Không quân Trung Quốc hồi tháng trước đã đưa các oanh tạc cơ chiến lược H-6 đến căn cứ quân sự ở vùng núi cao phía tây, đưa lực lượng Ấn Độ đóng quân ở biên giới vào tầm tấn công.
6 oanh tạc cơ chiến lược H-6 của Trung Quốc hiện diện ở Tân Cương. |
Theo Forbes, ảnh vệ tinh công bố thời gian gần đây cho thấy 6 oanh tạc cơ chiến lược H-6 của Trung Quốc hiện diện tại sân bay Kashgar ở khu tự trị Tân Cương.
H-6 là mẫu máy bay ném bom chiến lược của Trung Quốc dựa trên phiên bản Tu-16 của Liên Xô. Kể từ khi sản xuất những chiếc H-6 đầu tiên, Trung Quốc đã cải tiến đáng kể mẫu máy bay này với cảm biến mới, hệ thống điện tử, động cơ và vũ khí.
Căn cứ quân sự Trung Quốc ở Kashgar nằm cách vùng Ladakh của Ấn Độ khoảng 600km. Ladakh là nơi đặt Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) – đường biên giới tạm thời phân định lãnh thổ Trung-Ấn trên dãy Himalaya.
Không rõ không quân Trung Quốc đưa các oanh tạc cơ H-6 đến Kashgar vào thời điểm nào, nhưng dựa trên ảnh chụp vệ tinh, đó có thể là trong tháng 7, nhà phân tích quân sự David Axe viết trên tạp chí Forbes.
Đầu tháng 6, quân Trung Quốc ẩu đả chết người với lính tuần tra Ấn Độ. Kết quả khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng và một số lượng không xác định lính Trung Quốc thương vong.
Các chiến đấu cơ, máy bay trực thăng Ấn Độ và Trung Quốc đã liên tục tuần tra khu vực biên giới kể từ khi căng thẳng leo thang. Ấn Độ đưa đến khu vực chiến đấu cơ Su-30, tiêm kích MiG-29.
Oanh tạc cơ H-6 phóng tên lửa KD-63 trong một cuộc tập trận. |
Ngoài oanh tạc cơ chiến lược H-6, căn cứ Trung Quốc ở Kasghar còn có chiến đấu cơ đa năng J-16.
Quan sát ảnh vệ tinh, chuyên gia hàng không Andreas Rupprarou nhận thấy các oanh tạc cơ H-6 hiện diện tại căn cứ Kashgar được trang bị tên lửa hành trình KD-63, tầm bắn khoảng 200km.
Cất cánh từ căn cứ ở Kasghar, các oanh tạc cơ chiến lược Trung Quốc có thể giáng đòn tấn công nhằm vào lực lượng Ấn Độ đồn trú dọc LAC, theo Forbes.
Tuy nhiên, Kashgar nằm ở độ cao 4.400 mét so với mực nước biển. Không khí loãng có thể đặt ra những thách thức đối với các chiến đấu cơ.
Tác giả David Axe kết luận, Trung Quốc có thể đưa thêm vũ khí đến khu vực để phô trương sức mạnh. Nhưng vùng biên giới Trung-Ấn dọc theo dãy Himalaya không phải là nơi lý tưởng cho các hoạt động tác chiến trên không.
Theo Đăng Nguyễn (Dân Việt/Forbes)