Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Lính biên phòng bảo vệ vững chắc vùng biên: Điểm tựa của ngư dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đồng hành với ngư dân trên hành trình chinh phục biển cả, những người lính biên phòng tuyến biển dã trở thành điểm tựa của ngư dân, giúp ngư dân nắm chắc pháp luật, khai thác hải sản có trách nhiệm.

Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng tuần tra, kiểm soát tại Âu thuyền Thọ Quang. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)
Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng tuần tra, kiểm soát tại Âu thuyền Thọ Quang. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)


Với đường bờ biển trải dài cùng ngư trường đánh bắt hải sản rộng lớn, các tỉnh, thành phố khu vực Trung Trung bộ có những đội tàu đánh bắt xa bờ hùng hậu đang ngày đêm vươn khơi xa, vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Đồng hành với ngư dân trên hành trình chinh phục biển cả là những người lính biên phòng tuyến biển.

Điểm tựa của ngư dân

Tại Cảng cá, âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng), thuyền trưởng, chủ tàu cá ĐN-90372TS Đinh Văn Lợi cùng 7 thuyền viên vừa trở về sau chuyến đi biển dài ngày. Ngay lập tức, ông Lợi cùng các thuyền viên được các chiến sỹ Đồn Biên phòng Sơn Trà hướng dẫn xét nghiệm COVID-19; khai báo y tế, nhật ký hành trình, nhật ký khai thác và được bố trí neo đậu tàu an toàn trong âu thuyền.

Thuyền trưởng Đinh Văn Lợi cho biết do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên công tác kiểm tra khi tàu, thuyền ra, vào kỹ hơn. Bên cạnh việc khai báo hành trình, các thuyền viên đều phải thực hiện xét nghiệm COVID-19 và khai báo y tế tại Trạm Kiểm soát Biên phòng mới được vào âu thuyền. Khi neo đậu tàu, thuyền hay buôn bán hải sản ở cảng cá, ngư dân cũng phải tuân thủ các quy định chung về phòng, chống dịch. Nhờ sự thường xuyên kiểm tra, thăm hỏi, nhắc nhở của lực lượng biên phòng, ngư dân cảm thấy an toàn hơn.

Cảng cá, âu thuyền Thọ Quang là một trong những khu hậu cần nghề cá lớn nhất tại miền Trung, với nhiều tàu, thuyền của các địa phương thường xuyên vào neo đậu, mua bán, trao đổi hàng hóa.

 

Chiến sỹ tại Trạm kiểm soát Biên phòng Mân Quang (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) ra hiệu lệnh để tàu thuyền vào trạm khai báo. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)
Chiến sỹ tại Trạm kiểm soát Biên phòng Mân Quang (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) ra hiệu lệnh để tàu thuyền vào trạm khai báo. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)


Trực tiếp lên các tàu đang neo đậu để thăm hỏi, kiểm tra công tác phòng, chống dịch, Trung tá Văn Đức Trường, Chính trị viên Đồn Biên phòng Sơn Trà (Đà Nẵng) đã quen với việc tuyên truyền “nhiệm vụ kép” cho các ngư dân. Trung tá Văn Đức Trường cho hay bên cạnh việc kiểm tra, nhắc nhở các quy định đảm bảo thông điệp “5K,” lực lượng Bộ đội Biên phòng còn tham gia vận chuyển lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho ngư dân trên tàu, thuyền vào thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội, đảm bảo không ai bị thiếu đồ ăn, nước uống.

Trong những ngày đầu tháng 9/2021, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Sơn Trà đã vận động, phối hợp với các tổ chức từ thiện, trao 100 suất quà cho ngư dân có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất quà gồm các nhu yếu phẩm thiết yếu trị giá 2 triệu đồng.

Nằm ngoài khơi Biển Đông, khu vực Trung Trung bộ có huyện đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) và xã đảo Tân Hiệp (đảo Cù Lao Chàm, ở thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam), đều là những vị trí chiến lược trọng yếu về an ninh quốc phòng cũng như phát triển kinh tế biển đảo.

