Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Lời ca chống dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sức mạnh văn hóa-văn nghệ được Đảng ta vận dụng hiệu quả trong công tác tuyên truyền trên nhiều lĩnh vực. Đến “thời Covid-19”, các tác phẩm ở lĩnh vực này, nhất là sức mạnh lời ca, tiếng hát tiếp tục khẳng định vị trí quan trọng, tác động sâu sắc đến nhận thức toàn xã hội, huy động sự đồng lòng, quyết tâm chiến thắng dịch bệnh. 
Được Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San phát động từ cuối tháng 8-2021, cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật chủ đề phòng-chống Covid-19 năm 2021 đã thu hút sự tham gia của nhiều tác giả trong và ngoài tỉnh. Theo đánh giá của ông Nguyễn Ngọc Long-Giám đốc Nhà hát, cuộc thi không những góp phần động viên các lực lượng tuyến đầu mà còn tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong phòng-chống dịch.
Ở thể loại ca khúc có 7 tác phẩm đạt giải gồm 1 giải A, 2 giải B, 3 giải C, 1 giải khuyến khích. Nhạc sĩ Hà Quang Minh (phường Thống Nhất, TP. Pleiku) đạt giải A với tác phẩm “Bài ca chống dịch Covid-19”. Ra mắt hồi đầu tháng 9-2021, ca khúc này đã được công chúng đón nhận hết sức nhiệt tình. Vượt ra khỏi khuôn khổ cứng nhắc của một ca khúc tuyên truyền, tác phẩm đã thật sự lay động cảm xúc của khán thính giả thông qua giai điệu hào hùng, gợi nhớ những hành khúc thời chống Mỹ: “Ta lại hành quân lên đường chống dịch/Quê hương thân yêu ơi, đồng bào mến thương ơi/Lời Tổ quốc đang thiết tha vẫy gọi/Chống dịch Covid như chống giặc ngoại xâm… Quê hương ta, đất nước ta, mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài, người người Việt Nam một lòng cùng chống Covid, người người Việt Nam một lòng bảo vệ quê hương…”. Nhạc sĩ Hà Quang Minh trò chuyện: “Dân tộc ta có truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Vì vậy, ca khúc chống dịch cũng phải có giai điệu, tiết tấu hào hùng, ca từ dễ nhớ, ai cũng hát được để kêu gọi, cổ vũ tinh thần vững tin chống dịch thắng lợi”. 
Âm nhạc có tác động vô cùng mạnh mẽ đến nhận thức và cảm xúc của công chúng. Ảnh: Lam Nguyên
Âm nhạc có tác động vô cùng mạnh mẽ đến nhận thức và cảm xúc của công chúng. Ảnh: Lam Nguyên
Cùng với đó, thể loại kịch thông tin được trao 1 giải A, 2 giải B, 3 giải C; thể loại nhảy, múa hiện đại có 1 giải khuyến khích. Nói về tác phẩm “Tôi đã sai”, tác giả Phạm Ngọc Quy-sinh viên Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh-cho hay: Anh rất vui mừng khi lần đầu tiên tham gia dự thi ở thể loại kịch thông tin và giành giải cao nhất. Vở kịch có thời lượng khoảng 10 phút với nhân vật chính là chị Tám, một phụ nữ ngông nghênh, thích gì làm nấy, bất chấp các quy định về phòng-chống dịch. Một hôm, chị mơ thấy mình qua đời do mắc Covid-19 rồi xuống chầu Diêm Vương. Trong buổi phán xử, Diêm Vương đã nghiêm khắc luận tội khiến chị Tám nhận ra lỗi lầm của mình và cúi đầu nhận tội: “Tôi đã sai”. Với tình huống hấp dẫn cùng nhiều pha gây cười hợp lý, tác phẩm lồng ghép các quy định, thông tin liên quan đến công tác phòng-chống dịch Covid-19 tự nhiên, dễ đi vào lòng người, nâng cao ý thức và tạo chuyển biến trong hành động. 
Không chỉ thu hút đội ngũ sáng tác chuyên nghiệp, cuộc thi còn nhận được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của nhiều tác giả nghiệp dư trong và ngoài tỉnh. Có thể kể đến các tác phẩm: “Bắt con Covid” của tác giả Lê Văn Châu-Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Đức Cơ; “Đuổi con Corona ra khỏi buôn làng”, tác giả Ngô Đức Mạo-Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa (cùng đạt giải C thể loại kịch thông tin); “Chung tay diệt Covid”, tác giả Kpă H’Buôn-thôn 1, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa (giải B thể loại ca khúc); “Xin ngàn lời ngợi ca”, tác giả Lê Minh Hà-giáo viên Trường THCS Chu Văn An, huyện Chư Sê (giải C thể loại ca khúc)… Đặc biệt, tác giả Nguyễn Thị Mỹ Ngọc (47/3 đường 120, phường Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh) giành 2 giải C với 2 tác phẩm dự thi: kịch “Khẩu trang cho tâm trí” và viết lời mới cho làn điệu dân ca Lý cây bông với ca khúc “Chống dịch Covid”.
Thực tế cuộc sống chính là mảnh đất màu mỡ cho sáng tạo nghệ thuật. Đề tài về cuộc sống là bất tận và lúc nào cũng tươi mới, sống động. Càng đối mặt với khắc nghiệt, thử thách lại càng bật lên những tác phẩm để đời. Đơn cử, đi qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Việt Nam đã có một nền âm nhạc rực rỡ với vô số tác phẩm vừa hào hùng, vừa trữ tình lãng mạn sống thật lâu, thật sâu trong lòng khán thính giả nhiều thế hệ, kể cả lớp người sinh ra và trưởng thành sau chiến tranh. Điều này khẳng định giá trị to lớn của âm nhạc và các sản phẩm văn hóa đối với nhận thức, cảm xúc của công chúng. Những tác phẩm ấy giúp con người sẵn sàng đối diện và vượt qua khó khăn, chiến đấu và chiến thắng. 
Và nay, “thời Covid-19” tiếp tục đòi hỏi tâm thế tương tự để tiếp thêm niềm tin, động lực vượt qua dịch bệnh. Chính trong thời điểm này, càng cần hơn bao giờ hết sự vào cuộc cổ vũ, động viên của các văn nghệ sĩ chuyên nghiệp và nghiệp dư thông qua những tác phẩm đầy sáng tạo, tâm huyết. Nói như nhạc sĩ Hà Quang Minh: “Nếu đoàn kết một lòng, tin chắc sẽ thành công!”.
LAM NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm