Kinh tế

Doanh nghiệp

Liên kết với doanh nghiệp: Giải pháp cho người trồng cà phê Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chi phí đầu tư sản xuất lớn nhưng lại bán qua nhiều trung gian khiến lợi nhuận của người trồng cà phê không còn được bao nhiêu, nhất là trong bối cảnh giá mặt hàng này đang xuống thấp. Do đó, việc liên kết với doanh nghiệp để được bao tiêu sản phẩm là giải pháp giúp người trồng cà phê giảm bớt khó khăn, nâng cao thu nhập.

Khó khăn khi giá xuống thấp

Gia đình anh Phạm Mạnh Hùng (thôn Tam Điệp, xã Hneng, huyện Đak Đoa) bắt đầu trồng cà phê từ năm 1994. Từ 4 sào ban đầu, anh mở rộng dần diện tích lên đến 6 ha vào năm 2012. Gắn bó với việc trồng cà phê suốt 25 năm, anh Hùng đã chứng kiến bao biến động về giá mặt hàng này trên thị trường. “Có năm, giá cà phê lên đến gần 50.000 đồng/kg nhưng liền sau đó hạ xuống còn 37.000 đồng/kg, rồi cứ thế hạ dần. Mới cách đây ít ngày, tôi phải bán với giá 31.300 đồng/kg, tính ra là lỗ đấy, nhưng gia đình có quá nhiều thứ phải chi tiêu thì biết làm thế nào!”-anh Hùng cảm thán.

Lỗ là vì chi phí đầu tư trồng, chăm sóc, thu hoạch cà phê quá lớn, nhất là công thu hái. Anh Hùng cho biết: “Hiện nay, trung bình mỗi héc ta cà phê, công thu hái vào khoảng 12 triệu đồng, trong khi chỉ thu hoạch được khoảng 13-14 tấn quả tươi. Với chi phí bỏ ra thì giá cà phê phải ở mức 34.000-35.000 đồng/kg, nông dân mới có lãi. Tôi đang ký gửi cho doanh nghiệp gần 9 tấn cà phê nhân, hy vọng sắp tới giá lên cao một chút để bán. Nhưng chẳng biết tới bao giờ thì giá lên!”.

 Nông dân cần liên kết sản xuất cà phê với doanh nghiệp để phát triển bền vững. Ảnh: Đức Thụy
Nông dân cần liên kết sản xuất cà phê với doanh nghiệp để phát triển bền vững. Ảnh: Đức Thụy



Việt Nam là nước đứng đầu thế giới về lượng xuất khẩu cà phê robusta nhưng lại không làm chủ được giá bán ra mà phụ thuộc vào sự chi phối của các sàn giao dịch tại New York hay London. Nói về nguyên nhân khiến giá cà phê nước ta còn thấp, tại Hội nghị Khoa học công nghệ vừa diễn ra hồi tháng 2-2019 tại Đak Lak, ông Trương Hồng-quyền Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên-cho rằng, 2 khâu quan trọng quyết định chất lượng sản phẩm cà phê là thu hoạch và sơ chế. Nhưng ở Việt Nam nói chung, Tây Nguyên nói riêng, đây lại là 2 khâu yếu nhất bởi người trồng cà phê vẫn thường thu hoạch theo kiểu tuốt cành, hái cả quả chín lẫn quả xanh khiến chất lượng hạt không đồng đều. Điều này khiến chất lượng cà phê của nước ta thấp, giá bán theo đó cũng thấp.

