Theo các chuyên gia tâm lý, tuổi vị thành niên (VTN) dễ gặp sang chấn tâm lý khi gặp các sự cố trong cuộc sống. Nếu cha mẹ không kịp thời phát hiện, chia sẻ, các em có thể bị trầm cảm nặng, có hành vi làm hại bản thân, thậm chí tự tử.
Tỷ lệ học sinh bị trầm cảm, stress rất cao
Gần đây, dư luận đang bàn tán xôn xao về việc 1 học sinh lớp 10 của Trường THPT Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu, An Giang) nghi tử tự sau khi bị nhà trường kỷ luật vào ngày 30/11 vừa qua.
Trong giờ lên lớp, cô giáo đã phát hiện em Y ngất xỉu trong nhà vệ sinh nên báo gia đình và đưa em Y đi cấp cứu. Đến chiều 3/12, gia đình em Y gồm anh, chị đến trường báo là do nhà trường bắt em Y làm kiểm điểm dưới cờ nên Y tự tử. Em Y từng bị nhà trường nhắc nhở, mời gia đình đến trường, gửi thông báo về gia đình vì vi phạm nhiều quy định.
TS Đỗ Minh Loan thăm khám cho một trẻ VTN bị rối loạn tâm lý. Ảnh: B.S |
Theo TS Ngô Anh Vinh, cần phải nghi ngờ trẻ có ý định tự tử nếu trẻ có các biểu hiện sau: Trẻ luôn than thở buồn chán, nghĩ mình đầy tội lỗi xấu xa, cảm thấy bất tài vô dụng; có ý định tàng trữ, cất giấu những vật dụng để thực hiện hành vi tự sát như: Tích trữ thuốc ngủ, chuẩn bị dây; đột ngột có những hành vi bất thường: Dặn dò bạn bè, mặc quần áo đẹp, tự nhiên trò chuyện vui vẻ với mọi người sau thời gian dài không giao tiếp với xung quanh.
Trước đó, ngày 18/11, 1 nữ sinh lớp 10 tại huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) cũng tự tử nhưng được cấp cứu kịp thời. Thông tin ban đầu, nữ sinh cho rằng thầy giáo mình đã hứa ly hôn để cưới nữ sinh này làm vợ nhưng không thực hiện, nên em uống thuốc tự tử.
Nguyên nhân tự tử của 2 nữ sinh nói trên còn có nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, điều này cũng cảnh báo về nguy cơ trẻ VTN rất dễ có hành động dại dột khi gặp các cú sốc trong cuộc sống. Đã có không ít trẻ VTN tự tử vì nhiều lý do khác nhau, nhiều em đã không được phát hiện kịp thời, tử vong một cách đau xót.
Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) công bố cứ trung bình mỗi ngày, khoảng 3.000 trẻ VTN chết do tự tử trên thế giới. Đặc biệt, hiện nay tình trạng tự tử ở tuổi VTN đang ngày càng gia tăng nhưng người lớn, các bậc phụ huynh chưa biết cách nhận diện, hỗ trợ và can thiệp.
Năm 2019, Bệnh viện Nhi T.Ư có tiến hành một cuộc khảo sát về sức khỏe tâm thần của 834 học sinh tại Hà Nội và 726 học sinh tại Hưng Yên. Kết quả cho thấy, tỷ lệ học sinh bị trầm cảm ở Hà Nội là 31,3% và Hưng Yên là 18,6%; tỷ lệ lo âu tại Hà Nội là 42,6% và Hưng Yên là 36,5%; tỷ lệ trẻ stress tại Hà Nội là 38,8% và Hưng Yên là 21,8%.
Cha mẹ phát hiện muộn
TS Đỗ Minh Loan - Trưởng khoa Sức khỏe VTN (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho biết, mới đây, bệnh viện đã tiếp nhận 1 bé gái 13 tuổi trong tình trạng thở oxy. Người nhà cho biết, em bị cô giáo phê bình làm việc riêng trong lớp và yêu cầu viết bản kiểm điểm nhưng em khẳng định mình không làm. Do đó, em đã thắt cổ tự tử. "Do đến viện quá muộn nên chúng tôi không cứu được" - TS Loan chua xót.
Hiện nay, tại khoa cũng đang điều trị trường hợp 1 bé gái 12 tuổi, có ý định tự tử sau khi anh trai du học. Người nhà cho biết, anh trai là chỗ dựa tinh thần quan trọng của em nên khi vắng anh, em đã hụt hẫng, trầm cảm, có ý định muốn chết. Gia đình đã lo lắng nên đưa em đi điều trị.
TS Ngô Anh Vinh - Phó trưởng khoa Sức khỏe VTN cũng cung cấp thêm, theo số liệu của một số nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy tỷ lệ trẻ VTN bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6% và trẻ cố gắng tự tử là 5,8%.
"Ở Việt Nam, một trong những nguyên nhân thường gặp gây ra trầm cảm ở trẻ VTN là do áp lực học tập, thi cử. Đáng nói, ở Việt Nam, vấn đề sức khoẻ tâm thần - đặc biệt tâm lý thanh thiếu niên tuổi học đường chưa được chú trọng nhiều" - TS Vinh phân tích.
Theo TS Đỗ Minh Loan, cha mẹ thường bận rộn công việc, kiếm sống nên ít thời gian quan tâm đến con. Khi con có dấu hiệu bất thường về tâm lý, bố mẹ không kịp thời phát hiện, chia sẻ với con. Do đó, nhiều trường hợp trẻ trầm cảm nặng, dẫn đến tự sát, phát hiện thì đã muộn. Ngoài ra, các khu đô thị lớn, tỷ lệ rối loạn tâm thần có vẻ có xu hướng cao hơn ở tỉnh, thành khác. Trẻ nữ tỷ lệ lo âu trầm cảm, sang chấn tâm lý cao hơn so với trẻ nam. Trẻ trong gia đình có mâu thuẫn, tỷ lệ rối loạn cao hơn so với các em trong gia đình có sự hòa hợp.
TS Loan cũng cảnh báo, trầm cảm là nguyên nhân đứng hàng thứ 3 gây tử vong ở trẻ VTN. Nhưng có một thực tế đáng tiếc, rất ít trẻ phát hiện bệnh sớm. "Đa số các em đến viện điều trị chủ yếu là ở giai đoạn vừa và nặng, nhưng chưa gia đình nào điều trị được 6-7 tháng, đa số bỏ dở. Hoặc nhiều trường hợp thấy đỡ là ngừng nên đã thất bại trong điều trị. Có trẻ bệnh tái phát và điều trị từ 2-3 lần và hy vọng khỏi bệnh là rất khó" - TS Loan chia sẻ.
Theo Diệu Linh (Dân Việt)