Theo kết luận thanh tra của Bộ Công Thương công bố mới đây, trong giai đoạn 2010 đến tháng 6/2018, dưới thời ông Trần Ngọc Hà mặc dù kết quả kinh doanh hợp nhất tại VEAM hàng năm đều có lãi nhưng nguồn thu nhập chủ yếu do lợi nhuận từ các công ty liên doanh Honda, Toyota, Ford mang lại. Quá trình quản lý, điều hành tại VEAM và một số đơn vị thành viên còn tồn tại nhiều sai phạm, thiếu sót.
Ông Trần Ngọc Hà (áo kẻ, bên phải khung hình) tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông ngày 30/6. Ảnh: Lương Bằng.
Kết luận Thanh tra của Bộ Công Thương công bố mới đây cho thấy, nhiều sai phạm về quản lý kinh tế, bổ nhiệm chức vụ và đầu tư, quản lý tài sản công tại VEAM đã xảy ra dưới thời các ông Nguyễn Thanh Giang, Lâm Chí Quang và Trần Ngọc Hà khi nắm quyền lãnh đạo tại tổng công ty có doanh thu khủng hàng năm này.
Cụ thể, tổng công ty đã không ban hành các quyết định về bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo đơn vị trực thuộc phù hợp với mô hình mới của VEAM theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Ngay cả trước thời điểm ngày 30/4/2014, VEAM không ban hành quy chế hoạt động của người đại diện doanh nghiệp có phần vốn góp của tổng công ty.
Hàng loạt sai phạm trong công tác bổ nhiệm cán bộ trong giai đoạn 2010 đến 2018 được cơ quan thanh tra chỉ ra sau này cho thấy sự dính líu và chịu trách nhiệm chính thuộc về ông Nguyễn Thanh Giang (Tổng giám đốc giai đoạn 2010 -2011); ông Lâm Chí Quang (Chủ tịch giai đoạn 2004 -2011, Tổng giám đốc giai đoạn 2011-2015) và ông Trần Ngọc Hà (Chủ tịch giai đoạn 2011-2014, Tổng giám đốc giai đoạn 2015-2018).
Việc quản lý, sử dụng tài sản tại VEAM cũng cho thấy nhiều điều kỳ lạ. Điển hình như năm 2013, khi ghi nhận tài sản cố định vào hoạt động nhưng tổng công ty và nhà máy ô tô không thực hiện việc kiểm kê chi tiết số tài sản thuộc nhà máy được bàn giao với giá trị tài sản cố định lên tới hơn 652,9 tỷ đồng. Thậm chí tại tổng công ty này còn để xảy ra việc mất 1 xe ô tô Fortuner trị giá 1 tỷ đồng hay mua sắm xe cô trái quy định của Thủ tướng Chính phủ dưới thời ông Lâm Chí Quang và ông Trần Ngọc Hà cũng đã được ghi nhận. C
Chỉ tính riêng tổng số tiền mua ô tô vượt tiêu chuẩn quy định dành cho các chức danh lên tới hơn 2,63 tỷ đồng. Năm 2016, VEAM tiếp tục mua một xe Toyota Landcruiser cao hơn mức quy định chi phí xe hợp lý của Bộ Tài chính tới hơn 990 triệu đồng và một xe Honda Odyssey với giá xe vượt tiêu chuẩn hơn 209 triệu đồng. Đáng chú ý, việc mua xe này không được tiến hành mua theo hình thức đấu thầu theo quy định tại Điều 8, Thông tư 159/2015 của Bộ Tài chính với tổng số tiền mua hai xe lên tới hơn 8,75 tỷ đồng.
Trong Kết luận thanh tra của Bộ Công Thương, do Chánh thanh tra Lê Việt Long ký ban hành hồi tháng 5/2019, cho thấy việc quản lý, sử dụng tài sản tại VEAM hiệu suất không cao, việc đầu tư không hiệu quả đã gây lãng phí rất lớn tại nhiều đơn vị. Như Xưởng công nghệ cao mới đạt 30% hiệu suất tại Công ty Cơ khí Trần Hưng Đạo hay như Dự án đầu tư dây chuyền sản xuất động cơ xăng 6+8 HP tại DISOCO do VEAM đầu tư (dưới thời ông Quang và ông Hà) nhưng không thể sử dụng tài sản và phải chịu khấu hao vô ích trong giai đoạn 2017 đến 6 tháng đầu năm 2018 với số tiền lên tới hơn 1,33 tỷ đồng. Việc đầu tư bừa bãi cũng khiến Xưởng Dập và Xưởng Hàn của Nhà máy ô tô có nhiều thiết bị không được sử dụng, gây lãng phí vốn nhà nước.
Theo thông tin của Tiền Phong, dưới thời của mình, hàng loạt quyết định điều hành khó hiểu dưới thời ông Lâm Chí Quang và ông Trần Ngọc Hà đi kèm với hàng loạt các sai phạm về quản lý đã dẫn đến việc mất vốn chủ sở hữu, vốn đầu tư hoặc thua lỗ tại nhiều đơn vị thuộc VEAM. Điển hình như chỉ riêng việc đầu tư, quản lý vốn tại chi nhánh VEAM tại Bắc Kạn, Nhà máy ô tô kinh doanh trong giai đoạn từ 2010 đến tháng 6/2018 đã làm mất vốn của VEAM tổng cộng hơn 331,8 tỷ đồng.
Còn đến thời điểm ngày 1/1/2018, toàn bộ vốn đầu tư của VEAM tại Công ty TNHH máy kéo và máy nông nghiệp (TAMAC) đã bị mất và bị âm vốn lên tới hơn 36,1 tỷ đồng. Hay như công ty Mê Linh thuộc Viện Công nghệ mất vốn hơn 5,6 tỷ đồng. Còn tại Công ty VEAM Korea bị mất vốn hơn 208 triệu won, trong đó VEAM bị mất vốn đầu tư hơn 3,71 tỷ đồng).
Bên cạnh việc cho vay tiền tràn lan, các cựu lãnh đạo của VEAM kể trên còn để xảy ra các khoản nợ đọng kéo dài lên tới hàng nghìn tỷ đồng mà theo kết luận thanh tra chưa biết đến bao giờ mới thu hồi được. Trong đó riêng khách hàng nợ Tài khoản 131 lên tới hơn 88,3 tỷ đồng; nợ Tài khoản 138 hơn 5.919 tỷ đồng.
Các công ty cũng nằm trong danh sách nợ VEAM nhiều tiền khác phải kể đến như Công ty cổ phần Matexim Hải Phòng nợ 95,3 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Vật tư và Thiết bị toàn bộ nợ hơn 136 tỷ đồng; Công ty TNHH Máy kéo và Máy nông nghiệp nợ 68,5 tỷ đồng; Công ty Vetranco nợ 216 tỷ đồng…Chưa kể số nợ quá hạn, khó đòi của các đơn vị thành viên dưới thời các ông Giang, Quang và Hà cũng được ghi nhận đến nay lên tới gần 70 tỷ đồng.
Phạm Tuyên (TPO)