Cách đất liền khoảng 16km, đảo Cù Lao Chàm được Tổ chức UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2009. Đứng chân trên “Đảo ngọc,” những năm qua, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm đã có nhiều cách làm hay trong việc vận động ngư dân trên đảo chung tay bảo vệ môi trường biển như không sử dụng túi nylon, không sử dụng các hình thức đánh bắt hủy diệt nguồn lợi hải sản, bảo vệ các bãi san hô quanh đảo, vận động bà con thả nhiều cá thể rùa biển bị mắc lưới…

Qua đó, các cán bộ, chiến sỹ Biên phòng đã góp phần cùng chính quyền, nhân dân xã đảo Tân Hiệp chung tay bảo vệ bền vững môi trường, hệ sinh thái biển và trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Ở khu vực cửa ngõ phía Nam Vịnh Bắc Bộ, huyện đảo Cồn Cỏ có diện tích khoảng 2,3km2, thuận lợi trong phát triển kinh tế biển đảo, hoạt động du lịch và giao thông đường biển. Đóng quân trên đảo, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cồn Cỏ vẫn đang ngày đêm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc và giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Trung tá Nguyễn Đình Cường, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cồn Cỏ cho biết, với trọng trách và nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đơn vị luôn triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, đảm bảo an ninh, trật tự tại địa bàn phụ trách.

Do yêu cầu công việc, nhiều đồng chí trong đơn vị nhiều tháng qua vẫn chưa về thăm nhà, sẵn sàng ở lại thực hiện nhiệm vụ mà cấp trên giao phó. Thời gian này đang là mùa mưa bão, để đảm bảo lương thực, thực phẩm cho quân và dân trên đảo, đơn vị cũng đẩy mạnh tăng gia sản xuất trồng trọt và chăn nuôi. Bên cạnh đó, đơn vị bố trí túc trực 24/24 giờ, đảm bảo 100% quân số sẵn sàng chuẩn bị ứng phó với mọi tình huống…

Ở vị trí nơi tiền tiêu của Tổ quốc, Đồn Biên phòng Cồn Cỏ luôn chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu, đề xuất các chủ trương, giải pháp ứng cứu kịp thời khi có tàu, thuyền của ngư dân gặp nạn trên biển. Khi xuất hiện áp thấp nhiệt đới hoặc những cơn bão trên Biển Đông, đơn vị luôn chủ động làm tốt công tác thống kê, kêu gọi tàu, thuyền đang hoạt động quanh khu vực biển đảo Cồn Cỏ, nhanh chóng vào nơi tránh trú an toàn.

Ngoài ra, Đồn Biên phòng Cồn Cỏ thường xuyên phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng vũ trang đóng quân trên đảo và các lực lượng tuyến biển như Cảnh sát biển, Kiểm ngư thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát, bảo vệ chủ quyền an ninh trên biển.

Giúp ngư dân nắm chắc pháp luật

Nhằm trang bị kiến thức pháp luật cho ngư dân không vi phạm đánh bắt ở vùng biển của nước ngoài, thời gian qua, Bộ đội Biên phòng tuyến biển ở các tỉnh, thành phố khu vực Trung Trung bộ cũng tích cực vào cuộc, đẩy mạnh tuyên truyền và giám sát việc chấp hành quy định của các chủ tàu cá, qua đó góp phần hạn chế những vi phạm xảy ra.

 

Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, pháp luật Việt Nam cho ngư dân trên các tàu cá. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)
Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, pháp luật Việt Nam cho ngư dân trên các tàu cá. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)


Đang trên tàu để chuẩn bị cho chuyến đi biển mới, ngư dân Trần Văn Bình (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) tỉ mỉ kiểm tra hệ thống máy liên lạc, máy giám sát hành trình để đảm bảo không bị sự cố khi trên biển. Nếu máy móc gặp sự cố, mất tín hiệu quá 6 tiếng, ông sẽ bị phạt theo các quy định chống đánh bắt thủy sản bất hợp pháp IUU và không nhận được khoản hỗ trợ tiền dầu của Nhà nước.

Ông Bình là chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá ĐNa 91095-TS, đồng thời cũng là đội trưởng của một tổ đội đánh bắt xa bờ gồm 14 tàu, thuyền. Thời gian qua, nhờ sự hướng dẫn, tuyên truyền của Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng nên ông Bình cùng các thành viên tổ đội luôn thực hiện nghiêm các quy định về khai thác thủy sản hợp pháp, không vi phạm lãnh hải các nước lân cận.

