Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Liên tiếp xảy ra các vụ hỏa hoạn: Đâu là nguyên nhân?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mới 3 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã xảy ra 14 vụ hỏa hoạn, gây thiệt hại về tài sản gần 100 tỷ đồng. Thời tiết khô hạn kéo dài cùng với sự chủ quan của người dân đang là mối đe dọa thường trực về nguy cơ cháy nổ.

Một tháng xảy ra 3 vụ cháy lớn

Đã 8 ngày trôi qua nhưng vụ hỏa hoạn tại kho chứa hàng của Doanh nghiệp tư nhân Phú Lợi (làng Klah 2, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) vẫn chưa hoàn toàn bị dập tắt. Ngọn lửa hung hãn thiêu rụi các dãy nhà kho chứa mì xắt lát đã khô. Thông tin từ Công an tỉnh, nhận tin báo lúc 20 giờ 30 phút ngày 22-3, đơn vị đã cử lực lượng nhanh chóng đến hiện trường và tổ chức chữa cháy. Tại thời điểm xảy ra vụ cháy, kho chứa khoảng 20.000 tấn mì lát. Kho nông sản này có diện tích khoảng 9.000 m2, khung thép lợp mái tôn, phía trên cao nhà kho là đường dây điện 500 KV. Tiếp giáp với kho này là kho nông sản của doanh nghiệp tư nhân Sơn Huyền và Việt Tân. Theo báo cáo của doanh nghiệp, thiệt hại sơ bộ ban đầu ước tính khoảng 60 tỷ đồng. Đây được coi là vụ cháy có thời gian chữa cháy lâu nhất và thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh. Cục Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy và Cứu nạn Cứu hộ cùng Cơ quan Kỹ thuật Hình sự Bộ Công an đã vào cuộc điều tra nguyên nhân vụ cháy.

 

Hiện trường vụ cháy tại kho chứa hàng của Doanh nghiệp tư nhân Phú Lợi. Ảnh: N.T
Hiện trường vụ cháy tại kho chứa hàng của Doanh nghiệp tư nhân Phú Lợi. Ảnh: N.T

Trong khi vụ hỏa hoạn tại kho chứa hàng của Doanh nghiệp tư nhân Phú Lợi chưa được khống chế hoàn toàn thì một vụ hỏa hoạn khác lại xảy ra. Khoảng 6 giờ 30 phút ngày 28-3, tại nhà kho chứa mùn cưa dùng để sấy hạt cà phê của Doanh nghiệp tư nhân Loan Bang (thôn Cầu Vàng, xã Kdang, huyện Đak Đoa) xảy ra cháy lớn. 3 tiếng đồng hồ sau khi phát hiện, vụ cháy được lực lượng Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy (Công an tỉnh) khống chế hoàn toàn.

Trước đó, lúc 16 giờ ngày 2-3, tòa nhà lớn nhất huyện Chư Sê (số 634 Hùng Vương, thị trấn Chư Sê) của cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng nội thất Thanh Kiều bị ngọn lửa bao trùm. Nguyên nhân vụ cháy được xác định là do chập điện bắt lửa bốc cháy từ tầng 6 tòa nhà. Ngọn lửa táp nhanh vào các vật liệu nội thất và lan khắp tòa nhà khiến người dân lân cận phải bỏ chạy vì sợ tòa nhà sụp đổ. Công an tỉnh điều 5 xe cứu hỏa và 50 cán bộ, chiến sĩ xuống hiện trường dập lửa. Vụ cháy gây thiệt hại 1 tỷ đồng.

Ngoài ra, có nhiều vụ hỏa hoạn khác xảy ra vào thời gian trước đó, gây thiệt hại không nhỏ về tài sản của người dân. Theo Đại tá Dương Thanh Bình-Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy và Cứu nạn Cứu hộ (PCCC-CNCH) Công an tỉnh, 3 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh xảy ra 14 vụ hỏa hoạn, gây thiệt hại về tài sản gần 100 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2015, số vụ cháy giảm 4 vụ nhưng thiệt hại về tài sản tăng hàng chục lần.

Phốt lờ quy định phòng cháy

Thời gian qua, Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra công tác đảm bảo an toàn cháy nổ tại các cơ sở, doanh nghiệp có nguy cơ cháy nổ cao. Qua kiểm tra, đoàn đã phát hiện nhiều đơn vị chưa chấp hành quy định phòng, chữa cháy. Những cảnh báo, nhắc nhở của cơ quan chức năng với chủ cơ sở, doanh nghiệp thường bị phớt lờ.

Một trong những nguyên nhân khiến kho chứa hàng của Doanh nghiệp tư nhân Phú Lợi vẫn đang nghi ngút lửa khói là do chủ cơ sở chưa chấp hành đầy đủ quy định phòng cháy. Khi xảy ra cháy lớn, tại kho không có lực lượng chữa cháy thường trực của doanh nghiệp hỗ trợ lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp; không có bể chứa nước, giếng nước và hệ thống đường ống dẫn nước để hỗ trợ việc dập lửa. Những ngày đầu, xe cứu hỏa phải bơm nước từ bể chứa của một vài doanh nghiệp lân cận cách đó 1-2 km. Nhưng khi nguồn nước lân cận cạn kiệt, xe cứu hỏa phải chạy 10 km để lấy nước. “Nếu khi xảy ra cháy, kho có nguồn nước tại chỗ và chủ cơ sở báo cháy kịp thời thì chúng tôi đã dập được lửa rồi. Lửa bắt cháy từ 4 giờ chiều mà mãi đến 8 giờ 30 phút tối, chúng tôi mới nhận được tin báo. Khi đến nơi lửa đã lan ra nhiều nơi, gây khó khăn trong việc dập lửa”-Đại tá Dương Thanh Bình cho biết.

Khi xảy ra cháy tại kho chứa hàng của Doanh nghiệp tư nhân Phú Lợi, đại diện Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH đã khảo sát hai kho nông sản sát vách là Sơn Huyền và Việt Tân và nhận thấy, chủ doanh nghiệp chưa trang bị đầy đủ hệ thống phòng cháy, chữa cháy tại các kho. Lực lượng cứu hỏa phải triển khai nhiều biện pháp chống cháy lan sang hai kho này.

Trao đổi với P.V, Đại tá Dương Thanh Bình cho biết thêm: “Các cơ sở gia công, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh đứng đầu danh sách cảnh báo hỏa hoạn. Thực tế đã có nhiều vụ hỏa hoạn xảy ra tại các cơ sở này. Bên cạnh đó, các chợ, trung tâm thương mại, các cơ sở sang chiết gas... tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Chúng tôi đã cảnh báo nhiều nhưng rất ít đơn vị chấp hành. Nhiều đơn vị bị lập biên bản xử phạt cũng chây ì không chịu đến nộp phạt. Thời gian tới, trong điều kiện khí hậu nắng nóng, nguy cơ cháy nổ rất cao, vì vậy mỗi người dân cần tự ý thức phòng cháy, cẩn trọng khi sử dụng lửa, hệ thống đường dây và các thiết bị sử dụng điện”.

Nguyễn Tú-Đức Phương

Có thể bạn quan tâm