Tiết mục hát dân ca của đội thi huyện Mang Yang. Ảnh: Ngọc Minh |
Dự liên hoan có lãnh đạo Ban Dân vận Thị ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã An Khê; đại diện lãnh đạo UBND thị xã An Khê; đại diện lãnh đạo Tỉnh Đoàn-Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Gia Lai cùng gần 200 nghệ nhân, diễn viên của 5 đội thi thuộc cụm số 3 gồm: Các huyện Kông Chro, Mang Yang, Đak Pơ, Kbang và thị xã An Khê.
Tham gia liên hoan, các đội thi biểu diễn 3 nội dung: Diễn tấu nhạc cụ dân tộc, hát dân ca và trình diễn cồng chiêng. Tại phần thi diễn tấu nhạc cụ dân tộc, các đội thể hiện độc tấu, song tấu, hòa tấu bằng các nhạc cụ: T’rưng, đinh dek, trống, lục lạc, đàn goong. Ở nội dung hát dân ca, các đội thi thể hiện hát giao duyên, hát kể, hát đồng dao, kể khan. Trong phần trình diễn cồng chiêng, các đội biểu diễn những bài chiêng đặc sắc như mừng lúa mới, lễ đâm trâu, ăn lúa mới.
Phần thi biểu diễn cồng chiêng của đội thi thị xã An Khê. Ảnh: Ngọc Minh |
Trong thời gian diễn ra liên hoan, dù thời tiết không mấy thuận lợi nhưng với sự chuẩn bị chu đáo từ đạo cụ đến trang phục và sự cố gắng của tất cả các thành viên, các đội thi đã hoàn thành tốt tất cả các nội dung, tạo nên sự thành công trọn vẹn cho liên hoan.
Kết thúc liên hoan, Ban tổ chức trao giải nhất toàn đoàn cho đội thi huyện Kbang, giải nhì toàn đoàn thuộc về đội thi thị xã An Khê, giải ba toàn đoàn thuộc về đội thi huyện Kông Chro; đội thi các huyện Đak Pơ, Mang Yang đạt giải khuyến khích toàn đoàn.
Anh Đỗ Đức Thanh-Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Gia Lai, Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan (bìa phải) trao giải nhất toàn đoàn cho đội thi huyện Kbang. Ảnh: Ngọc Minh |
Ngoài ra, Ban tổ chức trao 3 giải A, 3 giải B, 3 giải C cho các đội thi ở các nội dung thi: hát dân ca, diễn tấu nhạc cụ dân tộc, trình diễn cồng chiêng. Trong đó, đội thi huyện Kbang giành giải A ở các phần hát dân ca, diễn tấu nhạc cụ dân tộc và trình diễn cồng chiêng. Giải phụ thí sinh nhỏ tuổi nhất được trao cho em Đinh Thị Nho đội thi huyện Kbang.
Thông qua liên hoan nhằm tạo môi trường để các câu lạc bộ, đội, nhóm cồng chiêng của các địa phương trong toàn tỉnh được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm; thực hiện tốt công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên. Qua đó, khơi dậy lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng trong thanh thiếu nhi đồng bào dân tộc thiểu số và góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.