Liên hoan Văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk vừa diễn ra đã quy tụ hơn 450 nghệ nhân của 15 đơn vị huyện, thành phố, thị xã tham dự.
Các nghệ nhân J’rai từ huyện Ea H’leo, Ea Súp; nghệ nhân Vân Kiều ở huyện Krông Pắc; nghệ nhân M’nông huyện Lắk, cùng với các nghệ nhân Êđê, Bih... đã tụ hội về Liên hoan trong niềm vui đua tài náo nức. Theo cùng “Không gian cồng chiêng” là các nhạc cụ cổ truyền như đing năm, đing buốt âm thanh dặt dìu, những câu hát k’ưt mênh mang, điệu arei rộn ràng, câu klei k’han trầm bổng xa xưa, vũ điệu suang sinh hoạt, múa chim grứ, pa kngan rong yang trong các lễ thức, cùng với những trích đoạn lễ cưới M’nông, lễ Mkăm prok, lễ kết nghĩa anh em Êđê... đã được phục dựng, mang đến cho người xem nhiều cảm xúc, để chiêm nghiệm hiểu thêm thế nào là di sản thế giới.
Chỉ có 5 giải A được trao cho các tiết mục. Đó là tiết mục mừng Dam Khơi của tộc người Vân Kiều (huyện Krông Pắc), chỉ với 1 chiếc ching mà tạo nên 3 cao độ âm thanh khác nhau, kết hợp cùng trống nhỏ tạo hiệu ứng âm thanh rất cao. Các tiết mục tấu ching Knah (huyện Krông Bông và TX. Buôn Hồ) với bài Chiriria và Drei ea hào hứng và sôi nổi. Bài ching Arap cùng vũ điệu suang của đoàn Ea H’leo chinh phục được người xem bởi không khí rộn ràng, đặc biệt sự kết hợp khéo léo khi hòa chung trong tổng thể cả ching cổ, ching cải tiến lẫn ching tre để phụ họa cho điệu suang; cũng đồng nghĩa đây là minh chứng cho sự bảo tồn truyền thống và sự cải tiến của văn hóa có thể cùng “chung sống” hài hòa trong không gian cộng đồng, miễn sáng tạo ấy không khiên cưỡng.
Tái hiện các nghi thức trong lễ cưới của người M'nông Gar (huyện Lắk) tại Liên hoan. Ảnh: Hoàng Gia |
Thật vui mừng khi trong trích đoạn đám cưới của người M’nông Gar (huyện Lắk), cùng với nghi lễ, các nghệ nhân đã phục hồi được bài ching cổ Tkiêng siêng liêng gần như đã thất lạc từ lâu. Hay vũ điệu Mkăm prok truyền thống rộn ràng của vùng Krông Năng chưa mất đi trong cộng đồng trẻ. Hoặc lần đầu tiên có đoàn mang tới Liên hoan không chỉ dàn ching 7 chiếc đã quen thuộc mà cả trống H’gơr, dàn ching knah đủ bộ từ 9 - 10 chiếc. Âm thanh của Ana ching, Char khiến phần đệm không chỉ tăng âm lượng mà còn vô cùng đầy đặn. Hoặc các nghệ nhân buôn Ako Siêr sử dụng cả hai đầu dùi có bọc và không bọc, tạo hiệu quả khác biệt cho âm thanh ching kram. Người xem cũng thú vị với tiết mục kể klei K’han Mdrong Dam của đoàn TP. Buôn Ma Thuột, do khống chế thời gian biểu diễn nên nghệ nhân kể chưa trọn đoạn nhưng vẫn có thể hình dung được một lối trình diễn bổng trầm xưa trong không gian bếp lửa huyền bí. Đặc biệt là sự xuất hiện đồng điệu của tốp ching knah trẻ ở huyện Ea Kar, ching kram huyện Cư Kuin khiến người xem thêm niềm tin vào sự trao truyền, tiếp nối của di sản. Những sáng tạo vẫn nằm trong khuôn khổ dân gian khiến người xem hài lòng vì phương thức trình diễn và âm thanh mang hơi thở cuộc sống mới mà vẫn không xa rời truyền thống.
Liên hoan có sự tham gia của nhiều diễn viên trẻ. Ảnh: Hoàng Gia |
Dù các đoàn tham gia đều rất nỗ lực, nhưng thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá thì Liên hoan vẫn có những sơ suất thuộc về công tác dàn dựng, đạo diễn, cần được rút kinh nghiệm. Đó là vẫn có sự nhầm lẫn Liên hoan Văn hóa cồng chiêng (tức là liên hoan nghệ thuật dân gian thuần túy) với Liên hoan Nghệ thuật quần chúng dẫn đến việc có những tiết mục ghép các dàn ching cùng tấu lại tạo nên hiệu quả ngược với mong muốn; hoặc nhạc cụ cải tiến, trình bày bài nhạc có tác giả, không phải của dân gian. Vài lễ hội được phục dựng chỉ vài người tham gia, khác với tập quán cố kết, chia sẻ mọi vui buồn của cộng đồng các tộc người. Hay dàn ching kram thường chỉ dùng cho thanh thiếu niên luyện tập, không thể dùng để tấu những bài ching cúng Yang (drong Yang). Các đoàn cũng cần chú ý tới trang phục nguyên gốc, chứ không phải thuê váy áo biểu diễn lòe loẹt màu sắc, lóng lánh kim sa; hay nhóm Êđê Drao lại mặc trang phục Bih... như trong một liên hoan nghệ thuật quần chúng.
Một tiết mục được dàn dựng công phu tại Liên hoan. Ảnh: Hoàng Gia |
Về nghệ thuật múa: múa dân gian Tây Nguyên không có động tác nhảy nâng chân hất về phía sau hay phía trước. Người Êđê vốn không có múa sinh hoạt mà chỉ có múa trong nghi lễ, là một trong số ít tộc người có định hình động tác, như múa Chim grứ hay Pah kngan rông Yang... song hành với tấu ching knah (tay không giơ cao quá đầu). Chỉ nên dựng múa (tạm gọi là suang) cùng với dàn ching kram. Múa suang truyền thống J’rai rất đẹp, rất uyển chuyển nhẹ nhàng gần như bị bỏ qua, chỉ còn những động tác giật khuỷu tay thiếu hẳn nữ tính và xa lạ với múa Tây Nguyên.
Hy vọng với thành công của Liên hoan lần này, việc tổ chức các liên hoan văn hóa cồng chiêng cấp tỉnh, thậm chí là cấp huyện, hoặc liên hoan nghệ thuật dân gian sẽ được ngành văn hóa chú ý, tổ chức thường xuyên hơn, để hơn 40 dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh đều có thể tham gia và kiệt tác di sản này luôn được cộng đồng gìn giữ một cách thật sự ở chính các buôn, bon, kon, plei…
Theo Linh Nga Niê Kdăm (baodaklak.vn)