Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Lễ cúng bến nước của người Jrai: Nét đẹp cần lưu giữ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ủy ban nhân dân huyện Ia Pa, Gia Lai vừa tổ chức phục dựng lễ cúng bến nước của người Jrai làng Biah (xã Ia Tul) với sự tham dự của đông đảo dân làng và các làng xung quanh.
Lễ cúng diễn ra vào lúc 9 giờ 30 phút tại khoảng đất cách bến nước làng Biah chừng 200 m. Sau đó là lễ rước nước và lễ vật ra cúng tạ thần linh ở bến nước bên bờ sông Tul. Lễ vật cúng bến nước gồm 1 con heo, 2 con gà và 5 ghè rượu. Trên vuông đất trống làm đàn cúng tế, nước được lấy từ dưới bến lên đựng vào trong 1 cái nồi đồng lớn; phía sau là 5 ghè rượu buộc vào các cọc tre đóng sâu vào nền đất. Dân làng tập trung đốt lửa mổ heo, cắt lấy cái đầu, đuôi, một ít thịt và nội tạng bỏ vào một cái mẹt lớn đặt sát chiếc ghè đầu tiên. 2 con gà được giết thịt, nhổ lông để cạnh 2 chiếc ghè cuối cùng. Lễ cúng cũng không thể thiếu 1 chiếc trống lớn cùng dàn chiêng cổ để diễn tấu. 
Ông Ksor Neo người phụ trách đánh chiếc trống lớn (HGơr) trong lễ cúng bến nước-cho hay: “Người Jrai mình quan niệm các vị thần linh cũng có tình cảm như con người, cũng vui buồn, giận hờn, yêu ghét. Dâng cúng thần nhiều lễ vật với tấm lòng thành kính thì sẽ được các thần giúp đỡ và chở che. Vì thế, trước ngày diễn ra lễ cúng bến nước, cả làng không ai đi làm rẫy mà ở nhà tập trung quét dọn, phát quang đường làng, ngõ xóm và bến nước cho sạch sẽ. Đám trai tráng đi chặt củi, chặt lồ ô về chuẩn bị đốt lửa, nấu cơm lam… phục vụ lễ cúng”.
 Già làng Rô Ngớt (bìa trái) rót nước vào các ghè rượu lễ vật. Ảnh: Đ.P
Già làng Rô Ngớt (bìa trái) rót nước vào các ghè rượu lễ vật. Ảnh: Đ.P
Đến giờ làm lễ, già làng Rô Ngớt với vai trò chủ tế và ông Kpă Krel là phụ tá trong trang phục truyền thống của người Jrai bước ra đứng trước nồi nước lớn, hướng mặt về phía bến nước cất lời khấn. Dàn cồng chiêng và trống lớn bắt đầu ngân vang giúp đưa lời khấn thông linh với các vị thần. Hết bài khấn, chủ tế múc một bát nước lớn đặt lên ghè rượu đầu tiên nơi có mâm thịt heo là lễ vật cúng, sau đó bắt đầu khấn. Các già làng tiếp tục tấu lên hồi chiêng, trống ngân vang. Chủ tế vừa khấn vừa 3 lần múc nước đổ vào 5 ghè rượu. 
Sau khi cúng xong, chủ tế rút trong các ghè rượu ra một bát rượu lớn rồi nhón lấy mấy miếng thịt heo trong mâm lễ vật bỏ vào bát. Chủ tế đi trước, 2 tay bưng bát lễ vật đó cùng với phụ tá và một người phụ nữ lớn tuổi rước xuống bến nước nơi bờ sông Tul, đi theo sau là dân làng cùng quan khách. 
Đến bến nước, chủ tế Rô Ngớt đứng lại cất lời khấn, tiếp đó ngồi xuống đổ bát rượu và lễ vật xuống bờ sông với ngụ ý dâng cho Thần nước. Kết thúc lễ cúng ở bờ sông, chủ tế và dân làng cùng quan khách về lại bãi đất trống làm lễ cúng ban đầu để cùng giao lưu. 
Theo quan niệm của người Jrai, nước có vai trò rất quan trọng trong đời sống. Không có nước thì không thể tồn tại. Khi lập làng, người Jrai thường chọn nơi gần sông suối để có nguồn nước nuôi dưỡng sự sống và phục vụ lao động sản xuất. Mỗi làng Jrai thường có 1 bến nước riêng. Đây cũng là nơi mọi người gặp nhau sau một ngày lao động vất vả, thông tin và chia sẻ bao nỗi buồn vui. Già làng kiêm chủ tế Rô Ngớt cho hay: Lễ cúng bến nước của người Jrai (còn gọi là Tring Prin Ia) thường được tổ chức vào dịp đầu năm mới hay thời điểm bắt đầu mùa mưa để tạ ơn Thần nước, cầu mong Thần nước phù hộ cho dân làng mạnh khỏe, mưa thuận gió hòa, làm ăn được mùa bội thu, vạn vật trong làng đều mạnh khỏe, không có bệnh tật xảy ra.          
Theo ông Nay Nan-Bí thư chi bộ thôn Biah, để tổ chức lễ cúng bến nước năm nay, cách đây 2 tháng, già làng đã tổ chức họp dân, huy động mỗi hộ đóng góp 1 lon gạo hoặc 20.000 đồng để nấu rượu cúng và mua sắm lễ vật. Còn trong ngày làm lễ cúng, các hộ đến dự lễ thường gùi theo ghè rượu của nhà mình góp vào chung vui. “Nhiều năm được mùa, dân làng có cuộc sống sung túc nên ngoài phần rượu, thịt làm lễ ra, dân làng còn mổ thêm heo, gà và góp ghè rượu để bữa tiệc càng thêm vui”-ông Nay Nan cho hay.
 ĐỨC PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm