Bạn đọc

Lo ô nhiễm từ pin mặt trời hết hạn sử dụng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Điện mặt trời được xem là một nguồn điện sạch và vô tận nhưng nếu cơ quan chức năng không có kế hoạch dài hạn, thì nguy cơ ô nhiễm môi trường từ nguồn điện này là khó tránh khỏi.

Theo Bộ Công thương, đầu tư điện mặt trời tăng nhanh trong vài năm trở lại đây. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh năm 2016, mục tiêu điện mặt trời đạt 850MW vào năm 2020, lên 4.000MW vào năm 2025 và 12.000MW năm 2030. Tuy nhiên, đến giữa năm 2020, tổng công suất điện mặt trời đã lên đến 10.300MW. Như vậy, công suất điện mặt trời hiện tại đã vượt chỉ tiêu của quy hoạch năm 2020 gấp nhiều lần. Và hiện lượng điện mặt trời phát lên lưới điện tăng cao, nhiều dự án điện mặt trời cũng đang được đầu tư.

Nhu cầu sử dụng năng lượng điện mặt trời là rất rõ ràng, trong bối cảnh nhu cầu về điện tăng cao trong khi năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch ngày càng ít đi. Giờ đây, với tuổi thọ trung bình của một tấm pin mặt trời khoảng 20 năm, nhiều tấm pin mặt trời lắp đặt từ đầu những năm 2000 đã sắp hết hạn sử dụng. Câu hỏi đặt ra là chúng sẽ trở thành rác thải gây nguy hiểm cho môi trường hay sẽ được thu hồi tái chế? Nếu không được thu hồi thì xử lý ra sao, bởi loại pin này rất độc hại, nhiều chất có trong pin nguy hiểm hơn cả ắc quy chì? Trong khi, theo tính toán của các chuyên gia, tái chế pin mặt trời đắt hơn mua mới. Pin năng lượng mặt trời được cấu tạo phức tạp, chứa các kim loại chì, đồng, nhôm với các tế bào năng lượng mặt trời làm từ tinh thể silicon và được bọc trong lớp nhựa dày để bảo vệ nên việc phân loại và xử lý phải đầu tư chi phí lớn; chưa kể các hóa chất sinh ra trong quá trình tái chế gây hại môi trường.

Thực tế, với những công nghệ hiện có thì chi phí tái chế nhiều sản phẩm công nghiệp sau khi hết hạn sử dụng thường cao hơn so với chi phí chôn lấp; giá trị của vật liệu sau tái chế cũng thường nhỏ hơn ban đầu và nhiều trường hợp sẽ tốn kém hơn sản xuất mới. Do đó, việc tái chế chưa thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp. Nhưng với các chất thải là kim loại nặng như chì và thiếc, nếu quản lý kém thì không chỉ tốn kinh phí mà còn tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng về môi trường phát sinh sau đó.

Với tuổi thọ một dự án điện mặt trời từ 20-25 năm, quy định pháp lý về trách nhiệm xử lý các tấm pin mặt trời khi hết hạn sử dụng vẫn chưa chặt chẽ. Bài toán phát triển điện mặt trời gắn với sự phát triển bền vững môi trường vẫn chưa được coi trọng, thậm chí còn bị bỏ quên. Thời gian qua, chúng ta quá chú trọng đến giá mua điện hấp dẫn để thu hút đầu tư mà bỏ quên chi phí xử lý liên quan đến môi trường với những tấm pin rất lớn. Xu hướng dùng điện mặt trời cần được khai thác để tận dụng tối ưu nguồn năng lượng trời cho. Tuy nhiên, không thể “khoán trắng” việc xử lý cho nhà cung cấp mà cần sớm có quy định, giải pháp xử lý từ bây giờ để tránh những hệ lụy khôn lường về sau.

 

TƯƠNG QUAN quận 7, TPHCM
(Dẫn nguồn SGGPO)

Có thể bạn quan tâm