“Là người sống bằng nghề đánh bắt thủy sản, tôi ý thức rằng các quy định của Nhà nước cũng nhằm bảo vệ những người làm nghề, để có được nguồn lợi lâu dài, bền vững. Vì vậy, tôi luôn tuân thủ nghiêm những quy định về khai báo khi ra, vào cảng và luôn bật thiết bị giám sát hành trình, cũng như ghi chép đầy đủ giấy tờ nhật ký khai thác. Khi gặp các tàu biên phòng tuần tra, giám sát trên biển hay khi cập bờ, tôi chỉ cần xuất trình đầy đủ các giấy tờ và tuân thủ đúng quy định” - ngư dân Trần Văn Bình chia sẻ.

Từ năm 2020, toàn bộ 565 tàu cá đánh bắt xa bờ của thành phố Đà Nẵng đã được hỗ trợ lắp thiết bị giám sát hành trình và kinh phí thuê bao năm đầu tiên. Khi ra khơi, tất cả các tàu cá đều phải bật thiết bị giám sát hành trình này và luôn được theo dõi chặt chẽ. Nếu tàu cá nào đi ra khỏi vùng quy định hoặc bị mất tín hiệu quá 6 tiếng, khi về đất liền sẽ bị lực lượng Bộ đội Biên phòng, Chi cục Thủy sản thành phố xử phạt theo quy định. Vì vậy, các chủ tàu, thuyền trưởng đều chấp hành rất nghiêm túc.

Theo Đại tá Đỗ Văn Đông, Chính ủy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân được các đơn vị chú trọng, thực hiện thường xuyên, trong đó tập trung giới thiệu những điều cơ bản của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Luật Biển Việt Nam, những quy định về chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo…

Bên cạnh đó, tất cả tàu cá ra, vào Cảng cá, âu thuyền Thọ Quang đều phải khai báo, xuất trình giấy tờ nghiêm ngặt tại Trạm kiểm soát Biên phòng Mân Quang (Đồn Biên phòng Sơn Trà). Kết quả nổi bật là trong năm qua, không có phương tiện tàu cá nào của Đà Nẵng bị phạt vì vi phạm lãnh hải hoặc bị nước ngoài bắt giữ, xử lý.

Quảng Nam là địa phương có đội tàu đánh bắt xa bờ “hùng hậu” ở khu vực miền Trung với khoảng 700 chiếc, thường xuyên hoạt động trên các ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa.

Theo Đại tá Hoàng Văn Mẫn, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam, các đồn biên phòng tuyến biển, đảo trên địa bàn tỉnh thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ và tuân thủ nghiêm quy định pháp luật về đánh bắt hải sản trên biển; yêu cầu tất cả tàu, thuyền đánh bắt từ khu vực vùng lộng trở ra bắt buộc phải gắn thiết bị hành trình, để tránh tình trạng vi phạm vào vùng hải phận nước ngoài, cũng như để các lực lượng xác định vị trí, kịp thời hỗ trợ khi tàu gặp sự cố trên biển.

Lực lượng Biên phòng tỉnh Quảng Nam cũng hướng dẫn ngư dân thành lập các Tổ đoàn kết đánh bắt trên biển để hỗ trợ nhau khi gặp sự cố ngoài khơi.

Xác định vai trò quan trọng của việc trang bị kiến thức pháp luật đầy đủ cho ngư dân, thời gian qua, Đồn Biên phòng đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) đã có nhiều hình thức tuyên truyền phong phú bằng cách tổ chức tập trung hoặc lưu động trên biển, qua đó hạn chế thấp nhất những vi phạm có thể xảy ra và góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị, từ đầu năm 2021 đến nay, qua tuần tra, kiểm soát, các đơn vị đã phát hiện 4 vụ với 6 tàu vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác thủy sản, giao thông đường thủy, qua đó xử phạt hành chính 160 triệu đồng; đồng thời phát hiện, lập biên bản xử lý 19 lượt tàu cá lạ.

Theo Đại tá Phạm Xuân Diệu, Phó Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng, để giảm thiểu, đi đến chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài, cần có giải pháp đồng bộ, toàn diện, quyết liệt; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nhất là sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố ven biển.

Về phía Bộ đội Biên phòng, sẽ tiếp tục chú trọng và đẩy mạnh công tác tuyền truyền để ngư dân khai thác hải sản bền vững, có trách nhiệm, vươn khơi bám biển, không vi phạm vùng biển nước ngoài; khai thác đi đôi với bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản; phát triển kinh tế biển bền vững gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Theo Đỗ Trưởng-Thanh Thủy-Quốc Dũng-Trịnh Nhiệm (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm