Kinh tế

Doanh nghiệp

Lỗ hổng hình thành công ty 'ma'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thời gian qua, lợi dụng lỗ hổng trong việc cấp giấy phép, nhiều đối tượng lập hàng loạt công ty “ma” làm ăn phi pháp, gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi điều tra xử lý. 

 



Thời gian qua, lợi dụng lỗ hổng trong việc cấp giấy phép, nhiều đối tượng lập hàng loạt công ty “ma” làm ăn phi pháp, gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi điều tra xử lý.

Trong đó, cơ quan chức năng phát hiện nhiều công ty “ma” tổ chức buôn lậu, mua bán hóa đơn giá trị gia tăng... thì giám đốc là xe ôm, bán bún bò; hàng trăm container vô chủ tồn đọng ở cảng, trong đó không ít lô hàng của công ty “ma”... khiến công tác điều tra đi vào ngõ cụt. Vậy việc thành lập công ty “ma” dễ hay khó?

Để làm rõ ngọn ngành, PV Thanh Niên làm thủ tục đăng ký giấy phép kinh doanh (GPKD) cho một công ty “ma” tại Sở KH-ĐT TP.HCM và nhận thấy đang có những lỗ hổng “chết người” từ khâu kiểm soát đầu vào và công tác hậu kiểm!

 

Khu vực trả kết quả đăng ký giấy phép kinh doanh tại Sở KH-ĐT TP.HCM - Ảnh: Trác Rin
Khu vực trả kết quả đăng ký giấy phép kinh doanh tại Sở KH-ĐT TP.HCM - Ảnh: Trác Rin


Đăng ký địa chỉ “ma” vẫn trót lọt

Một ngày cuối tháng 6.2020, PV đến Sở KH-ĐT TP để tìm hiểu về việc đăng ký GPKD và được một bảo vệ tại đây hướng dẫn vào website của Sở làm thủ tục. Nếu đã chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ đầy đủ thì mang đến nộp trực tiếp tại phòng đăng ký kinh doanh.

 


Thủ tục xin giải thể công ty “ma”

Chiều 13.7, PV Thanh Niên đến Sở KH-ĐT làm thủ tục giải thể công ty “ma” thì được lãnh đạo Phòng Đăng ký kinh doanh cử chuyên viên hướng dẫn làm trực tuyến. Theo đó, chúng tôi phải tạo một tài khoản trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, bao gồm các thông tin cá nhân, địa chỉ email, CMND và làm theo quy trình 2 bước. Bước 1 là làm hồ sơ công bố thông tin giải thể, nếu hồ sơ đầy đủ thì sẽ nhận được thông báo qua email chuyển sang bước 2 là đăng ký giải thể. Trong vòng 5 ngày làm việc, nếu hồ sơ đầy đủ thì sẽ nhận được email thông báo chuẩn bị hồ sơ mang lên Phòng Đăng ký kinh doanh nộp trực tiếp. Tại đây, cơ quan cấp phép sẽ giải quyết thủ tục giải thể trong 1 - 2 ngày làm việc, đồng thời cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. 

Sỹ Đông


Ngày 28.6, truy cập website của Sở KH-ĐT rồi vào mục đăng ký doanh nghiệp tại nhà, chúng tôi chọn mục đăng ký thành lập Công ty TNHH một thành viên và điền tên tuổi, số CMND... Sau đó, chúng tôi ghi địa chỉ trụ sở UBND xã Vĩnh Lộc B (H.Bình Chánh, TP.HCM), tọa lạc số 1304 Vĩnh Lộc, ấp 6, xã Vĩnh Lộc B, H.Bình Chánh, nhưng thay đổi ấp 6 thành ấp 10 - nghĩa là địa chỉ không có thật, để đăng ký vào mục “Địa chỉ trụ sở chính”. Thêm vài thao tác đơn giản, chúng tôi nhận thông báo: “Quý doanh nhân đã hoàn tất quy trình đăng ký”.

Do chọn dịch vụ bưu điện nộp, giao hồ sơ giấy tờ (gồm: 1 CMND sao y công chứng; giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp...), nên ngày 30.6, nhân viên bưu điện đến tận nơi ở của chúng tôi, lấy nộp cho Sở KH-ĐT và đến ngày 8.7 nhận giấy phép đăng ký kinh doanh. Vậy với địa chỉ “ma” trên, chúng tôi vẫn được cơ quan chức năng cấp giấy phép đăng ký kinh doanh hoạt động ngoài đời thực.

Việc cấp giấy phép đăng ký kinh doanh của Sở KH-ĐT càng giảm thủ tục, càng nhanh thì càng tốt. Tuy nhiên, công tác kiểm soát đầu vào, hậu kiểm cần phải chặt chẽ để tránh bị thành phần xấu lợi dụng gây án.

 

Nhân viên bưu điện trả kết quả đăng ký giấy phép kinh doanh cho khách
Nhân viên bưu điện trả kết quả đăng ký giấy phép kinh doanh cho khách

 
Sao y thoáng

Do đầu vào không kiểm soát chặt chẽ nên địa chỉ “ma” của công ty chúng tôi lập lọt lưới Sở KH-ĐT một cách dễ dàng. Trong khi đó, thủ tục sao y công chứng CMND là thủ tục quan trọng để xác định người chủ, người đại diện pháp luật của công ty song cũng quá thoáng.

 


“Về mặt quản lý nhà nước, cơ quan chức năng phải kiểm soát chặt chẽ đầu vào, kể cả công tác hậu kiểm sau này. Nếu Sở KH-ĐT chưa kết nối dữ liệu về địa chỉ từ UBND quận, huyện thì làm thủ công; chỉ cần gửi thông báo về địa phương nhờ xác minh địa chỉ, chủ công ty. Ví dụ người xe ôm, bún bò không thể làm giám đốc công ty với vốn điều lệ, doanh thu hàng chục tỉ đồng. Một cơ quan nhà nước ký quyết định thành lập công ty mà không biết địa chỉ, người chủ công ty thì không ổn”, một cán bộ cảnh sát điều tra, Công an TP.HCM, nhìn nhận.


Ngày 29.6, PV Thanh Niên đến Văn phòng công chứng H.X.N (đường Trần Bình Trọng, Q.5) để sao y công chứng giấy CMND, phục vụ cho việc đăng ký GPKD có địa chỉ “ma”. Chúng tôi sử dụng CMND “không chính chủ”, nhưng vẫn sao y công chứng được một cách dễ dàng. Các nhân viên ở đây cho hay việc sao y công chứng không cần chính chủ, khách chỉ cần mang CMND gốc thì sẽ được văn phòng sao y.

Tương tự, chiều 9.7, PV đến Văn phòng công chứng C.A (đường Võ Văn Tần, Q.3) đề nghị sao y công chứng CMND thì một nhân viên nữ ở đây trả lời: “Photo hết chưa ạ? Có mang bản gốc là văn phòng sẽ sao y chứng thực nhé”. Tương tự, PV ghé tiếp Văn phòng công chứng P.X.T (đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3), thì cũng được phản hồi tương tự.

Việc sao y thoáng như trên, các đối tượng xấu có thể dễ dàng mua, mượn, thuê, nhặt giấy CMND..., rồi đi sao y sử dụng để lập công ty “ma” gây án là dễ như trở bàn tay.

Thực tế, nhiều vụ án, công an phát hiện giám đốc, người đại diện pháp lý của công ty “ma” mua bán hóa đơn giá trị gia tăng có doanh thu mỗi tháng hàng chục, hàng trăm tỉ đồng là xe ôm, bán bún bò nhưng không hề biết mình làm giám đốc. Công an cũng xác định các giám đốc “bất đắc dĩ” này mất giấy CMND, nên bị kẻ xấu sử dụng CMND đăng ký thành lập công ty làm ăn phi pháp. Điều tra đến đây, nhiều vụ án, công an đành phải xếp hồ sơ.

Với quy định sao y này, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải kiểm soát chặt để tránh trường hợp tội phạm (người giả - PV) sử dụng giấy CMND thật (của người khác - PV) sao y, đăng ký lập công ty để buôn lậu, lừa đảo...