Trong khi giá cà phê nhân xuất khẩu đang ở mức thấp và chưa có dấu hiệu phục hồi thì các chi phí vật tư đầu vào như phân bón, điện, nước, xăng dầu, công lao động vẫn tăng đều. Điều này đồng nghĩa với việc người trồng cà phê sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Cần liên kết với doanh nghiệp

“Mang cà phê hữu cơ Việt ra thế giới” được Công ty TNHH Vĩnh Hiệp-một trong 15 doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam và nằm trong tốp 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam-coi là sứ mệnh của mình. “Từ năm 2010 đến nay, Công ty chỉ sản xuất và thu mua những sản phẩm cà phê được cấp giấy chứng nhận UTZ và 4C. Mỗi năm, Công ty xuất khẩu khoảng 70.000 tấn cà phê robusta. Các sản phẩm cũng được sản xuất bằng dây chuyền thiết bị với công nghệ Probat từ châu Âu cùng hệ thống quản lý chất lượng ISO 22000:2005 và HACCP. Sở dĩ Công ty chọn hướng này bởi chúng tôi hiểu rõ nâng cao chất lượng cà phê luôn là giải pháp hàng đầu”-ông Thái Như Hiệp-Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp-cho biết.

Hiện Công ty Vĩnh Hiệp đã liên kết với trên 10.000 hộ trồng khoảng 30.000 ha cà phê theo tiêu chuẩn UTZ và 4C. Gia đình anh Hùng là một trong những hộ liên kết lâu năm với Vĩnh Hiệp. “Khi được đảm bảo đầu ra, nông dân chúng tôi sẽ hoàn toàn an tâm sản xuất. Đó là cái lợi đầu tiên khi liên kết với doanh nghiệp lớn. Tiếp nữa là được hỗ trợ về kiến thức chăm sóc cà phê theo tiêu chuẩn quốc tế và cả vốn để mua vật tư. Thêm nữa là khi mua bán trực tiếp với doanh nghiệp lớn, không qua nhà thu mua trung gian, giá cà phê sẽ cao hơn. Mặc dù đang ký gửi gần 9 tấn cà phê nhân tại Vĩnh Hiệp, chưa bán do giá còn quá thấp, nhưng tôi vẫn được Vĩnh Hiệp hỗ trợ 100 triệu đồng để tái đầu tư”-anh Hùng cho biết.

Theo một nghiên cứu của tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH), có tới 90% lượng cà phê được thu gom bởi các thương lái trung gian, chỉ 10% được bán trực tiếp cho các công ty lớn. ông Hiệp cho rằng: “Nông dân ở đây còn chưa mạnh dạn đến gặp trực tiếp doanh nghiệp lớn để bán hàng mà chỉ bán cho các thương lái hoặc đại lý thu mua. Vì những điểm này cũng khá “dễ tính”, thậm chí mua cả cà phê tươi, cung cấp cả vật tư đầu vào như phân bón, giống cà phê, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân theo hình thức tín chấp trả chậm, giúp nông dân có vốn để chăm sóc cây trồng mà không phải tìm tới “tín dụng đen”... Nhưng khi bán, họ sẽ tìm cách lấy lãi nhiều hơn bằng cách trừ hao đủ thứ như độ ẩm, tạp chất, trung bình mỗi ký nông dân mất khoảng 500 đồng. Trong khi nếu tới với doanh nghiệp lớn, họ cũng bị trừ những thứ đó nhưng chỉ mất khoảng 100 đồng/kg. Nếu nông dân không mạnh dạn, không liên kết với doanh nghiệp thì bao giờ mới phát triển được?”.

Tại Việt Nam, trung bình chi phí để làm ra 1 tấn cà phê vào khoảng 25-30 triệu đồng, trong khi thế giới chỉ cần 15 triệu đồng. Khi bán với giá 31.000 đồng/kg như hiện nay thì nông dân ở một số nước vẫn có lãi, trong khi ở Việt Nam, muốn có lãi thì giá phải ở mức 34.000-35.000 đồng/kg. “Phải có sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước, của ngân hàng thì nông dân trồng cà phê mới có thể “sống” tiếp. Chứ tình hình này, không biết chúng tôi sẽ còn cầm cự được bao lâu?”-anh Hùng chia sẻ.

 HÀ DUY

 

Có thể bạn quan tâm