễ vật hiến sinh. Lễ chúc sức khỏe, dù không bắt buộc, vẫn được con cháu thực hiện cho ông bà, cha mẹ để bày tỏ lòng biết ơn, cầu chúc sức khỏe, cầu gia đình làm ăn thuận lợi, may mắn.

Ngày nay, lễ chúc sức khỏe đơn giản hơn nhiều, nhất là phần lễ, đặc biệt là từ bỏ việc hiến sinh trâu chuyển sang ăn bò, nếu con cháu làm ăn khá giả. Cũng có thể chỉ 1 con heo, vài con gà; miễn là tình cảm chân thành thì sự trân trọng, tri ân vẫn được gìn giữ.

Tuy nhiên, việc đánh cồng chiêng trong buổi lễ không còn được chú trọng nhiều như trước. Bởi thực tế, bộ chiêng knă ring không còn mấy trong cộng đồng, dù Krông Pa là một vùng đất còn giữ được nhiều lễ hội truyền thống của người Jrai Chor.

Có thể bạn quan tâm