 

 Dũng (khoảng 30 tuổi) đang “quảng cáo” dịch vụ đăng ký kinh doanh cho khách
Dũng (khoảng 30 tuổi) đang “quảng cáo” dịch vụ đăng ký kinh doanh cho khách


Làm đại, làm càn

Về vấn đề công ty “ma”, một cán bộ Sở KH-ĐT TP thừa nhận, thực tế có nhiều đối tượng làm ăn phi pháp, sử dụng địa chỉ “ma” hoặc mượn CMND của ông xe ôm chẳng hạn, để lập công ty.

“Việc này bên Sở cũng đã trao đổi với Bộ KH-ĐT. Ngay từ lúc luật Doanh nghiệp 2014 mới ra, Sở đã biết có thực tế như vậy. Nhưng cái mà Bộ KH-ĐT hướng tới chỉ cho đăng ký GPKD và sẽ hướng tới làm online. Nếu làm online 100% thì làm sao mình đi kiểm tra địa chỉ được? Như ở nước ngoài cũng vậy, đăng ký thôi nên “khai gì vô cũng được”. Còn quy định rất rõ là cơ quan đăng ký kinh doanh không chịu trách nhiệm về vi phạm của doanh nghiệp trước và sau khi đăng ký”, vị cán bộ này nói.

Theo cán bộ này, chuyện công ty lấy địa chỉ “ma” thực ra là có, nhưng Sở không có cơ chế xử phạt nên có phát hiện sai phạm cũng không phạt được. Muốn thu hồi cũng không được, vì sai phạm này phải được UBND quận, huyện gửi lên, sau đó Sở ra văn bản thông báo, sau 6 tháng nếu không nhận được phản hồi của doanh nghiệp thì mới rút GPKD. Do doanh nghiệp biết Sở không xử phạt được nên họ cứ làm bừa, làm đại, làm càn. Ngoài ra, Sở không nắm được số liệu về doanh nghiệp “ma”. Vì để xác định được doanh nghiệp “ma” thì UBND quận, huyện, công an mới làm được, rồi chủ trì xử lý luôn; chỉ yêu cầu Sở hỗ trợ, cung cấp thông tin.

Trả lời PV Thanh Niên về trách nhiệm để công ty “ma” lọt lưới, một lãnh đạo của Phòng Đăng ký kinh doanh Sở KH-ĐT cho biết đăng ký kinh doanh thì chỉ cần nộp đủ các đầu vào thủ tục và điền đủ nội dung. Điền đủ thôi chứ đơn vị này không thẩm tra, bởi vậy mới đảm bảo mấy ngày là cấp GPKD. Trong hệ thống dữ liệu đăng ký doanh nghiệp quốc gia, bên Sở đã có danh sách các địa chỉ vi phạm. Địa chỉ vi phạm này từ các UBND quận, huyện người ta gửi lên cho Sở (gồm: căn hộ chung cư để ở, khu vực chuẩn bị đền bù giải phóng mặt bằng, cơ quan nhà nước...). Khi nộp hồ sơ, các chuyên viên sẽ kiểm tra, nếu bấm địa chỉ trùng với địa chỉ vi phạm sẽ hiện ra cảnh báo, Sở sẽ phản hồi ngay lập tức. Chỉ cần địa chỉ đăng ký không trùng với địa chỉ vi phạm sẽ được cấp GPKD bình thường. Trường hợp khi doanh nghiệp đăng ký địa chỉ là tòa nhà mới xây, Sở mới đề nghị hậu kiểm, xem địa chỉ này có được phép kinh doanh không. Còn bình thường không bao giờ đề nghị cả.

Về việc phát hiện địa chỉ đăng ký doanh nghiệp không có thật, theo vị lãnh đạo này, thẩm quyền quản lý doanh nghiệp là của UBND quận, huyện và các cơ quan chuyên môn, chuyên ngành. Trường hợp vi phạm tại địa chỉ đó, cơ quan chức năng sẽ báo lên Sở KH-ĐT. Khi nhận được báo cáo của cơ quan chức năng việc doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký, Sở sẽ yêu cầu doanh nghiệp nói rõ nguyên nhân. Nếu quá 6 tháng không nhận được báo cáo của doanh nghiệp kể từ lúc Sở gửi văn bản, Sở sẽ thu hồi GPKD.

Theo Trác Rin (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm