Thời sự - Sự kiện

Thời sự quốc tế

Loài ong mật châu Á lần đầu xuất hiện gây báo động ở châu Âu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các nhà khoa học phát hiện ra rằng loài ong ruồi đỏ đã lập đàn ở châu Âu lần đầu tiên, theo tờ The Guardian hôm nay 30.8 dẫn lại một nghiên cứu mới.

Nghiên cứu mới nói trên được đăng trên chuyên san Journal of Apicultural Research. Theo đó, đàn ong ruồi đỏ (Apis florea) được phát hiện gần cảng Birżebbuġa, trung tâm vận chuyển hàng hóa chính của Malta, cho thấy đàn ong có thể đã đến bằng một tàu thương mại.

Loài ong ruồi đỏ có nguồn gốc từ châu Á và việc phát hiện ra loài ong này đã gây báo động trong những người nuôi ong và nhà bảo tồn ong địa phương, vốn lo ngại về tác động tàn phá tiềm tàng đối với quần thể ong bản địa.

Các báo cáo trước đây cho thấy loài ong ruồi đỏ đã dần mở rộng lãnh thổ từ châu Á sang Trung Đông và đông bắc châu Phi. Ảnh: Chụp màn hình The Guardian

Các báo cáo trước đây cho thấy loài ong ruồi đỏ đã dần mở rộng lãnh thổ từ châu Á sang Trung Đông và đông bắc châu Phi. Ảnh: Chụp màn hình The Guardian

"Thật đáng lo ngại khi ong Apis florea được tìm thấy ở Malta. Apis florea có khả năng cạnh tranh phấn hoa và mật hoa với các loài thụ phấn bản địa của chúng ta, một nhóm côn trùng đang suy giảm. Rất có khả năng những con ong này sẽ mang theo nhiều bệnh mà ong châu Âu có thể không có khả năng kháng lại", Giáo sư sinh học Dave Goulson tại Đại học Sussex (Anh), không tham gia nghiên cứu mới, nhận định.

Các báo cáo trước đây cho thấy loài ong ruồi đỏ đã dần mở rộng phạm vi sinh sống của mình từ châu Á đến Trung Đông và Đông Bắc Phi, nhưng trước nghiên cứu mới, loài ong này chưa từng được ghi nhận ở châu Âu.

"Nếu ở Malta, đây là lần đầu tiên xuất hiện một loài ong mật ở châu Âu không phải là ong mật phương Tây, Apis mellifera", nhà côn trùng học Francis Ratnieks và là giáo sư danh dự về nghề nuôi ong tại Đại học Sussex, không tham gia nghiên cứu mới, bình luận.

Khi phát hiện ra đàn ong ở Malta, gồm hơn 2.000 con ong trưởng thành, đang bao quanh một cành cây, nhà chức trách đã tiến hành cuộc xét nghiệm DNA để xác định loài. Ngay sau khi xác định được đó là ong ruồi đỏ (Apis florea), họ đã loại bỏ và tiêu hủy nó. Nhưng các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng một nhóm ong đã rời khỏi tổ để bắt đầu lập một đàn mới.

Bà Juliana Rangel, giáo sư về ngành nuôi ong tại Đại học Texas A&M (Mỹ), không tham gia nghiên cứu mới, cho hay việc phát hiện ong ruồi đỏ ở Malta là một ví dụ nữa về việc nhiệt độ tăng do khủng hoảng khí hậu thúc đẩy sự lây lan của các loài đến các vùng lãnh thổ trước đây không có người ở.

Các nhà nghiên cứu tin rằng mùa đông ôn hòa ở Malta và các quốc gia Nam Âu khác tạo điều kiện thuận lợi cho sự tồn tại của loài ong ruồi đỏ. Bà Rangel cho hay loài này có thể "chỉ mất vài năm" để lan rộng đến một địa điểm khác.

Theo Văn Khoa (TNO)

Có thể bạn quan tâm