Bạn đọc

Linh hoạt trong làm kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lâu nay, nhiều địa phương vẫn loay hoay trong bài toán phát triển kinh tế cho người nông dân với đề bài khá hóc búa: trồng cây gì, nuôi con gì. Và người ta thường lấy thế mạnh của địa phương đó để giải. Chẳng hạn như ở Tây Nguyên thì trồng các loại cây công nghiệp, chăn nuôi đại gia súc; ở đồng bằng Duyên hải thì trồng lúa năng suất cao, nuôi cá nước ngọt, đánh cá biển…

Thực ra, để có được “công thức” chung như trên, nền kinh tế nông thôn của các địa phương ấy đã trải qua nhiều giai đoạn thử nghiệm, có lúc phải “trầy da tróc vảy” mới có được một cơ cấu hợp lý để phát triển kinh tế bền vững. Ngay như ở Gia Lai, nhắc đến các huyện phía Tây là nghĩ tới cây cà phê, cao su, điều; các huyện phía Đông và Đông Nam là mía, mì, lúa.

 

Ảnh internet
Ảnh internet

Trong cơ cấu ấy, nhiều lúc nông dân cũng rút ra những bài học đắt giá như người ta vẫn nêu điệp khúc: được mùa mất giá, được giá mất mùa. Không ít lần Nhà nước phải thực hiện chính sách “cứu” nông dân thoát khỏi cảnh cùng cực khi thua lỗ đến mức trầm trọng. Thế nhưng, cũng hiếm khi người ta rút ra kinh nghiệm cho những bài học đau xót ấy để lựa chọn đầu tư trồng cây gì, nuôi con gì cho chắc ăn. Thấy chanh dây đắt giá thì triệt hạ cà phê, cao su để đổ xô vào trồng. Thấy dưa hấu vụ vừa qua có giá, năm nay cả làng, cả xã ào ào trồng nhưng đầu ra không bảo đảm.

Thế nhưng, chính từ thực tiễn sản xuất và thị trường tiêu thụ nông sản đã xuất hiện nhiều tấm gương làm kinh tế giỏi, thu về hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng mỗi năm khi họ không chạy theo phong trào. Điển hình như mô hình nuôi trùn quế của anh Nguyễn Văn Hòa (thôn 1, xã Đak Hlơ, huyện Kbang). Tốt nghiệp ngành Tài chính-Ngân hàng (Đại học Bình Dương) và đang là nhân viên ngân hàng tại tỉnh Đồng Nai nhưng năm 2014, anh Hòa lại trở về làm giàu trên quê hương Kbang.

Con đường làm giàu mà anh chọn rất khác người. Nếu như người dân quê anh chuyên về trồng mía, trồng mì, chăn nuôi bò thì anh lại nghiên cứu sử dụng chất thải của bò, heo để nuôi trùn quế. Phân gia súc sau khi được trùn quế xử lý đã hết mùi hôi trở thành phân trùn quế được anh bán với giá 3 triệu đồng/tấn. Trùn quế cung ứng cho các gia đình chăn nuôi gà, vịt, ngan, ngỗng, cá… Trùn quế thương phẩm còn được chế biến thành bột, mắm, dịch… phục vụ chăn nuôi. Với giá 3 triệu đồng/tấn phân trùn quế, trung bình mỗi năm anh Hòa thu về 200-300 triệu đồng.

Một ví dụ khác là gia đình chị Vũ Thị Thúy (thôn Tung Blai, xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh). Năm 2012, chị Thúy đưa 150 cây bơ booth về trồng trái vụ trên 2 sào đất trước kia là vườn cà phê đã già cỗi được phá bỏ. Mặc dù trồng trái vụ nhưng quả bơ khá lớn, năng suất không thua kém bơ chính vụ mà giá lại cao gấp 2-3 lần. Năm 2016, chị thu về gần 200 triệu đồng, năm nay chỉ với 40 cây bơ đã được thương lái mua ngay tại vườn với giá 240 triệu đồng. Hiện người dân thôn Tung Blai đã trồng đến 1.400 cây bơ trái vụ, nhiều hộ có thu nhập 200-300 triệu đồng/vụ từ giống bơ này.

Từ những ví dụ nêu trên có thể thấy, nếu như các hộ chịu khó tìm kiếm phương thức phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện của gia đình, bên cạnh đó tìm hiểu các giống cây, con cho thu nhập cao mà mức đầu tư không lớn, thị trường lại ưa chuộng, tránh kiểu độc canh khó giải quyết đầu ra và lệ thuộc nhiều vào thương lái thì có thể đem lại thành công.

Rõ ràng, sự linh hoạt trong sản xuất cũng là điều kiện quan trọng để các gia đình vùng nông thôn làm giàu từ chính vườn, ruộng của mình.

Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm