Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Lễ cúng nhà rông mới ở làng Đê Kjiêng: Độc đáo, nhân văn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhà rông được ví như trái tim của mỗi ngôi làng. Sau khi dựng xong, bà con cùng nhau tổ chức lễ cúng nhằm cảm tạ thần linh, cầu mong được bình yên, no ấm. Mới đây, dân làng Đê Kjiêng (xã Ayun, huyện Mang Yang, Gia Lai) vừa hân hoan tổ chức nghi lễ độc đáo này tại nhà rông mới.
Giữ mái nhà rông
Tọa lạc giữa làng, xung quanh là núi Kon Hyer bao bọc, nhà rông của làng Đê Kjiêng còn thơm mùi tranh, nứa mới. Nhà rông có chiều dài chừng 11 m, rộng 5 m và cao 7 m, là thành quả sau nhiều tháng ròng góp công góp sức. Ông Djưng-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Đê Kjiêng-cho hay: “Nhà rông cũ làm bằng tôn, xi măng đã lâu nên xuống cấp. Vì vậy, dân làng muốn tự làm một nhà rông mới theo đúng kiểu truyền thống để làm nơi sinh hoạt chung. Sau khi họp làng, mọi người đều nhất trí cùng nhau tìm kiếm, gom góp tranh tre, nứa lá để dựng nhà rông mới”.
Dân làng Đê Kjiêng (xã Ayun, huyện Mang Yang) vui trong ngày hội. Ảnh: P.L
Dân làng Đê Kjiêng (xã Ayun, huyện Mang Yang) vui trong ngày hội. Ảnh: P.L
Quá trình từ chuẩn bị đến thi công nhà rông diễn ra trong nhiều tháng liền. Khi đống lá tranh chất cao bằng mái nhà sàn, tre nứa, cột, vì kèo đã góp đủ, dân làng mỗi người một việc bắt tay làm nhà. Phụ nữ thì kết cỏ tranh thành tấm lợp, đàn ông chẻ nứa đan tấm vách, thanh niên khiêng dựng cột, vì kèo, thắt mối buộc sao cho chắc chắn, đẹp mắt. Cứ thế, trên khoảng đất rộng, nhà rông của làng Đê Kjiêng dần nên hình hài. Ông Djưng bày tỏ: “Dù bận đến đâu bà con vẫn dành thời gian để đến phụ giúp dựng nhà rông. Ai cũng muốn góp sức để ngôi nhà chung nhanh hoàn thiện, che chở, bảo vệ cho bà con dân làng”.
Sau 4 tháng thi công, nhà rông làng Đê Kjiêng đã hoàn thành. Theo phong tục, dân làng làm lễ cúng tạ ơn thần linh và cầu mong may mắn đến cho dân làng. Dịp này, Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Mang Yang tổ chức phục dựng nghi lễ cúng nhà rông mới, trong đó lực lượng chính thực hiện nghi lễ là hội đồng già làng và dân làng Đê Kjiêng.
Đánh thức giá trị truyền thống
Nghi thức cúng nhà rông mới được cử hành bên trong nhà rông. Ảnh: P.L
Nghi thức cúng nhà rông mới được cử hành bên trong nhà rông. Ảnh: P.L

Ông Nay Kỳ Hiệp-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch: “Trước dòng chảy của cuộc sống, các nghi thức văn hóa truyền thống trong cộng đồng dân tộc thiểu số đang dần phai nhạt. Để khôi phục, gìn giữ, đánh thức những giá trị văn hóa tốt đẹp ấy, Sở giao cho Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San phối hợp cùng các địa phương tổ chức phục dựng một số nghi lễ trên nền tảng tôn trọng tính nguyên bản vốn có. Hy vọng qua đây người dân thêm quý trọng và biết cách gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc cho con cháu mai sau”.

Để chuẩn bị lễ cúng quan trọng, hội đồng già làng đã cùng nhau bàn bạc, tính toán ngày giờ, thời gian cụ thể. Vật phẩm gồm 1 con heo, 1 con gà, 1 con dê và 1 ghè rượu. Sau lễ cúng xin giết vật tế, máu của các con vật được để riêng, phần thịt được nướng chín trên bếp nhà rông để soạn mâm cúng. Dưới chân cây nêu nhỏ giữa nhà rông buộc 1 ghè rượu đã đổ đầy nước. Sau khi thịt chín, già làng bày lên mâm đặt trước cây nêu và bắt đầu cử hành nghi lễ. Già Trơm được giao nhiệm vụ thực hiện nghi lễ chính. Trước mâm cúng, già khấn to bằng tiếng Bahnar bài khấn mời thần linh về chung vui. “Bài khấn còn có ý nghĩa cảm tạ thần linh đã luôn giúp đỡ dân làng. Mong khi về nhà rông mới, thần sẽ tiếp tục phù hộ cho dân làng khỏe mạnh, bình an. Chúng tôi cũng cầu thần linh bảo vệ nhà rông luôn vững chãi đến đời con đời cháu”-già Trơm cho hay.
Sau khi bài khấn kết thúc, tiếng cồng chiêng được tấu lên rộn ràng. Già làng lấy 2 bó lá rừng đã chuẩn bị nhúng vào tiết các con vật rồi vừa đi vừa vẩy khắp 4 góc nhà rông. Các bó lá sau đó được treo lên mái nhà rông. Cuối cùng, già làng cùng người dân và khách mời giao lưu ẩm thực, sinh hoạt văn hóa vui vẻ. Lúc này, đội cồng chiêng sẽ tấu lên bài mừng nhà rông và biểu diễn 3 vòng xung quanh cây nêu, sau đó tiếp tục biểu diễn trước sân nhà rông trong niềm hân hoan, phấn khởi của dân làng. Ông Djưng chia sẻ: “Lâu lắm rồi làng mới có ngày hội tưng bừng như vậy. Bà con hôm nay đều nghỉ việc đồng áng để tới tham gia lễ cúng và chung vui”. Lễ mừng nhà rông mới kéo dài trong làn điệu dân ca mượt mà, tiếng cồng chiêng náo nức, trầm bổng vang xa khắp núi đồi…
 PHƯƠNG LINH

Có thể bạn quan tâm