Điểm đến Gia Lai

Lò rèn làng Glung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 1978, sau khi ra trường, tôi được cử đến khảo sát công trình thủy lợi của xã Yang Nam, huyện Kông Chro. Anh Đinh Chiêm hồi ấy là cán bộ xã phụ trách mảng nông nghiệp đi cùng tôi.
Gần nửa buổi chiều, khi đến làng Glung, mưa đột ngột đổ xuống, anh em chúng tôi vội vã vào căn chòi tranh gần đó để trú. Thấy trong chòi có nhiều vật dụng lạ, tôi định hỏi thì anh Chiêm giải thích: “Đây là lò rèn đấy! Lò rèn này làm ra cái dao, cái cuốc của người Jrai chúng tôi”.
Trong chòi là những vật dụng hoàn toàn xa lạ với tôi: mấy gùi cát đóng cục vàng khè, một tấm da trâu làm thành chiếc túi lớn và một bếp lò đắp bằng đất sét chứa than lửa còn nóng rực. Tôi càng tò mò hơn khi thấy một người đàn ông đã lớn tuổi đang ngồi mài dao. Thấy tôi tò mò, ông lên tiếng: “Những gùi cát kia là sắt đấy. Nhà ai muốn có cái rựa, cái cuốc thì vào khe núi kia hốt cát lòng suối mà đãi lấy xái đen, góp lại nhiều ngày, nhiều tháng mới gùi đến đây để đốt lên cả ngày cho chảy sắt ra rồi rèn”. Rồi ông nói thêm: “Cũng phải mất 10 gùi mới làm ra được một con rựa sắt bằng gang rưỡi tay. Sau đó mới đem lên hòn sắt lớn này mà ghè ra thành lưỡi rựa, lưỡi cuốc”.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Tôi thắc mắc: “Thế hòn đe sắt kia tìm đâu ra lớn thế?”. Anh Chiêm tiếp lời: “Tôi cũng không biết hòn sắt đó có từ bao giờ. Các cụ bảo, xưa kia muốn có hòn đe này, cả làng phải bỏ hàng tháng trời đi đãi sắt ở các khe suối về đốt lửa mấy ngày đêm mới ra được khối sắt. 2 cái búa để đập này cũng được làm như vậy”. Hòn đe méo mó, to bè bằng đầu gối nằm trên khúc gỗ to, mặt trên nhẵn láng, còn 2 chiếc búa bằng nắm tay có hình thù cũng không mấy đẹp đẽ. Chỉ vào miếng bao da trâu, anh Chiêm giải thích thêm: “Nó là cái bao làm ống thổi hơi, khi đạp vào sẽ dẫn hơi thổi vào lò cho lửa bừng lên để đốt sắt”.
Mãi đến năm 1987, tôi mới có dịp trở lại làng Glung. Gặp lại người mài dao năm xưa, tôi được biết ông tên là Kpă Giao-người chuyên làm những vật dụng sản xuất, sinh hoạt cho dân làng từ hồi còn là thanh niên. Vừa làm cùng với nhóm trai trẻ, ông Giao vừa kể: Mấy làng xung quanh đây chỉ có 1 lò rèn này thôi. Khi xưa, lúc còn là thiếu niên, ông đã phải theo làng dời đi liên tục vì chiến tranh. Cả làng Glung này phải lên tận núi cao Kông Chro vào các hang đá để tránh bom đạn. Cũng nhờ các con suối kia mà làng có đủ sắt để làm nên các dụng cụ như rìu, rựa làm rẫy, làm mũi giáo, mũi mác và đầu bịt cho mũi tên. Nhưng cũng không được nhiều, cả làng góp công sức hàng tháng trời mới đủ cát làm được vài ba cái rìu, cái rựa để khai hoang trồng trỉa.
Để làm được chiếc rựa, sau khi có lõi sắt, một thanh niên phải đạp cái bọc da trâu thổi hơi lửa bừng liên tục gần một giờ đồng hồ cho sắt đỏ rồi kê lên khối đe. Một người vịn, 2 người dùng búa đập nhanh cho khối sắt kia mỏng dần, đến khi sắp hoàn thành mới dùng dụng cụ mài, gọt cho mỏng mép thành con rựa, sau cùng là mài trên đá cho bén. Công đoạn cuối cùng là “trui cho sắt già” bằng cách nung đỏ phần lưỡi con dao rồi lấy ra khỏi lửa, dùng cây chổi nhỏ nhúng vào một chén nước gì đó phết lên lưỡi dao rồi nhanh tay nhúng đột ngột vào nước lạnh vài giây. Làm lại 4, 5 lần đến khi dao gần nguội thì nhúng hẳn vào nước. Ông Giao bảo làm như vậy sắt sẽ không bị giòn, khi chặt cây cứng sẽ không bị mẻ. Công đoạn cuối cùng là cắm cán cho dao, rựa.
Ông Giao ngồi trầm ngâm giây lát rồi nói: “Sau này, dân làng đi rừng thấy những ống đèn pháo sáng thì nhặt về cắt ra làm lưỡi cuốc, lưỡi yết. Mảnh bom thì làm ra dao, rựa. Còn vỏ nhôm của bom thì tận dụng gò nồi, gò ăng-gô để nấu thức ăn. Sau ngày giải phóng là sướng rồi. Rựa, rìu, dao người Kinh mang vào bán tận làng. Xoong nồi có đầy đủ. Không phải vất vả đi đãi cát về nấu lấy sắt”.
Đã gần 40 năm trôi qua, có lẽ, ông Giao đã về với ông bà tổ tiên, cái lò rèn năm xưa cũng đã hoang phế. Nhưng câu chuyện quanh lò rèn cổ ấy vẫn lưu luyến trong tâm trí tôi với niềm cảm phục về sự sáng tạo trong khó khăn của đồng bào sống ở vùng sâu, vùng xa như Kông Chro.
AN SINH

Có thể bạn quan tâm